Mỹ - Hàn ngừng tập trận, Trung Quốc đắc lợi?
(Baonghean.vn) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần này đã bay đến Singapore trên một chiếc máy bay của Trung Quốc để dự thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Kim rời sự kiện cùng sự nhượng bộ đắt giá mà từ lâu Bắc Kinh vẫn tìm kiếm: Đó là việc ngừng các trò chơi chiến tranh Mỹ - Hàn.
Trung Quốc thắng lớn
Phi đội chiến đấu của Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Ảnh: USAF |
Không chỉ có vậy, Trump còn úp mở khả năng rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần. CNN dẫn lời Giám đốc China Power Project (Dự án Sức mạnh Trung Quốc) tại CSIS Bonnie Glaser khẳng định: “Đó là một chiến thắng vang dội đối với Trung Quốc”.
Khả năng giảm bớt quân đội Mỹ tại khu vực này là mục tiêu chính sách tại Trung Quốc trong nhiều năm, nhất là xét trong bối cảnh chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn bị Bắc Kinh nhìn nhận như một cách kiềm chế sự trỗi dậy của nước này.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần “bực dọc” bởi mạng lưới liên minh của Mỹ trải rộng khắp khu vực châu Á, và nhất là Đông Á, nơi binh lính và khí tài quân sự của Mỹ được bố trí tại cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Được biết, hiện có khoảng 28.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc, và con số này tại Nhật Bản là 49.000.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác Trump có ý đồ chấm dứt “trò chơi chiến tranh” nào ở thời điểm hiện tại, khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức rất nhiều cuộc tập trận quân sự vài lần mỗi năm. Tuy vậy, theo giới phân tích, thậm chí chỉ chấm dứt một cách hạn chế hoạt động này thôi thì cũng đã được Bắc Kinh hoan nghênh.
Chính phủ Trung Quốc sẽ xem việc dừng tập trận là “khúc dạo đầu” báo hiệu việc Mỹ rốt cuộc sẽ rút các lực lượng quân sự khỏi Bán đảo Triều Tiên, hay thậm chí tốt hơn nữa, là báo trước khả năng xung đột trong quan hệ liên minh giữa Washington và Seoul, theo chuyên gia Bonnie Glaser.
“Nếu họ chấm dứt các cuộc tập trận này, thì người dân Hàn Quốc sẽ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao quân đội Mỹ vẫn còn ở đó?”, Glaser nói.
Sân khấu ưu tiên?
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại họp báo sau thượng đỉnh 12/6. Ảnh: ABC |
Hôm 12/6, khi thông báo việc ngừng tập trận Mỹ - Hàn, Tổng thống Trump cho biết, việc rút quân đội Mỹ về nước chưa phải một phần kế hoạch song ông “hy vọng điều đó rốt cuộc sẽ diễn ra”.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ hoàn toàn trái ngược với những sự bảo đảm từ quan chức quân sự cấp cao của ông đưa ra chỉ hơn 1 tuần lễ trước đó. Phát biểu tại Singapore hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nỗ lực bảo đảm với các đồng minh tại khu vực châu Á của Mỹ rằng Washington sẽ chẳng đi đâu hết.
“Chớ nhầm lẫn: Mỹ sẽ trụ lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là sân khấu ưu tiên của chúng tôi”, ông nói.
Thông điệp lẫn lộn từ chính quyền Trump có vẻ lại là tiếng nhạc du dương đến tai Trung Quốc. “Người Trung Quốc chắc chắn muốn làm suy yếu các quan hệ đồng minh của Mỹ, họ muốn thiết lập một quá trình dẫn đến việc Mỹ rút quân khỏi khu vực… Tôi nghĩ người Trung Quốc nhìn ra một cơ hội lớn tại đây”, Glaser cho biết.
Căng thẳng Mỹ - Trung đã tăng lên trong những tháng mới đây do hoạt động cải tạo trái phép của Bắc Kinh tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Sau thông báo ngày 12/6 của Trump, có vẻ Bắc Kinh đã có lý do để lạc quan thận trọng về sức mạnh của Mỹ trong khu vực.
Nhưng kể cả nếu việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc diễn ra, thì vẫn có khả năng quân đội Mỹ chỉ đơn giản di chuyển một vài bộ phận binh lính này nhằm thách thức Chính phủ Trung Quốc trên một mặt trận khác, theo Timothy Heath - chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng quốc tế tại Rand nhận định trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua.
“Washington sẽ có khả năng tái triển khai bất kỳ nhóm quân nhàn rỗi nào cùng trang bị tới các căn cứ khác tại châu Á, mà khả năng cao nhất là Nhật Bản và luân chuyển qua Philippines, Australia, cùng những nơi khác”, ông nói.
Xoa dịu trừng phạt?
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty |
Kết quả của thượng đỉnh Trump - Kim không chỉ mở ra các cơ hội về mặt quân sự cho Trung Quốc. Với việc Tổng thống Mỹ hài lòng và Triều Tiên tỏ ra mềm mỏng, Bắc Kinh cũng có thể thúc đẩy xoa dịu các đòn trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trả lời câu hỏi của CNN về xoa dịu các đòn trừng phạt hôm 13/6, Cảnh Sảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Các đòn trừng phạt có thể được điều chỉnh một cách thích hợp, bao gồm ngừng hoặc dỡ bỏ các biện pháp liên quan. Trung Quốc luôn bảo lưu quan điểm rằng trừng phạt không phải là mục đích”.
Giới phân tích phần lớn nhất trí rằng Trung Quốc chỉ miễn cưỡng muốn can thiệp vào các vòng trừng phạt mới nhất nhằm vào chính quyền của ông Kim, cảm thấy buộc phải làm vậy do các vụ thử tên lửa và hạt nhân ngày càng khiêu khích của Triều Tiên kết hợp với sức ép quốc tế do Mỹ đứng đầu.
Nhưng Trung Quốc chẳng có chút lợi ích nào khi chứng kiến Triều Tiên sụp đổ, khi xem nước này là một vùng đệm chiến lược nêm giữa họ và các lực lượng của Mỹ đóng trên Bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ chỉ khơi mào khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới với Trung Quốc.
Bởi thế, Bắc Kinh có thể sẽ viện bất kỳ cớ gì để lập luận giảm trừng phạt.
Gần đây có thêm nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc đang cho phép tăng giao thương qua biên giới với Triều Tiên, phần lớn dựa trên những thông tin truyền thông viện dẫn bằng chứng chưa xác thực.
Tại buổi họp báo hôm 12/6, Tổng thống Trump đã cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đóng cửa khu vực biên giới đó, dù ông nói thêm rằng điều đó xảy ra “có lẽ ít hơn trong vài tháng vừa qua”.
CNN đã trao đổi với người dân ở thành phố Đan Đông, một trung tâm thương mại chính của Triều-Trung, và họ cho biết hầu như không có thay đổi gì tại khu vực biên giới. Dòng thương mại lưu thông qua biên giới vẫn ở mức thấp, dù vậy hiện cư dân và thương lái hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh mới đây sẽ khiến hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại.