Lợi ích nhóm lũng đoạn công tác cán bộ
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là điển hình của việc lợi ích nhóm đang lũng đoạn một số khâu trong công tác cán bộ. GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với báo chí về nội dung này.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Cán bộ là gốc của mọi công việc
PV:Bác Hồ đã từng nói: Cán bộ là gốc của mọi việc. Để xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động, công tác cán bộ cần được chú trọng như thế nào, thưa ông?
GS Phan Xuân Sơn: Công tác cán bộ là công tác quan trọng nhất vì nó là “công việc gốc của Đảng”. Nếu không làm tốt “việc gốc” thì các “việc cành”, “việc ngọn” cũng sẽ không tốt, không bền vững. Đảng ta có vai trò lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo Nhà nước thì Đảng phải chuẩn bị một đội ngũ cán bộ để giữ các cương vị trong hệ thống các cơ quan của Nhà nước.
Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, đòi hỏi Đảng phải lãnh đạo tốt công tác cán bộ từ tất cả các khâu: Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Chỉ cần làm không tốt một trong các khâu đó, chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ yếu kém. Khi cán bộ kém, thì công việc của Đảng, Nhà nước của Mặt trận cũng sẽ yếu kém và khi đó dân sẽ không còn tin vào cán bộ nữa, không tin vào Đảng, vào Nhà nước nữa. Khi đã mất lòng tin của nhân dân thì có thể mất tất cả.
PV:Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Theo ông, xảy ra hiện trạng này có nguyên nhân nào từ công tác cán bộ?
GS Phan Xuân Sơn: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nhận định, đánh giá: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ nguy cơ tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, thậm chí còn có những diễn biến phức tạp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ việc chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về công tác cán bộ, thực hiện không đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ khóa XI, Đảng ta đã có một số biện pháp cụ thể, mới hơn so với những nhiệm kỳ trước về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, đánh giá cán bộ…
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có thể khẳng định, công tác cán bộ vẫn nhiều bất cập, vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của tình hình thực tiễn cả về tri thức, kỹ năng, tư cách đạo đức lối sống.
Có hai vấn đề cần đổi mới mạnh mẽ đó là đánh giá cán bộ theo năng lực, tài năng và cống hiến; được hưởng thụ, thăng tiến theo năng lực, tài năng và cống hiến đó. Chỉ có như vậy mới tránh được các tiêu cực trong công tác cán bộ, mới tránh được các nạn “chạy”, từ chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy tội…Mới chọn được người tài chứ không phải chỉ người nhà, mới đảm bảo được công bằng trong công tác cán bộ.
Dấu hiệu nhóm lợi ích trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh
PV: Là người điều hành Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được đề bạt, luân chuyển lên những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông thấy sao về hiện tượng này?
GS Phan Xuân Sơn: Vụ ông Trịnh Xuân Thanh không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà là một hiện tượng điển hình của công tác cán bộ. Việc này liên quan đến nhiều yếu kém của công tác cán bộ. Đặc biệt, yếu kém nhất hiện nay đó là sự thao túng của các nhóm lợi ích đối với công tác cán bộ.
Ông Trịnh Xuân Thanh là một cá nhân liên quan đến một nhóm lợi ích nào đó. Nhóm đó là một nhóm có thế lực, là những người có nhiều quyền, có nhiều tiền, có nhiều hiểu biết về quy trình công tác cán bộ. Chỉ có như thế thì họ mới đưa một người yếu kém về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; yếu kém về năng lực chuyên môn (làm thua lỗ hơn 3000 tỷ) lọt qua các công đoạn của quy trình công tác cán bộ và thăng tiến như vậy.
Có thể nói, hiện nay không chỉ mình ông Thanh mà có hàng trăm, hàng nghìn nhân vật như vậy mà chúng ta chưa phát hiện được hoặc đã phát hiện rồi, mà chưa xử lý được.
PV: Vì sao những trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển “có vấn đề” người ta vẫn khẳng định “đúng quy trình”, thưa ông?
GS Phan Xuân Sơn: Quy trình của chúng ta khá chặt chẽ, nhưng quy trình nào cũng có thể có những “lỗ hổng” của nó. Vấn đề là các “nhóm lợi ích”, các cá nhân vụ lợi đã lợi dụng, đã tìm cách “qua mặt” hệ thống công tác nhân sự mà nó vẫn “theo đúng quy trình”. Hay nói cách khác, một số khâu, một số công đoạn có thể làm “đúng quy trình” nhưng hình thức không thực chất. Như quy trình lấy phiếu tín nhiệm.
Như chúng ta đã biết, số phiếu tín nhiệm phải trên 50% mới được tín nhiệm, nhưng quá trình lấy phiếu tín nhiệm như thế nào thì không ai kiểm soát được. Người bỏ phiếu có thể bị tác động bởi lợi ích, tình cảm, họ hàng, đồng hương…thậm chí người ta có thể bỏ tiền ra mua phiếu tín nhiệm.
Quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay mặc dù khá chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là không có hạn chế, vẫn có “đất” cho sự tùy tiện, và có thể bỏ sót những tài năng.
PV: Đánh vào nhóm lợi ích không dễ dàng, song vừa rồi đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "nổi trống lệnh" tấn công vào nhóm lợi ích, tham nhũng cho thấy quyết tâm chính trị là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào, thưa ông?
GS Phan Xuân Sơn: Trong việc chống tiêu cực, cũng như phòng chống tham nhũng, lãng phí…Đảng ta chủ trương không có vùng cấm. Kinh nghiệm trên thế giới về việc chống tham nhũng, tiêu cực là chống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, tức là đánh chỗ nào quan trọng trước, chỗ không quan trọng đánh sau.
Như vậy chống tiêu cực, lợi ích nhóm đầu tiên phải chống từ các cơ quan cấp cao rồi xuống cấp thấp, từ Trung ương, xuống tỉnh, huyện, xã.
Phương châm, chiến thuật, chiến lược là như thế, nhưng thực hiện nó phải có bước đi và phải chặt chẽ, để tránh làm sai, làm oan, mất đoàn kết nội bộ. Tổng Bí thư đã nói công khai nhiều lần là không có vùng cấm, không né tránh, làm liên tục, kiên trì, quyết liệt và cẩn thận.
PV: Theo ông, có nên rà soát lại những trường hợp "con ông, cháu cha" ngồi “ghế” chưa nóng đã di chuyển từ chỗ nọ tới chỗ kia để thăng tiến?
GS Phan Xuân Sơn: Công tác cán bộ đòi hỏi phải rà soát thường xuyên và đối với mọi đối tượng. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII, việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống các hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí… thì việc rà soát trong công tác cán bộ càng cần phải thường xuyên hơn. Trong đó, cần chú ý đến những trường hợp mà nhân dân và dư luận phản ánh. Nhân dân quan tâm và sát cán bộ lắm, nên dân thấy có vấn đề thì dân sẽ nói ngay.
Vì vậy, khi nghe dân nói, phải rà soát lại, xem mức độ đúng, sai thế nào. Những trường hợp “con ông, cháu cha” thăng tiến nhanh quá, cần khẩn trương xem xét và công khai, minh bạch cho dư luận được rõ.
PV: Mới đây phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra thông điệp thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà; chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Trong bối cảnh lùm xùm về công tác cán bộ, ông bình luận gì về điều này?
GS Phan Xuân Sơn: Trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là những triều đại thịnh trị rất trọng người hiền tài vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì quốc gia thịnh”. Lúc nào, thời nào quên điều này thì chắc chắc quốc gia sẽ suy. Quốc gia suy thì nhân dân cơ cực, nội loạn, ngoại xâm, lực lượng cầm quyền cũng sẽ không bảo vệ được lợi ích của mình. Chính vì vậy, trọng hiền tài là điểm mấu chốt có tính truyền thống và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta là coi trọng hiền tài và lựa chọn hiền tài ở tất cả thành phần xã hội, ở tất cả vùng miền. Qua thi cử, bất kỳ con em thuộc gia đình nào, thành phần nào, giai cấp nào nếu thi đỗ đều được làm quan. Thi cử là con đường truyền thống rất căn bản trong việc chọn hiền tài ở nước ta. Chúng ta phải nhất quán và coi trọng truyền thống này.
Hiện nay chúng ta có chính sách bình đẳng với tất cả thành phần dân tộc, các địa phương trong đào tạo cán bộ. Có chính sách ưu tiên cho những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc để mọi người cùng được tham gia học tập, thi cử cũng như thăng tiến.
PV: Theo ông, làm thế nào để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân?
GS Phan Xuân Sơn: Để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân, chúng ta hãy thực hiện nghiêm cẩn lời dạy của tiền nhân cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là coi cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng phải gắn công tác cán bộ với nhân dân. Người cán bộ lo việc cho dân phải do dân bầu, dân giám sát, dân đánh giá. Cần phải đổi mới quy trình để lựa chọn, đào tạo, sự dụng và đãi ngộ cán bộ.
Mỗi giai đoạn cần có tầm nhìn của thời đại, phải nhìn rõ nhu cầu của xã hội về công tác cán bộ từ đó tuyển người tài, sử dụng người tài và có chính sách đãi ngộ người tài xứng đáng. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn hiện tượng tiêu cực mua chức, mua quyền, mua vị trí, bằng cấp…Làm được như vậy thì cơ hội bình đẳng sẽ đến được với tất cả mọi người.
Nếu thực hiện các khâu đó thật nghiêm cẩn thì chắc chắn chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của tình hình, ngang tầm với dân tộc, với sự kỳ vọng của nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|