Nâng giá trị cho sản vật hồng giòn Thanh Chương
(Baonghean.vn) - Với ưu điểm quả to, vị ngọt, thơm, giòn và đặc biệt là không có hạt nên hồng giòn Thanh Chương rất được thị trường ưa chuộng, giá bán cao.
Cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn
Gia đình bà Nguyễn Thị Mỳ (thôn Mỹ Chùa, xã Thanh Tiên) trồng 20 gốc hồng giòn, trong đó 10 gốc có tuổi đời trên 30 năm và 10 gốc vừa trồng 3-4 năm. Hiện toàn bộ 20 gốc hồng đã ra quả, cho thu hoạch.
Bà Mỳ cho biết: “Đây là giống hồng giòn bản địa, trồng ở địa phương hàng chục năm nay. Ban đầu, chỉ là trồng vài cây để ăn, làm quà cho người thân. Hồng ngọt, thơm, giòn lại không có hạt, rất được ưa chuộng, nhiều người tìm mua nên gia đình nhân rộng. Mỗi năm, gốc hồng lâu năm cho thu hoạch 1,5-2 tạ quả, giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu ổn định từ 5-7 triệu đồng/gốc”.
Ông Dương Đắc Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên cho biết, giống hồng giòn rất thích hợp với chất đất, khí hậu nơi đây nên không tốn công chăm sóc, cũng không tốn nhiều diện tích đất. Do đó, cây hồng được nhiều gia đình trong xã chọn làm cây trồng chính khi chỉnh trang vườn tược, xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới; nhiều gia trại, trang trại chọn làm cây trồng chính trong phát triển kinh tế VAC. Hiện toàn xã có khoảng 2ha trồng hồng giòn với 100 hộ trồng.
Trên diện tích 25ha đất trang trại, ông Nguyễn Tiến Hưng (thôn Thanh Liêu, xã Thanh Tiên) đang ấp ủ dành 2ha để trồng hồng giòn. Hiện, 200 gốc hồng đã cho thu hoạch. Ông Hưng cho biết: “Trước đây, trang trại chủ yếu trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn song hiệu quả kinh tế không cao. Bắt đầu từ năm 2019, tôi quy hoạch lại diện tích trồng cây ăn quả, theo đó, lấy cây hồng giòn làm chủ lực. Hiện đã trồng được 200 gốc cho quả, sắp tới sẽ mở rộng ra 700-1.000 gốc”.
Ở xã Thanh Lĩnh, những năm gần đây, diện tích trồng hồng giòn không hạt cũng được khôi phục và mở rộng. Theo thống kê toàn xã hiện có gần 4 ha hồng không hạt, trong đó có nhiều diện tích đã cho thu hoạch ổn định; cây hồng được trồng rải rác ở tất cả các thôn, nhưng tập trung nhiều ở thôn Đồng Thượng và thôn Trung Long… Trong đó, các hộ trồng nhiều từ 50-100 cây trở lên như ông Đinh Văn Tuất, ông Nguyễn Ngọc Sợi (thôn Đồng Thượng); ông Nguyễn Duy Khanh, ông Nguyễn Tiến Bảy, ông Trần Văn Thiền, ông Nguyễn Văn Thư, anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Trung Long).
Nâng giá trị cho hồng giòn
Khác với hồng cậy Nam Đàn, hồng trứng Kỳ Sơn, giống hồng giòn không hạt của Thanh Chương tròn dài, vỏ màu xanh vàng, khi chín ngả hẳn sang màu vàng pha sắc đỏ, bổ ra có màu vàng óng ả, ăn giòn, vị ngọt đậm, lại không có hạt nên được rất nhiều người ưa thích.
Ông Lê Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: “Hồng giòn không hạt là giống hồng ngon đặc trưng ở Thanh Chương. Được người dân trồng cách đây mấy chục năm, tập trung chủ yếu ở các địa phương Thanh Liên, Thanh Tiên và Thanh Lĩnh. Một thời gian, do đất vườn thu hẹp, nhiều vườn đồi chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, ổi… nên cây hồng giòn mất vị thế. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã khôi phục giống hồng này. Hiện theo ước tính, diện tích có khoảng 10ha”.
Thời điểm này, người dân các địa phương Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh đang vào vụ thu hoạch hồng giòn. Giá bán đầu mùa đang ở mức cao 35.000-40.000 đồng/kg, chính vụ thì khoảng 30.000 đồng/kg. Hồng thu hoạch, ngâm chín đến đâu thương lái thu mua hết đến đó, người dân ít phải bán lẻ.
“Cây hồng giòn có tuổi đời lâu dài, cây càng lâu năm thì chất lượng quả càng ngon. Đó chính là “của để dành” trong vườn. Vậy nên, ngoài việc mở rộng diện tích trồng hồng thì chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây hồng đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu để sản phẩm hồng giòn Thanh Chương trở thành đặc sản địa phương. Khi đã nhân rộng, phát triển cây hồng thì cần thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị, giá thành cho cây hồng. Từ đó, đem lại sinh kế cho người dân các xã bán sơn địa”, anh Nguyễn Văn Thắng, một hộ trồng hồng ở thôn Long, xã Thanh Lĩnh cho biết.
Hiện nay, giống hồng giòn Thanh Chương được các hộ tự chiết ghép hoặc mua của các hộ khác để nhân rộng diện tích, một số hộ lại mua giống của các đại lý. Do đó, chất lượng giống hồng giòn chưa đảm bảo, nhiều hộ mua giống chưa chuẩn hồng giòn Thanh Chương.
Vậy nên, các hộ dân trồng hồng cũng mong muốn huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai tuyển chọn những cây hồng giống ưu tú, cây đầu dòng và xây dựng chính sách để giữ gìn bảo vệ làm nguồn giống cung cấp lâu dài cho sản xuất, đặc biệt là phân phối giống cho những xã khác có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để mở rộng diện tích trồng hồng.