Muốn làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải đầu tư bài bản

15/12/2015 14:30

(Baonghean) - Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc, Chủ tịch CLB SLNA trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về chuyến tham quan học hỏi cách làm bóng đá tại Hàn Quốc và nội dung Hội nghị BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa qua.

P.V: Được biết, ông vừa có chuyến tham quan, học tập ở Hàn Quốc cùng VFF, ông có cảm nhận như thế nào về sự phát triển bóng đá của nước bạn?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Một điều dễ nhận thấy nhất ở Hàn Quốc là sau lưng các CLB, các đội bóng là các tập đoàn lớn, như Tập đoàn Sam Sung, Huyndai… nên họ có đủ tiềm lực tài chính cho CLB hoạt động. Tất cả các sân thi đấu của các đội bóng đều đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Toàn bộ các sân vận động này đều do Nhà nước đầu tư xây dựng. Bóng đá Hàn Quốc có cách làm thống nhất từ Chính phủ cho đến tận các CLB, mang tính dân tộc cao, nên nhà nước và các địa phương có các đội bóng đều hết sức quan tâm, đầu tư đến nơi đến chốn. Họ có quan điểm làm bóng đá rất rõ ràng là phục vụ nhân dân, đầu tư cho dân.

Ông Nguyễn Hồng Thanh
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc, Chủ tịch CLB SLNA.

Bóng đá Hàn Quốc mặc dù nằm ở tốp trên của châu Á nhưng rất cầu thị. Họ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng chiến lược phát triển của bóng đá phù hợp với tầm vóc con người Hàn Quốc, họ chỉ đạo xây dựng lối đá từ đội tuyển quốc gia cho đến các tuyến trẻ. Còn các CLB thì đầu tư rất lớn về sân tập, phòng chức năng, phòng hồi phục thể lực… theo mô hình tiên tiến nhất thế giới. Họ cũng thường cử các đoàn đi học tập ở các nước có nền bóng đá phát triển để học hỏi, thấy cái gì hay, cái gì tốt nhất thì về họ đầu tư; cử các đội trẻ đi giao lưu thi đấu ở cả trong và ngoài nước; mời các chuyên gia giỏi về để học tập… Điều đó cho thấy họ làm bóng đá một cách rất chuyên nghiệp, bài bản từ dưới lên trên.

Sân vận động quốc gia Hàn Quốc, nơi từng tổ chức thành công Giải bóng đá Vô địch thế giới năm 2002.
Sân vận động quốc gia Hàn Quốc, nơi từng tổ chức thành công Giải bóng đá Vô địch thế giới năm 2002.

Một điều đáng chú ý nữa là ở Hàn Quốc, bóng đá phong trào, bóng đá học đường cũng được Bộ Giáo dục, ngành Thể thao quan tâm, do đó, bóng đá học đường phát triển rất mạnh. Chúng ta có thể nhận thấy các đội bóng sinh viên Hàn Quốc sang đá giao lưu với ta, tuy là sinh viên trong các trường đại học nhưng họ đá ngang ngửa, thậm chí hay hơn cả đội tuyển của chúng ta. Bởi bóng đá học đường ở Hàn Quốc được đưa vào từ cấp học đầu tiên. Nói chung nền kinh tế phát triển thì kèm theo sự quan tâm về các hoạt động thể thao, trong đó có bóng đá. Hàn Quốc cũng đi học hỏi và đầu tư rất mạnh về chất xám, khoa học, sự cạnh tranh ở các CLB của họ cũng rất quyết liệt, họ đứng đầu châu Á nhưng muốn vươn lên để chinh phục các giải đấu hàng đầu thế giới như World Cup.

P.V: Từ thực tiễn ở Hàn Quốc, với góc độ một người quản lý của một CLB bóng đá ở Việt Nam, bản thân ông học hỏi được gì sau chuyến đi này?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Muốn làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải đầu tư, từ đội ngũ huấn luyện viên, y, bác sỹ cho đến điều kiện dinh dưỡng. Bên cạnh đó công tác đào tạo cũng phải bài bản, có hệ thống, trong đó đặc biệt chú trọng bóng đá học đường, chứ không thể làm theo kiểu tự phát, được chăng hay chớ, khoán cho các ông chủ, khi họ không thích thì giải tán đội như: Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành… Theo tôi, ở Việt Nam hiện nay muốn bóng đá phát triển thì chúng ta phải kết hợp giữa Nhà nước và xã hội hóa.

SLNA là CLB có truyền thống nhất ở V.League, nhưng sân Vinh chưa đáp ứng được chất lượng
SLNA là CLB có truyền thống nhất ở V.League, nhưng sân Vinh(sân nhà của SLNA) chưa đáp ứng được chất lượng thi đấu, tiềm ẩn nguy hiểm cho CĐV

Sau chuyến đi này, tôi cũng đã phát biểu góp ý tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn bóng vừa qua: Các anh phải tham mưu cho Tổng cục TDTT để Bộ VH - TT&TT tham mưu lên Chính phủ, để Chính phủ có chủ trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các CLB, đặc biệt là các sân thi đấu đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn thi đấu của AFC. Chứ không như sân Vinh và nhiều sân cỏ ở cả nước ta, sau 14 năm chuyên nghiệp vẫn không có gì thay đổi. Chúng ta phải xem việc đầu tư xây dựng các sân vận động là đầu tư công, phục vụ nhân dân, phải quyết liệt thì mới làm được. Còn việc đầu tư hàng ngày cho một CLB hoạt động, bên cạnh một nhà tài trợ chính thì cũng rất cần nhiều doanh nghiệp cùng chung tay, sức mạnh của một tập thể thì bao giờ cũng tốt và bền vững hơn, dồi dào về nguồn tài chính để đầu tư. Bởi một doanh nghiệp bây giờ bỏ ra 1 năm mấy chục tỷ đồng để đầu tư cho một đội bóng là khoản tiền rất lớn, khó kham nổi trong nhiều năm.

P.V: Vậy theo ông, nguyên nhân nào mà sau 14 năm làm chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam cơ bản vẫn dẫm chân tại chỗ?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Theo tôi, nguyên nhân là do Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT chưa có sự tham mưu đầy đủ cho Nhà nước, nên chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Nhà nước thấy làm bóng đá chuyên nghiệp rồi thì không đầu tư nữa mà giao cho các chủ doanh nghiệp. Do đó cơ sở hạ tầng, đặc biệt sân bãi thi đấu chất lượng rất kém. Trong lúc đó ở Hàn Quốc, các đội bóng được tài trợ bởi các tập đoàn hàng đầu thế giới nhưng Nhà nước vẫn đứng phía sau, thành chỗ dựa vững chắc, thì các đội bóng chúng ta lại phụ thuộc vào các doanh nghiệp làm ăn phập phù.

V.League là giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt Nam nhưng chất lượng giải đấu còn nhiều điều phải bàn
V.League là giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt Nam nhưng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giải đấu, chất lượng cầu thủ.... còn nhiều điều phải bàn

P.V: Ngay sau chuyến tham quan ở Hàn Quốc, VFF đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, hội nghị đã tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Chủ yếu tập trung vào việc đánh giá nhận xét những cái được, chưa được của bóng đá Việt Nam trong năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Theo đánh giá tại hội nghị này thì năm qua, các đội trẻ và đội tuyển quốc gia cũng có sự tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, cho nên sắp tới phải có “một cuộc cách mạng”. Ví dụ như việc mình kết hợp toàn diện với Liên đoàn bóng đá Nhật, nhưng việc tuyển chọn HLV đang có vấn đề, HLV đội tuyển nữ đã chấm dứt hợp đồng, HLV đội tuyển nam thì không có sự thống nhất cao của các nhà chuyên môn. Mời người ta làm HLV trưởng, nhưng ngay cả Phó Chủ tịch VFF vẫn không chấp nhận. Bây giờ nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng HLV Miura đã đến lúc phải nghỉ vì không phù hợp với chúng ta.

Giới chuyên môn không tin tưởng vào HLV Miura
Giới chuyên môn không còn tin tưởng vào HLV Miura

P.V: Dưới góc độ nhà chuyên môn, theo ông việc chúng ta hợp tác với Liên đoàn bóng đá Nhật Bản có tốt không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Nói chung Nhật họ làm gì cũng tốt cả, mình phải thừa nhận một cách nghiêm túc như thế. Nhưng khi họ lựa chọn HLV cho mình thì mình phải tham mưu, chứ không nên để cho họ quyết định. Vì họ nghĩ nền bóng đá của chúng ta còn thấp nên họ chỉ chọn cho mình HLV có trình độ bình thường. Nhưng tôi thì tôi lại suy nghĩ khác, mình thấp thì phải có HLV giỏi, để khi ra được một kết quả khá, chứ mình đã kém lại không có thầy giỏi thì rất khó để có kết quả tốt. Một HLV giỏi thì không những được cho đội tuyển mà còn được cho cả nền bóng đá.

P.V: Tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn vừa rồi, VFF cho biết, sắp tới các CLB tham dự V.League sẽ được nhận thêm tài trợ, vậy sự thật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Cũng có nhưng không đáng bao nhiêu.

P.V: Vậy nguồn tài chính cho hoạt động của CLB SLNA chuẩn bị cho mùa giải mới 2016 đã tạm ổn chưa?

Ông Nguyễn Hồng Thanh: Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, SLNA vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ, mùa giải này họ vẫn đồng hành cùng với đội bóng đã là một cố gắng rất lớn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Đức Chuyên (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Muốn làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải đầu tư bài bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO