Mong muốn được đồng hành cùng Báo Nghệ An
(Baonghean.vn) - Mỗi người một nghề , sống ở những vùng miền khác nhau, nhưng những cộng tác viên của Báo Nghệ An luôn có một điểm chung, đó là sự say mê với những trang báo và mong muốn được đồng hành cùng Báo Nghệ An trên những chặng đường phát triển.
Võ Thu Hương: Tin yêu và trân quý
Là cộng tác viên lâu năm của Báo Nghệ An, nhà văn Võ Thu Hương - một người con của xứ Nghệ, hiện sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Gửi gắm những tâm sự của bản thân về những năm tháng cộng tác cùng Báo Nghệ An, nhà văn Võ Thu Hương nhớ lại: “Trong những tấm hình kỷ niệm của tôi từng có một bức hình quý. Hình con bé con tóc thắt hai bím, đứng đối diện với nhà thơ Minh Huệ - tác giả bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” mà lúc ấy tôi vừa mới được học trong Sách giáo khoa. Trên tay khệ nệ hoa, giấy khen của Báo Nghệ An. Năm ấy tôi lớp 8, được là cộng tác viên (CTV) tiêu biểu của báo. Đó là lần đầu tôi được gặp một nhà thơ trong sách nhà trường, đầy háo hức. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ thuở đầu cộng tác với báo.
Nhà văn Võ Thu Hương và một số tác phẩm trên Báo Nghệ An. Ảnh: PV |
Trường cấp 2 Quang Trung (TP Vinh) nơi tôi từng học nằm cách tòa soạn Báo Nghệ An (cũ) chỉ vài chục bước chân. Ban đầu là những buổi lân la đến trước tòa soạn đọc những trang báo dán ở khu vực tiền sảnh. Sau là lân la làm quen gửi bài. Tỉ lệ đầu tiên là... gửi 50 bài chỉ đăng được 1 bài, sau rút ngắn dần khi nhờ viết báo lại được làm quen, học hỏi từ những người đi trước, được khuyến khích, chỉ bảo qua từng trang viết. Tôi nhận được nhiều yêu thương, học được nhiều điều cả trong và ngoài trang viết.
Tôi giữ mối liên hệ, cộng tác với báo từ bấy đến nay. Sáng nay, khi ngồi viết những tâm sự nho nhỏ này, tôi tình cờ đọc trên facebook của một người anh nhắc lại những câu thơ chân tình của nhà thơ Bùi Giáng: “Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà”. Những người như tôi quả thực thuộc về quê nhà, dù ở đâu, làm gì đi nữa thì những tâm tư về quê nhà luôn đằng đẵng. Được bày tỏ tâm tư ấy trên trang sách, trang báo là niềm vui. Vì vậy, với tôi, viết bài gửi báo Nghệ An, để những người thân, bè bạn, những đồng hương nơi quê nhà tôi đọc, cũng là một hạnh phúc.
Đó còn là động lực đến từ những người biên tập rất có tâm. Ấy là sự đồng cảm sâu sắc với chị Phạm Thùy Vinh khi hai chị em có thể chia sẻ với nhau nhiều vui buồn trên trang viết và ngoài cuộc sống. Sự động viên ấm áp của anh Đào Tuấn mỗi khi đặt bài cho cộng tác viên. Người anh mà tôi chưa từng gặp ngoài đời nhưng vẫn hình dung có nụ cười và ánh mắt hiền, tươi…
Từ những trang báo và những biên tập viên có tâm, có nghề đã đồng hành ấy, đã góp phần để tôi có thể từ một cô bé tập làm thơ, viết văn khi xưa trở thành một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. Đó là sự động viên tinh thần lớn với những người viết xa quê vẫn hướng về quê nhà như tôi. Cảm ơn Báo Nghệ An vì đã được trân quý.
CTV Nhật Thanh: Được sống với đam mê chụp ảnh
Anh Võ Nhật Thanh tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật tại TP Huế. Ảnh: PV |
CTV Nhật Thanh năm nay 55 tuổi, tên đầy đủ là Hồ Nhật Thanh, được biết đến là cộng tác viên mảng ảnh trên báo Nghệ An. Anh hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Truyền thông huyện Quỳnh Lưu. Đảm nhận công việc này, niềm đam mê chụp ảnh từ thời sinh viên của anh lại có dịp được phát huy, cũng từ đây bắt đầu cộng tác với Báo Nghệ An.
CTV Nhật Thanh tâm sự, thời điểm bắt đầu cộng tác khoảng những năm 1990. Tuy nhiên, việc cộng tác không được thường xuyên, bởi trước đây phần vì việc cơ quan bận bịu, phần do việc gửi tác phẩm cộng tác không thuận tiện “trong cái nhấp chuột”. Đến khi Báo Nghệ An ra nhật báo, tiếp đó là Báo điện tử,... anh có dịp cộng tác với báo nhiều hơn, thực sự được sống với đam mê chụp ảnh.
Với lợi thế về chụp ảnh phong cảnh, về lễ hội, phong tục tập quán vùng miền..., tác phẩm cộng tác của CTV Nhật Thanh hiện “chiếm sóng” khá dày ở chuyên mục Vô xứ Nghệ- chuyên mục mà theo phần lớn độc giả là “đặc sản” của Báo Nghệ An. Và hầu như bức ảnh nào của anh cũng được tòa soạn đánh giá cao về ý tưởng, nội dung và tính kỹ thuật - nghệ thuật. CTV Nhật Thanh cho rằng “Tuy là người Nghệ, lại hay đi đây đi đó như mình, nhưng khi đọc các bài viết, xem các chùm ảnh trong chuyên mục “Vô xứ Nghệ”, vẫn thấy mình hiểu biết về quê ít quá, luôn thấy lạ lẫm, thú vị. Chính bởi vậy, bản thân mình muốn qua từng chùm ảnh để giới thiệu với mọi người về cảnh sắc, về phong tục tập quán của quê hương, để qua đó mọi người hiểu hơn, yêu xứ Nghệ mình hơn”.
Người dân xã Quỳnh Thuận sản xuất muối. Ảnh: Tư liệu - Nhật Thanh |
Cũng chính bởi đam mê, những trăn trở đó, đồng thời nắm được yêu cầu có phần “cầu toàn” từ phía tòa soạn, mỗi tác tác phẩm của CTV Nhật Thanh trước khi đến với độc giả là cả một quá trình sáng tác. Đơn cử như bộ ảnh “Nơi Diêm dân cần nắng”, được thực hiện suốt 2 mùa hè, với khoảng thời gian sáng sớm và chiều muộn cùng bà con trên cánh đồng muối. Bộ ảnh sau đó đạt giải Ba cuộc thi “Khoảnh khắc vàng” năm 2019 do Báo Nghệ An tổ chức. Hoặc như để có được bức ảnh “Nâng bước em tới trường”, tác giả phải lên tận đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) và gần một tuần đêm nào cũng lọ mọ đi cùng những thầy giáo quân hàm xanh, mới chụp được bức ảnh ưng ý. Đây là bức ảnh đạt giải Nhì Khoảnh khắc vàng Báo Nghệ An năm 2020.
CTV Nhật Thanh cho rằng, “Khoảnh khắc vàng” được Báo Nghệ An tổ chức hàng năm thực sự tạo sân chơi, cũng là động lực sáng tác cho những người đam mê chụp ảnh. Mỗi lần đạt giải lại cảm thấy mình cần trăn trở, tìm tòi hơn nữa để có những bức ảnh chất lượng hơn. Cũng theo anh, mảng ảnh trên Báo Nghệ An ngày càng được chú trọng, chất lượng hơn. Tuy nhiên, là một CTV, ngoài chụp ảnh theo sở thích, anh mong muốn có sự định hướng từ phía tòa soạn để các tác phẩm sáng tác đúng chủ đề yêu cầu.
Bùi Hải Thượng: Báo Nghệ An giúp tôi trưởng thành hơn
CTV Bùi Hải Thượng tác nghiệp tại Kỳ Sơn. Ảnh: PV |
CTV Hải Thượng thường dùng bút danh Anh Bách, Hải Thượng khi gửi bài cộng tác cùng báo Nghệ An. Anh là chiến sỹ Bộ đội Biên phòng say mê nghề báo, và có nhiều năm đảm nhiệm công tác tuyên truyền cho lực lượng Bộ đội Biên phòng. Bước chân của CTV Bùi Hải Thượng đã in dấu khắp mọi miền biên giới, ngoài làm nhiệm vụ, anh còn gửi đến Báo Nghệ An những thông tin nóng hổi về hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, giữ yên biên giới của lực lượng biên phòng, những hoạt động đặc sắc của địa phương.
Anh tâm sự, những ngày đầu “bén duyên” với báo chí bản thân cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Con đường trở thành CTV thật không dễ dàng. Phải bắt đầu từ đâu, khai thác chủ đề gì, diễn đạt ra sao để có tác phẩm hay, thu hút người đọc...? Có quá nhiều vấn đề cần giải quyết! “Các bài báo của tôi trước đây thường được viết theo cảm hứng và lối tư duy đơn giản “nghĩ gì viết nấy”. Thật may mắn, mỗi bài viết gửi đi, tôi đều nhận được sự quan tâm, góp ý từ các anh chị phóng viên, biên tập viên của tòa soạn Báo Nghệ An. Nhờ sự chỉ bảo tận tình, những bài báo đã được đăng trên báo Nghệ An, tạo nên sự phấn khởi và niềm tin để cho bản thân tiếp tục cộng tác. Qua đó đã giúp tôi dần hoàn thiện mình bằng cách rút kinh nghiệm, đọc nhiều hơn, lắng nghe phản hồi của đồng đội qua mỗi bài viết... Nhờ vậy, tôi ngày một trưởng thành, tư duy và kỹ năng làm báo được nâng lên".
Lực lượng bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19 trên tuyến biên giới. Ảnh tư liệu Thành Cường |
Anh cho biết, 2020 là một năm đầy biến động, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, cùng sự cỗ gắng nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh và sự giúp đỡ của Báo Nghệ An, các hoạt động, công tác của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã được lan tỏa đến đọc giả trong và ngoài nước, nhất là công tác phòng chống dịch Covid -19, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Qua đó đã cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ BĐBP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. BĐBP Nghệ An được Bộ Quốc phòng tặng cờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
CTV Đình Tuân: Cán bộ văn hóa “say” nghề báo
CTV Đình Tuân tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: PV |
Võ Đình Tuân thường xuyên cộng tác với Báo Nghệ An trong hơn 5 năm qua. Anh công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tương Dương. Là cán bộ làm công tác văn hóa, nhưng từ sở thích đọc sách, báo, từ đó thích được trải nghiệm, thích chụp ảnh gửi đăng báo, Đình Tuân dần gắn bó với Báo Nghệ An. Từ những ngày đầu gửi cộng tác chỉ là những bức ảnh kèm chú thích về các hoạt động văn hóa văn nghệ của đồng bào, đến nay ngoài cập nhật tin tức thời sự trên địa bàn, các chùm ảnh thể hiện nhiều góc máy, anh còn có những bài viết về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống cư dân trên địa bàn huyện.
Để dung hòa giữa công việc của một cán bộ văn hóa và niềm đam mê làm báo, Đình Tuân cho biết, vào những ngày nghỉ cuối tuần, hay mỗi khi đi công tác cơ sở anh luôn mang theo “người bạn đồng hành” là chiếc máy ảnh. Theo đó, anh không ngại chụp, không ngại tìm hiểu, ghi chép... Theo Đình Tuân “Dù là một người làm báo không chuyên nhưng với hơn 5 năm gắn bó nên đã cảm nhận và thấu hiểu phần nào về công việc làm báo. Đây là công việc không đơn giản chỉ cầm bút, cầm máy, mà đó là nghề của sự sáng tạo, tư duy, đòi hỏi phải thực sự đam mê. Cũng chính từ công việc này, cho mình có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế, gặp gỡ và thu nạp được không ít kiến thức để phục vụ cho công tác chuyên môn”.
Ngày hội Đại đoàn kết tại bản Hạt, xã Yên Tĩnh. Ảnh tư liệu Đình Tuân |
Đình Tuân cho rằng, những năm gần đây Báo Nghệ An có sự đầu tư, chỉn chu cả về nội dung lẫn hình thức trên tất cả các ấn phẩm từ nhật báo, Nghệ An cuối tuần, chuyên trang Dân tộc - miền núi, Báo Nghệ An điện tử hiện còn có cả kênh YouTube. Đáng nói trong thời đại làm báo cạnh tranh, Báo Nghệ An vẫn giữ được tôn chỉ mục đích của mình. Các bài viết, chuyên trang trên báo có tính định hướng, không mang tính giật gân, câu khách. Cũng chính bởi vậy, yêu cầu đặt ra với đội ngũ cộng tác viên cũng “khắt khe” hơn từ khâu tìm hiểu, cách thể hiện tin, bài viết.
“Tuy nhiên, cũng từ những góp ý, điều chỉnh có phần “khắt khe” của các anh chị biên tập viên của báo, mà những tin, bài viết của mình có chiều sâu hơn”.
CTV Đình Tuân cũng mong muốn báo đăng nhiều hơn nữa các hoạt động ở cơ sở, cụ thể là cấp xã. Bởi thực tế, dù là tin ngắn nhưng đó là nguồn cổ vũ, động viên để cán bộ, nhân dân tích cực hơn trong công tác cũng như trong lao động, sản xuất.