Mẫu khai báo y tế toàn dân tương tự như tờ khai y tế với người nhập cảnh

vov.vn 10/03/2020 10:35

Việt Nam thực hiện khai báo y tế toàn dân nhằm chống dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn 2 khó khăn hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19 nêu thực tế Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch khi ca thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước, đồng nghĩa với việc phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả.

Phó Thủ tướng đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân trên toàn quốc để phục vụ mục tiêu chống dịch Covid-19.

Đến chiều 9/3, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế ra mắt 2 ứng dụng (app), gồm ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là hệ thống giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát tối đa tình hình xuất nhập cảnh, kiểm soát dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Bộ Y tế cho biết, việc khai báo y tế được thực hiện với tất cả người dân trong nước, tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với các khách nhập cảnh đến/về từ tất cả các quốc gia, với các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mãn tính/có hay không), có biểu hiện ho, sốt, khó thở… Cùng đó, một số thông tin dịch tễ như tình trạng tiếp xúc với người có nghi mắc/mắc Covid-19; lịch sử đi/về nhập cảnh từ vùng có dịch...

Thông tin khai báo y tế sẽ được lưu giữ trên hệ thống mạng để cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch. Từ những thông tin được cập nhật, cơ quan y tế địa phương sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết. Do đó, ý thức của người dân là vô cùng quan trọng, đặc biệt các thông tin khai báo y tế phải hoàn toàn chính xác.

“Chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Khách nước ngoài khai báo y tế qua ứng dụng ứng dụng Vietnam health declaration.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện là Cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế), khai báo y tế toàn dân đòi hỏi sự tự giác và trách nhiệm của mỗi cá nhân: “Khai báo y tế giúp phát hiện sớm, cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời không để dịch bệnh lây lan trong trường hợp có ca bệnh. Bằng nghiệp vụ, các cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các yếu tố nguy cơ. Nếu khai báo không trung thực, gây ảnh hưởng đến phòng, chống dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm. Do vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm Việt Nam sẽ không bị bất ngờ.

Về nhập cảnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống Covid-19 đã thảo luận và thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định./.

Mới nhất
x
Mẫu khai báo y tế toàn dân tương tự như tờ khai y tế với người nhập cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO