Luật Công đoàn 2012: Nhiều quy định không phù hợp với tình hình mới

Hoài Phương 01/12/2022 10:54

(Baonghean.vn) -  Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm triển khai, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế không phù hợp với tình hình mới.

10 năm thực tiễn

Ngay sau khi Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 565/UBND-VX ngày 9/3/2013 về việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Luật Công đoàn. Đây cũng là thời điểm tỉnh Nghệ An có nhiều dịch chuyển, phát triển về tình hình kinh tế, xã hội với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hàng chục nhà máy trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho hàng chục nghìn công nhân lao động, thuận lợi để tổ chức Công đoàn vận động, tập hợp phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Cùng với đó, hoạt động của Công đoàn Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Tỉnh ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đoàn viên, lao động.

Tính đến năm 2022 công đoàn Nghệ An đã có 542 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp với 80.572 đoàn viên. Ảnh: CSCC

Sau khi Luật Công đoàn có hiệu lực, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-LĐLĐ ngày 7/9/2012 triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến luật đến 29 Liên đoàn Lao động huyện, thành, thị, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về tài chính công đoàn. Ngoài ra, xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, xây dựng kế hoạch và ký chương trình phối hợp định kỳ hàng năm, 100% công đoàn cơ sở xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Trong 10 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại hàng trăm doanh nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tham gia 298 đoàn kiểm tra tại 2.396 lượt đơn vị. Công đoàn các cấp đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh khởi kiện 23 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, có 4 cá nhân được tổ chức Công đoàn bảo vệ tại tòa án. Công đoàn tỉnh đã tham gia giải quyết kịp thời 29 cuộc đình công, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Hiện nay, toàn tỉnh có 453/532 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 85,2%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động công đoàn cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đồng chí Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Thực tế, một số quyền, lợi ích cơ bản của người lao động và quyền công đoàn còn chậm thực thi, chế độ đãi ngộ, bảo vệ cán bộ công đoàn chưa được chú trọng, nhiều nơi quyền đại diện của công đoàn mang tính hình thức, chưa phát huy và thể hiện tốt vai trò đại diện cho người lao động, việc thực hiện quyền kiểm tra - giám sát của Công đoàn chưa nhiều, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn mang tính hình thức…”.

Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh ký quy chế phối hợp. Ảnh: Diệp Thanh

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế hiện nay. Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn kinh doanh không ổn định, nhân lực ít, chủ yếu là doanh nghiệp gia đình nên không đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn, nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về pháp luật lao động, về công đoàn còn hạn chế hoặc chưa tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động. Ở một số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn lại chưa có chế tài đủ mạnh để bảo vệ cán bộ công đoàn khi đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động, chưa có chế độ chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ công đoàn, các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về pháp luật lao động… Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa công đoàn với chính quyền và các cơ quan chưa đạt hiệu quả cao, công tác thanh tra, xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật lao động, Luật Công đoàn còn hạn chế, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công đoàn cơ sở…

Đòi hỏi sự đổi mới

Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Công đoàn, Ông Nguyễn Chí Công chia sẻ thêm: “Để đổi mới mạnh mẽ nội dung hoạt động công đoàn, cần tập trung quy định hai nhiệm vụ chính của công đoàn là phát triển tổ chức và đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn. Vì hiện tại nhiệm vụ công đoàn đang dàn trải quá nhiều”.

Cùng quan điểm, bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật – Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ thêm: “Luật Công đoàn 2012 được ban hành trước khi Hiến pháp 2013 được thông qua nên có những quy định chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp. Ngoài ra, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn 2012. Do vậy, Luật Công đoàn 2012 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành”.

Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đến với người lao động. Ảnh: CSCC

Từ thực tiễn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật Công đoàn 2012. Cụ thể, do đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn 2012 còn hẹp so với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn nên cần mở rộng về đối tượng, phạm vi điều chỉnh Luật, đặc biệt là đối tượng người lao động nước ngoài. Cần có quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, tăng thời gian hoạt động dành cho chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động theo các mức phù hợp đồng thời nghiên cứu giải pháp bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, khuyến khích, động viên cán bộ công đoàn cơ sở tham gia hoạt động và đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động 2019 để đảm bảo thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn.

Liên quan đến đội ngũ cán bộ công đoàn, bà Hoàng Thị Thu Hương nói thêm: “Cần bổ sung quy định về cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp có từ 2.000 công nhân trở lên, có quy định cơ chế chính sách, chế độ tiền lương, cơ chế bảo vệ cho số cán bộ này, đề nghị triển khai theo Quyết định 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Có như vậy Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp mới thực sự mạnh và mới cạnh tranh với tổ chức do người lao động thành lập. Ngoài ra, cần ban hành các chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ công đoàn để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng trong hoạt động công đoàn, trong đó cần có cơ chế bổ sung biên chế cán bộ công đoàn cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Đề nghị việc giao biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách phải căn cứ vào 2 chỉ tiêu là số lượng công đoàn cơ sở và số lượng đoàn viên/biên chế”.

Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá. Ảnh: CSCC

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đề nghị cần có quy định về đảm bảo công khai, minh bạch tài chính công đoàn và bổ sung quy định: “Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm hàng tháng đóng kinh phí công đoàn cùng thời điểm với việc trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Ngoài ra, nên quy định thống nhất tên gọi của hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở, cụ thể: Tổng Công đoàn Việt Nam - Công đoàn tỉnh - Công đoàn huyện, Công đoàn ngành địa phương - Công đoàn cơ sở”.

Mới nhất

x
Luật Công đoàn 2012: Nhiều quy định không phù hợp với tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO