Mỏi mòn cảnh ‘sống tạm’

Tiến Đông 10/03/2022 19:47

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã dựng nhà sinh sống ổn định hơn 35 năm nay, nhưng nhiều hộ dân tại thôn 5, xã Long Sơn (Anh Sơn), vốn là các hộ gia đình công nhân Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn vẫn đang mỏi mòn chờ được làm thủ tục cấp Giấy CNQSD đất.

Mỏi mòn “sống tạm”

Tại thôn 5, xã Long Sơn hiện nay đang còn 20 hộ dân, vốn là các gia đình công nhân Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn, đã được đơn vị bán hóa giá nhà ở và sinh sống, xây dựng nhà cửa ổn định từ hàng chục năm trước, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cấp Giấy CNQSD đất. Dù người dân đã kiến nghị nhiều lần, nhưng việc giải quyết vẫn đang dẫm chân tại chỗ.

Từ QL7A rẽ vào khoảng 2 km là khu vực ruộng lúa và trang trại, ao, hồ chăn nuôi của Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn, nay là Trạm Giống chăn nuôi Tây Nghệ An. Khác với hình dung về khu vực Trạm Giống chăn nuôi chỉ có trang trại và các dãy nhà tập thể lụp xụp, thay vào đó là nhà cửa khang trang, xung quanh là ao cá, ruộng lúa nằm xen kẽ.

Khu vực đất của Trạm giống chăn nuôi Anh Sơn trước đây nay người dân đã xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực đất của Trạm giống chăn nuôi Anh Sơn trước đây nay người dân đã xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: Tiến Đông

Bà Hoàng Thị Liên, là công nhân của trạm giống từ năm 1973 cho biết: Vào năm 1972 trạm giống này được thành lập thì 1 năm sau bà được nhận về công tác. Thời kỳ đầu khu vực này rất hoang vu, hàng chục công nhân từ miền xuôi lên đây công tác được phân cho ở trong các dãy nhà tập thể. Nhiệm vụ của trạm giống thời điểm này là nghiên cứu, lai tạo và nhân giống các loại gia súc, gia cầm, giống cá, giống lúa để cung cấp cho các huyện phía Tây Nam Nghệ An.

Sau một thời gian công tác, để đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân khi lập gia đình, vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, đơn vị đã tạo điều kiện bán hóa giá và cấp cho mỗi hộ 1 mảnh đất nhỏ ở những khu vực cằn cỗi không còn sản xuất được nữa để dựng nhà.

“Sau một thời gian xây dựng nhà cửa, về mặt hành chính thì 20 hộ thuộc xã Long Sơn quản lý, nhưng đất đai lại thuộc trạm giống, vì thế, để đảm bảo cho việc học hành của con cái và ổn định cuộc sống lâu dài, chúng tôi cũng đã đề nghị được chuyển khu vực các hộ dân đang sinh sống về cho địa phương quản lý và cấp Giấy CNQSD đất. Đến năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi diện tích đất mà các hộ đang sinh sống giao về cho huyện Anh Sơn, thế nhưng, không hiểu sao đến nay chúng tôi vẫn chưa được làm thủ tục để cấp Giấy CNQSD đất” - bà Liên thắc mắc.

Bà
Bà Hoàng Thị Liên nguyên công nhân Trạm giống chăn nuôi cho biết, sau một thời gian xây dựng nhà cửa, về mặt hành chính thì 20 hộ thuộc xã Long Sơn quản lý, nhưng đất đai lại thuộc trạm giống. Ảnh: Tiến Đông

Thửa đất mà gia đình bà Liên hiện đang sinh sống có diện tích 1.081,7 m2, do chưa có Giấy CNQSD đất nên nhiều lúc gia đình bà muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn và đầu tư cho con cái ăn học cũng không được, đành phải đi vay mượn nơi khác với lãi suất cao hơn.

Tương tự, ông Trần Văn Hà, là bộ đội chuyển ngành về làm công nhân Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn từ năm 1984, đến năm 1987 thì được đơn vị bán hóa giá cho thửa đất hiện tại để sinh sống. Hiện nay, thửa đất của gia đình ông Hà có diện tích 1.113,7 m2, nhưng do chưa được cấp Giấy CNQSD đất nên gần như đang trong tình cảnh “sống tạm”, dù thời gian gia đình ông cũng như các hộ công nhân khác sinh sống ổn định tại đây đã kéo dài hàng chục năm rồi.

Thửa đất nhà bà Liên đang sinh sống có diện tích
Thửa đất nhà bà Liên đang sinh sống có diện tích 1.081,7m2. Ảnh: Tiến Đông

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 29/10/2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 520/QĐ-UBND.ĐC thu hồi 32.512,1 m2 đất nông nghiệp tại xã Long Sơn do Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn, thuộc Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An đang quản lý.

