Nêu gương phải gắn với việc làm cụ thể
(Baonghean) - Nêu gương là một trong những phương pháp lãnh đạo quan trọng được Đảng ta cụ thể hóa trong nhiều quy định, gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018. Vì vậy, thời gian qua, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai với nhiều cách nêu gương khá thuyết phục, nêu gương gắn với vai trò, chức trách nhiệm vụ được giao.
Xã Thanh Liên vốn là xã khó khăn của huyện Thanh Chương. Sau nhiều trăn trở, hành động, Thanh Liên đã có bước phát triển đáng ghi nhận; hiện đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.
Ở Thanh Liên, yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên không phải chỉ suy nghĩ đúng, nói đúng thông qua việc đề xuất, tham mưu, đưa ra các chủ trương đúng, trúng mà phải thật sự là những con người hành động. Bởi vậy, khi đưa ra một chủ trương nào, từ chuyển đổi cây trồng, thực hiện dồn điền đổi thửa thì cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo phải làm trước để khi cán bộ nói, người dân nghe và làm theo.
Từ sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo xã, ở xã Thanh Liên (Thanh Chương) đã tạo thành vùng chuyên canh cây ăn quả với hàng chục héc ta. Ảnh: Mai Hoa |
Không chỉ làm trước mà cán bộ lãnh đạo nơi đây còn nhận phần đất khó khi giao người dân không nhận để sản xuất; họ không chỉ là những người lãnh đạo có năng lực mà còn là người sản xuất giỏi ở địa phương.
Đặc biệt là lãnh đạo, việc gì đã nói và hứa với dân là phải làm
Ngoài nêu gương trong sản xuất, để quy tụ được lòng dân, theo đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động nói và hành động phải song hành. Đặc biệt là lãnh đạo, việc gì đã nói và hứa với dân là phải làm; trong xử lý các công việc của dân cũng như các mâu thuẫn xã hội phải có lý, có tình và đặc biệt mọi người dân đều bình đẳng trong việc thực hiện các quy định, quy chế của địa phương, không có trường hợp ngoại lệ.
Đối với huyện Kỳ Sơn, việc nêu gương được gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các đồng chí lãnh đạo huyện, trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện, cơ sở luôn bám sát các chương trình, nghị quyết, đề án được ban hành để chỉ đạo sát, cụ thể, chống sự bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ lại. Nhờ vậy, Kỳ Sơn đã tạo ra được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế với nhiều mô hình hiệu quả như gừng, nghệ, khoai sọ, bí xanh, mận, chanh leo, dược liệu và trồng cỏ chăn nuôi bò, gà đen, lợn đen…; gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp với các cây trồng bản địa như sa mu, pơ mu, xoan đâu…
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe (thứ hai bên phải) trao bò giống hỗ trợ gia đình bà Lương Thị Xai. Ảnh tư liệu: Duy Thành |
Công tác xóa đói, giảm nghèo ở Kỳ Sơn đã lan tỏa sự nêu gương trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở.
Công tác xóa đói, giảm nghèo thông qua Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Huyện ủy về cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng giúp đỡ hộ nghèo cũng đã lan tỏa sự nêu gương trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Và chính 3 đồng chí trong Thường trực Huyện ủy là trước, trích tiền lương mua bò tặng hộ nghèo, mỗi đồng chí trong 2 năm 2018 và 2019 tặng 2 con bò cùng với kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi cho 2 hộ nghèo trên địa bàn.
Với huyện Nghi Lộc, theo đồng chí Nguyễn Bá Châu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, triển khai thực hiện các quy định về nêu gương của Trung ương và Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa 10 việc nêu gương của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và lãnh đạo chủ chốt huyện và cơ sở.
Đáng quan tâm là nêu gương “nói đi đôi với làm”, nói phải đúng quan điểm, chủ trương, chính sách, đúng sự thật và tinh thần xây dựng cao; làm thì phải nghiên cứu sâu, nắm chắc các chủ trương, chính sách của các cấp để triển khai đúng, trúng, hiệu quả.
Quang cảnh thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Cường |
Nêu gương về tác phong làm việc khoa học, cụ thể và sát dân; đi đầu trong những việc khó, không né tránh mà chủ động tham mưu, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cơ sở và bức xúc trong nhân dân đúng tính chất, thẩm quyền, tránh lạm dụng quyền hoặc “lấn sân”.
Nhiều việc khó, bức xúc liên quan đến công tác GPMB các dự án WHA, cao tốc Bắc - Nam, đường nối Vinh và Cửa Lò; đơn thư tồn đọng; cấp mới và cấp đổi GCNQSD đất…; khi được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở chủ động vào cuộc một cách trách nhiệm đều được giải quyết hiệu quả.
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Nêu gương là một trong những phương pháp lãnh đạo quan trọng được Đảng ta, được cụ thể hóa trong nhiều quy định. Ở từng cấp đã triển khai và cụ thể hóa quy định nêu gương, trở thành hệ quy chiếu để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của mình trong việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả công việc cùng sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Từ đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và ý thức trách nhiệm đối với công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng lên, tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, đơn vị.
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chúc Tỉnh ủy kiểm tra công tác đào tạo nghề tại Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành. Ảnh: Mai Hoa |
“Đặt ra vấn đề nêu gương, mỗi cán bộ đảng viên thường xuyên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện để thực hiện nhiệm vụ chức trách tốt hơn, làm gương cho mọi người noi theo tạo ra hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội. Nêu gương gắn với việc làm cụ thể là một kinh nghiệm quý rất cần được nhân rộng trong thời gian tới”.