Microsoft đặt máy chủ dưới lòng biển để... giải nhiệt

05/02/2016 09:15

Không chỉ giải quyết vấn đề tản nhiệt mà cách thiết kế trung tâm dữ liệu (data center) mới này còn giúp Microsoft giảm thiểu thời gian xây dựng.

Một trong những loại chi phí lớn nhất khi vận hành trung tâm dữ liệu là cho tản nhiệt. Thậm chí, khoản tiền điện dành cho hệ thống điều hoà nhiệt độ tại các trung tâm này còn cao ngang ngửa chi phí điện cho các thiết bị IT. Cũng chính bởi lý do này mà rất nhiều các đột phá trong lĩnh vực điện toán mây là để giúp các trung tâm dữ liệu mật độ cao có khả năng tản nhiệt ở chi phí thấp hơn. Lựa chọn hiển nhiên nhất cho các trung tâm dữ liệu tương lai sẽ là tản nhiệt lỏng - các dung dịch hoá học có khả năng dẫn nhiệt cao hơn nhiều so với không khí.

Theo Ars Technica, Microsoft mới đây đã áp dụng công nghệ tản nhiệt lỏng theo một hướng hoàn toàn mới - thay vì đặt các ống tản nhiệt lỏng xung quanh trung tâm dữ liệu thì hãng này lại đưa máy chủ của mình xuống... dưới biển. Dự án này của Microsoft, Project Natick, hiện nay đã thử nghiệm thành công một trung tâm dữ liệu mini được vận hành dưới mặt biển. Trung tâm dữ liệu dưới nước đầu tiên của Microsoft được đặt tên là Leona Philpot và đã vận hành trơn tru từ tháng 8 tới tháng 11 năm ngoái nằm ở khu vực cách bờ Thái Bình Dương của Mỹ khoảng 1 km.

Bên cạnh lợi thế về tản nhiệt thì lựa chọn mang trung tâm dữ liệu ra thả ngoài biển cũng sẽ mang tới những lợi ích khác. Do một nửa dân số toàn cầu sống trong khu vực cách bờ biển 200 km. Việc đặt data center xuống biển cũng cho phép các trung tâm này giảm khoảng cách tới các khu dân cư, nhờ đó giảm độ trễ của các dịch vụ đám mây. Tiếp đó, các trung tâm dữ liệu dưới nước có thể được triển khai trong vòng 90 ngày, nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình 2 năm của các trung tâm dữ liệu thông thường và 1 năm của các trung tâm thế hệ thứ 4 của Microsoft. Ngoài ra các trung tâm này còn có thể khai thác năng lượng thủy triều để phát điện, giảm được mức độ ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện tại, Microsoft cho biết công nghệ này mới đang trong giai đoạn đánh giá ý tưởng đầu tiên. Vấn đề lớn nhất với trung tâm dữ liệu dạng này là Microsoft cũng như các hãng khác không hề sở hữu một đội ngũ thợ lặn có thể sẵn sàng ứng phó với các sự cố IT. Ý tưởng Natick sẽ chỉ thành công khi hoạt động liên tục trong vòng 5 năm mà không gặp vấn đề gì (do đó không cần bảo trì). Sau giai đoạn này, các module Natick sẽ được đưa lên mặt đất để nâng cấp linh kiện.

Thực tế, các ý tưởng như Natick không phải là hiếm gặp. Phần lớn các nhà máy điện của con người đang được xây dựng gần sông và biển để sử dụng các nguồn nước này làm nơi "xả" nhiệt lượng cho nhà máy. Các trung tâm dữ liệu cũng học hỏi theo ý tưởng này. Vào 2011, Google mở cửa một trung tâm dữ liệu tản nhiệt bằng nước biển tại Phần Lan. Microsoft thì từ 2009 đã phát triển các module trung tâm dữ liệu cỡ nhỏ có thể được triển khai một cách nhanh chóng. Khi kết hợp 2 ý tưởng này lại với nhau, Microsoft đã tạo ra Natick.

Theo VnReview

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Microsoft đặt máy chủ dưới lòng biển để... giải nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO