'Mẹ đỡ đầu' của những học sinh ở Nghệ An

Mỹ Hà 19/01/2023 16:13

(Baonghean.vn) - Thiếu vắng vòng tay chăm sóc của bố và mẹ, đường đến trường của những học sinh mồ côi đầy gập ghềnh bao nỗi khó khăn. Thật may mắn khi các em nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, của những nhà hảo tâm, của những người bố, người mẹ “đỡ đầu”.

Chia sẻ tình yêu thương

Luống bắp cải, thửa rau cần, rau xà lách và vườn na... chỉ còn sót lại một ít quả trái mùa và 2 sào ruộng là thu nhập của chính của gia đình ông Nguyễn Văn Nghinh ở xã Tân Thành (Yên Thành).

Ở tuổi gần 80, đáng lẽ là tuổi nghỉ ngơi, được con cháu phụng dưỡng thì trên vai ông Nghinh và vợ vẫn còn gánh nặng khi đang nuôi đứa cháu trai Nguyễn Văn Hải – Học sinh lớp 10, Trường THPT Bắc Yên Thành.

12 năm trước, bố Hải là công nhân Công ty Xây dựng 47 đóng tại miền Nam. Không may ông bị tai nạn lao động rồi qua đời khi mới 30 tuổi. Thời điểm đó, vì bố mẹ Hải đã ly hôn nên Hải đang sống với ông bà ở quê. Sau khi bố mất, mẹ đi lấy chồng khác, Hải tiếp tục ở cùng với ông bà. Ngoài thu nhập từ ruộng, vườn, mỗi tháng công ty nơi bố Hải từng làm việc hỗ trợ cho gia đình khoảng 2 triệu đồng.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Bắc Yên Thành đến vui Tết sớm với gia đình em Nguyễn Văn Hải. Ảnh: Mỹ Hà

Lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, nên dù học khá, chăm chỉ nhưng Hải sống khá trầm lặng, ít nói. Đó cũng là lý do vì sao, vào học được gần một nửa học kỳ, cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp mới biết đến khó khăn của Hải.

Cũng từ đó, Hải luôn nhận được sự giúp đỡ của thầy, cô và nhà trường. Ngoài nhiều lần nhận được các khoản hỗ trợ do các nhà hảo tâm ủng hộ, những dịp lễ, những dịp đặc biệt, em cũng thường nhận được quà từ nhà trường.

Là giáo viên chủ nhiệm của Hải, cô giáo Phan Thị Huế đã nhiều lần đến gia đình em hỏi thăm tình hình, động viên ông, bà. Chị kết nối với những người bạn của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi hỗ trợ và tìm kiếm những nguồn học bổng lâu dài cho em... Gần tết Nguyên đán, cô giáo chủ nhiệm, các thầy, cô trong Ban Giám hiệu nhà trường và các bạn học hẹn nhau đến nhà Hải sớm để trao quà Tết cho Hải và ông bà nội.

Nhận được sự giúp đỡ này, ông nội của Hải hết sức xúc động. Hải cũng vui lắm, bởi từ khi lên THPT, được thầy, cô, bạn bè quan tâm, em dường như bớt đi sự mặc cảm, tự ti và từng bước hòa đồng, có động lực để cố gắng vươn lên học tập.

Vui Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: NL5

Trường THPT Bắc Yên Thành có vùng tuyển sinh nằm ở 11 xã vùng khó của huyện Yên Thành, nên trong trường số học sinh có hoàn cảnh éo le khá nhiều, khi có đến hơn 10 trường hợp là học sinh mồ côi, có em mồ côi cả bố và mẹ, có trường hợp như em Võ Thị Bình Yên, vì hoàn cảnh gia đình mà bố mẹ phải đi làm ăn nơi xứ người. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát, bố mắc bệnh mất ở nơi đất khách... khiến Bình Yên chông chênh, hụt hẫng.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Bình Yên luôn nhận được sự giúp đỡ của thầy, cô, bạn bè và nhiều suất học bổng đã đến với em trong hơn 1 năm vừa qua. Vượt lên khó khăn, Bình Yên đã không ngừng cố gắng, chăm chỉ, ngoan ngoãn và là học sinh giỏi toàn diện.

Trường THPT Bắc Yên Thành trao quà Tết cho học sinh được nhận đỡ đầu. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Tạ Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành cho biết: "Những năm qua, trường chúng tôi luôn quan tâm đến hoạt động thiện nguyện và chú trọng đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi đã kêu gọi các mạnh thường quân, các cựu học sinh và nhiều thầy, cô giáo đã tự nguyện trích một phần lương của mình để giúp đỡ học sinh mồ côi, học sinh khó khăn.

Riêng trong dịp tết Nguyên đán này, chúng tôi dự kiến tặng 70 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em và một số hiện vật khác. Ở trường, các em cũng được miễn tiền học thêm và nhiều khoản đóng góp khác".

Tết năm nay, cô học trò Trần Thị Nhi - Lớp 11, Trường THPT Nghi Lộc 5 phần nào được vơi bớt cảm giác trống vắng dù năm vừa qua là một năm rất đỗi đau thương của Nhi và gia đình, bởi cùng một lúc 5 anh em Nhi mất đi cả bố và mẹ. Nhi còn nhớ, đó là ngày mồng 3 Tết, khi đó vì điều kiện gia đình khó khăn nên mẹ Nhi đi giúp việc ngắn ngày cho một gia đình ở Vinh. Thế nhưng, tai họa ập đến, khi chẳng may chiếc cổng nhà nơi mẹ Nhi làm việc đổ sập đè lên khiến bà qua đời. Gần 10 tháng sau, bố em đang dùng cơm với gia đình thì bị đột tử...

Từ ngày vắng bóng bố mẹ, gia đình Nhi cũng chia hai, chia ba. Bản thân Nhi thì bữa sống nhà o, bữa ở nhà dì, vì các anh, chị đều khó khăn, mới đi làm không thể cưu mang được. Biết được hoàn cảnh của Nhi, nên từ trước khi Công đoàn ngành Giáo dục phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thì Nhi đã thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của thầy, cô và nhà trường. Sau chương trình phát động, em tiếp tục nhận được sự giúp đỡ nhà trường, của Công đoàn ngành Giáo dục và Công ty CP Vilaconic. Từ nay đến khi em tốt nghiệp, Nhi sẽ được hỗ trợ học phí 5 triệu đồng/năm học.

Công đoàn ngành giáo dục kết nối với các doanh nghiệp trao quà chương trình mẹ đỡ đầu cho học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện Trường THPT Nghi Lộc 5 cũng là một trong những đơn vị nhận đỡ đầu nhiều học sinh mồ côi nhất với 7 trường hợp. Các mức hỗ trợ tập trung chính vào hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền học thêm và một số trường hợp hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt.

Hoạt động ý nghĩa

Dù chỉ mới được Công đoàn ngành Giáo dục triển khai trong một thời gian ngắn, nhưng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhanh chóng lan tỏa trong các nhà trường và đã có gần 50 học sinh mồ côi được các nhà trường, Công đoàn ngành và một số doanh nghiệp nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Ngoài nhận hỗ trợ thường xuyên, hàng trăm học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn khác cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của các đơn vị.

Một số đơn vị như huyện Con Cuông, Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện còn triển khai Chương trình “Tìm mẹ đỡ đầu” cho học sinh mồ côi và từ đó kết nối với một số nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và nhiều thầy giáo, cô giáo đã tình nguyện đứng ra đỡ đầu cho các em. Hiện chương trình này đã nhận đỡ đầu được hàng chục trường hợp với tổng số tiền huy động mỗi năm hàng chục triệu đồng, phần nào giúp các em vượt qua khó khăn, vất vả.

Học sinh và giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 5 vui Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: CSCC.

Sự giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” mà đằng sau đó có chứa đựng tấm lòng, tình cảm của các thầy, cô giáo đối với học trò, của những người sẵn sàng làm việc thiện. Và đó cũng là cách để các nhà trường, các giáo viên giáo dục về lòng nhân ái, về sự yêu thương, đùm bọc và viết nên những câu chuyện xúc động, chân thực, sâu sắc về nghĩa thầy trò.

Mới nhất
x
'Mẹ đỡ đầu' của những học sinh ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO