Năm 2022, Nghệ An dự kiến dành 4 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Baonghean.vn) - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 383/KH-UBND ngày 16/6 để thực hiện một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của UBND tỉnh Nghệ An khi ban hành chính sách hỗ trợ này nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Chuyên gia về chuyển đổi số đến từ TP. Hà Nội trao đổi về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp Nghệ An cuối năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải |
Chính vì thế, UBND tỉnh yêu cầu cân đối các nguồn hỗ trợ, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội vào hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật trong việc tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.
Cũng theo Kế hoạch này của UBND tỉnh, đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn, đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 4, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nội dung hỗ trợ cụ thể gồm 4 nội dung chính là: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, thông tin, tư vấn thông qua hỗ trợ đào tạo trực tiếp và trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Lãnh đạo TP. Vinh duy trì đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đối với hỗ trợ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm và dự kiến 6 hợp đồng; Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm và dự kiến 2 hợp đồng; Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê mua các giải pháp chuyển đổi số tại các doanh nghiệp siêu nhỏ không quá 20 triệu đồng/năm và 5 hợp đồng; Doanh nghiệp nhỏ không quá 50 triệu đồng và 4 hợp đồng; Doanh nghiệp vừa tối đa 100 triệu đồng và 2 hợp đồng; Kinh phí duy trì và phát triển App hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Ngoài chính sách trên, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ tư vấn 100% cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa tương ứng với các mức từ 50 triệu đồng, 70 triệu đồng và 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 10 hợp đồng/năm; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất chế biến.
Tổng kinh phí hỗ trợ trong năm 2022 là 3,998 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là 1,292 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là 1 tỷ đồng; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp là 462 triệu đồng; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là 430 triệu đồng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị là 317 triệu đồng; các nội dung hỗ trợ khác là 497 triệu đồng.
Trên cơ sở phân bổ định mức trên, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, Sở Tài chính, Chi nhánh VCCI Nghệ An, các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; các cơ quan báo chí của tỉnh tích cực tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo chuyển biến nhận thức về chính sách này tới doanh nghiệp, doanh nhân và cấp ủy, chính quyền. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An là đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị triển khai chính sách này.
Theo Cục Thuế Nghệ An, đến thời điểm này, trong tổng số 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động và có phát sinh doanh thu thuế. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, theo quy mô vốn thì có tới 95% doanh nghiệp tại Nghệ An có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ./.