Diện tích này chủ yếu là đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm, bao gồm thửa đất số 774, tờ bản đồ số 9; thửa đất số 495, tờ bản đồ số 13; thửa đất 496, tờ bản đồ số 13 và thửa đất số 497, tờ bản đồ số 13. Nguyên nhân của việc thu hồi là do Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn không còn nhu cầu sử dụng. Sau khi thu hồi, UBND tỉnh cũng đã giao cho UBND huyện Anh Sơn quản lý toàn bộ khu đất nói trên để sử dụng theo quy hoạch pháp luật.

Chờ đợi lập phương án

Dù diện tích thu hồi đất của trạm giống chăn nuôi theo Quyết định 520 của UBND tỉnh là 32.512,1 m2, nhưng trên thực tế, theo số liệu đo đạc mới nhất của UBND xã Long Sơn thì diện tích mà 20 hộ dân đang sử dụng là 40.205,1 m2.

Đường sá và nhà cửa đã được xây dựng khang trang nhưng hơn 30 năm nay người dân chưa được cấp Giấy CNQSDĐ. Ảnh: Tiến Đông
Đường sá và nhà cửa đã được xây dựng khang trang nhưng hơn 30 năm nay người dân chưa được cấp Giấy CNQSD đất. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Hữu Lân - công chức địa chính xã Long Sơn cho biết: Khu vực đất trạm giống chăn nuôi mà người dân sinh sống lâu năm đã có quyết định thu hồi đất của tỉnh, thế nhưng, khi lập phương án sử dụng đất để giao đất, cấp Giấy CNQSD đất cho các hộ gia đình thì gặp vướng mắc do khu vực này không thuộc diện đất thu hồi của các nông, lâm trường nên không thể thực hiện theo chỉ đạo chung của tỉnh.

Ngày 13/9/2021, UBND xã Long Sơn cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Anh Sơn, trong đó, chính quyền địa phương này đã đề xuất 2 phương án để giải quyết sự việc này. Phương án 1 là cho phép UBND xã hướng dẫn người dân lập hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất không thông qua phương án sử dụng đất, do không phải nằm trong quỹ đất nông, lâm trường. Phương án 2 là lập phương án sử dụng đất để giao đất, cấp Giấy CNQSD đất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể từ phía huyện Anh Sơn nên các phương án đề xuất nói trên vẫn chưa thực hiện được.

Danh sách 20 hộ dân và sơ đồ thửa đất
Danh sách 20 hộ dân và sơ đồ các thửa đất đã được UBND tỉnh thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý nhưng chưa cấp Giấy CNQSD đất cho người dân. Ảnh: Tiến Đông

Làm việc với chúng tôi, ông Bùi Công Duyệt - Trạm trưởng Trạm Giống chăn nuôi Tây Nghệ An (trước đây là Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn) cho rằng: Nói là Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn không còn nhu cầu sử dụng, nhưng trên thực tế, vào thời điểm những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, do nhiều hộ công nhân của trạm giống không có nhà ở nên đơn vị đã tiến hành bán hóa giá nhà tập thể để họ dựng nhà.

Sau này chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị trả lại đất nên mới trả. Sau khi đã trả đất thì đơn vị không còn trách nhiệm và nghĩa vụ gì nữa. Hiện tại, cũng theo ông Duyệt, sau khi trả đất về cho địa phương thì đơn vị còn khoảng 10 ha để quản lý, sử dụng, chủ yếu là làm trang trại lợn giống, ao nuôi cá và ruộng lúa.

Ông Bùi Công An - Trưởng phòng TN&MT huyện Anh Sơn cho biết: Khu vực đất mà 20 hộ dân đang ở trước đây là Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn cấp trái thẩm quyền. Hiện nay, huyện đang tiến hành rà soát những trường hợp cấp trái thẩm quyền nhưng phù hợp với quy hoạch để cấp Giấy CNQSD đất lần đầu.

Sau khi có phương án của xã trình lên và căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu sử dụng của người dân để thẩm định, xem xét xử lý. “Năm nay huyện đang tập trung xử lý những trường hợp cấp trái thẩm quyền và tự chuyển mục đích sử dụng đất. Những trường hợp nào đủ điều kiện thì xem xét cấp giấy cho người dân, còn nếu trường hợp nào vướng mắc thì tổng hợp để xin ý kiến chỉ đạo từ phía tỉnh” - ông An nhấn mạnh./.

Mới nhất
x
Mỏi mòn cảnh ‘sống tạm’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO