Ngăn ‘tái trắng’ chi bộ ở vùng cao

K.L 16/07/2021 09:55

(Baonghean.vn) - Là huyện vùng cao biên giới với nhiều thành phần dân tộc, việc phát triển Đảng ở một số chi bộ thôn, bản của huyện Tương Dương còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vận dụng nhiều giải pháp, đến nay, huyện đã xóa được các chi bộ thuộc diện nguy cơ "tái trắng".

Nỗ lực xóa nguy cơ "tái trắng"

Thằm Thẩm là bản đặc biệt khó khăn của xã biên giới Nhôn Mai, có 2 dân tộc Mông và Khơ mú cùng chung sống. Toàn bản chỉ có khoảng 21 hộ. Trước năm 2016, Chi bộ bản Thằm Thẩm được xếp vào diện có nguy cơ “tái trắng” theo Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy với 3 đảng viên tại chỗ.

Cùng với Chi bộ Thằm Thẩm, Chi bộ bản Huồi Măn (có 16 hộ người Mông sinh sống, đường sá đi lại khó khăn) cũng trong tình trạng tương tự với 4 đảng viên tại chỗ. Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Tương Dương, Đảng bộ xã biên giới Nhôn Mai đã triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm xóa nguy cơ “tái trắng” ở 2 chi bộ này.

Sinh hoạt chi bộ ở bản Thằm Thẩm ( ảnh trên); một góc bản Thằm Thẩm , xã Nhôn Mai ( ảnh dưới)
Một buổi sinh hoạt ở Chi bộ ở bản Thằm Thẩm (ảnh trên); một góc bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai (ảnh dưới).

Bên cạnh việc phân công đảng viên là cán bộ, công chức xã có uy tín, giàu kinh nghiệm về sinh hoạt tại các chi bô để “cầm tay, chỉ việc” nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện tổ chức Đảng ở thôn, bản, giao trách nhiệm cho các đoàn thể trong phát hiện các nhân tố tích cực, ưu tú giới thiệu cho Đảng. Đảng bộ xã Nhôn Mai cũng làm tốt công tác “dân vận khéo” phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động, phát hiện, bồi dưỡng nhân tố phát triển Đảng từ các chi hội, đoàn thể và bộ đội xuất ngũ.

Theo đồng chí Vi Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai: Đến nay, địa phương đã xóa được thôn, bản có nguy cơ “tái trắng” chi bộ. Cụ thể, Chi bộ bản Huồi Măn (xã Nhôn Mai) kết nạp thêm được 3 đảng viên, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 7 đảng viên. Cùng với 3 cán bộ, đảng viên của xã và 1 cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai về sinh hoạt tại chi bộ, tổng số đảng viên hiện tại là 11 đồng chí.

Tương tự, Chi bộ bản Thằm Thẩm kết nạp được thêm 4 đảng viên, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 7 đảng viên, cộng với 3 cán bộ, đảng viên của xã về sinh hoạt nên hiện tổng số đảng viên của chi bộ này là 10 đồng chí. Đáng mừng là, đội ngũ bí thư, trưởng bản của 2 bản Thằm Thẩm, Huồi Măn còn khá trẻ, nhiệt tình, nêu gương trong mọi công việc.

Đảng bộ xã Nhôn Mai hiện có 17 chi bộ trực thuộc, trong đó, 12 chi bộ nông thôn với tổng số đảng viên 251 đồng chí (49 đảng viên nữ). 6 tháng đầu năm 2021, đảng bộ kết nạp được 4 đảng viên mới, trong đó, có 1 đồng chí ở Chi bộ Huồi Măn là bộ đội xuất ngũ.

Bản Huổi Măn, xã Nhôn Mai chỉ có 16 hộ người Mông sinh sống. Ảnh: CTV
Bản Huồi Măn, xã Nhôn Mai chỉ có 16 hộ người Mông sinh sống. Ảnh: P.V

Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương: Thực hiện Đề án 01 số 01-ĐA/TU ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020. Qua khảo sát thực tế, Đảng bộ huyện Tương Dương có 3 chi bộ có nguy cơ không còn chi bộ (dưới 5 đảng viên tại chỗ) gồm các bản: Xoóng Con (xã Tam Thái), Thằm Thẩm và Huồi Măn (xã Nhôn Mai) do khó phát triển đảng viên.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và huyện Tương Dương thăm hỏi bà con bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai. Ảnh: Công Kiên
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và huyện Tương Dương thăm hỏi người dân xã Nhôn Mai. Ảnh: Công Kiên

Vì vậy, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ các xã có chi bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tập trung phát triển đảng viên đảm bảo cả chất và lượng. Bên cạnh sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huyện yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm, phát hiện các nhân tố tích cực, ưu tú giới thiệu cho Đảng. Tập trung đưa các mô hình kinh tế về thôn, bản, đồng thời điều động, phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín, cán bộ chủ chốt ở xã về “cầm tay chỉ việc” ở những địa bàn có nguy cơ cao về "tái trắng" chi bộ.

Người dân bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai đi bầu cử. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Người dân bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai đi bầu cử. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Nhờ vậy, nền nếp, chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ này được nâng lên; một số đảng viên hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả như: trồng rừng, cây chanh leo, cây gừng, sắn cao sản; phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò, ao cá... Công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ tháng 8/2016 đến tháng 31/12/2020 đã kết nạp được 11 đảng viên. Ngoài 2 Chi bộ Thằm Thẩm và Huổi Măn (xã Nhôn Mai), Chi bộ bản Xoóng Con (xã Tam Thái) cũng đã thoát khỏi diện nguy cơ “tái trắng” khi kết nạp thêm được 4 đảng viên, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 8/14 đảng viên. Đến nay huyện Tương Dương không còn thôn, bản nào thuộc diện nguy cơ không còn chi bộ

Chăm lo tạo nguồn

Đảng bộ huyện Tương Dương hiện có 46 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó, 25 đảng bộ cơ sở và 21 chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy; 271 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 5.379 đảng viên.

Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn luôn được BTV Huyện ủy quan tâm, thông qua các giải pháp cụ thể như: Đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sắp xếp, đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng cảm tình Đảng, đảng viên mới phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Quan tâm phát hiện tạo nguồn kết nạp, phân công đảng viên có uy tín, kinh nghiệm để giáo dục, rèn luyện bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để quần chúng học tập, noi theo.

Bên cạnh đó, tập trung kiện toàn, phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa. Yêu cầu cấp ủy các cấp thành lập tổ công tác về cơ sở để vừa tham gia chỉ đạo, vừa tham gia sinh hoạt tại các xóm, bản yếu kém.

Chi bộ bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp hội ý trước khi vào sinh hoạt. Ảnh: KL
Chi bộ bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp hội ý trước khi vào sinh hoạt. Ảnh: K.L

Nhiều xã mặc dù điều kiện KT-XH còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã làm tốt công tác kết nạp Đảng, điển hình như tại xã biên giới Tam Hợp, đồng chí Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc, hàng năm BTV Đảng ủy xã đều xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể có các đồng chí trong BTV, BCH đảng bộ xã phụ trách địa bàn và các đảng viên là cán bộ, công chức xã đang sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản. Giao các chỉ tiêu cho từng chi bộ và yêu cầu sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể trong phát hiện, giới thiệu nguồn cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Nhờ vậy, công tác phát triển Đảng của xã hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Trong năm 2021, toàn xã kết nạp được 7 đảng viên/ KH 5 đồng chí, đạt 140% kế hoạch giao. 6 tháng đầu năm 2021 kết nạp được 3 đảng viên/ KH 6 đồng chí, đạt 60% kế hoạch giao. Một số địa phương như Đảng ủy Xã Tam Quang còn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp học cảm tình Đảng tại xã để tạo thuận lợi cho các đối tượng Đảng… nhờ đó, công tác phát triển Đảng hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.

''Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ huyện kết nạp được 1.018 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp được trên 203 đảng viên, đạt 113,1% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó: Đoàn Thanh niên 796 đồng chí (chiếm 78,2%), nữ 465 đồng chí (chiếm 45,7%), dân tộc thiểu số 755 đồng chí (chiếm 74,2%). Riêng trong năm 2020, toàn huyện kết nạp 117/120 quần chúng ưu tú vào Đảng. 6 tháng đầu năm 2021 kết nạp được 75/153 đảng viên (đạt tỷ lệ 49,01%)''.

Đồng chí Mạc Văn Nguyên - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương

Tuy nhiên, cũng như phần lớn địa bàn miền núi khác, khó khăn lớn của địa phương là hạn chế về nguồn do thiếu việc làm, đời sống không ổn định nên số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa khá nhiều. Trình độ nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, điều kiện tiếp cận các phương tiện thông tin nghe, nhìn còn bất cập, nên tư duy, nhận thức về Đảng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thôn, bản một số trình độ, năng lực còn hạn chế, bất cập. Một số tổ chức cơ sở Đảng chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phát triển Đảng.

Cùng với trồng trọt, bà con nông dân huyện Tương Dương đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Ảnh tư liệu: Vi Mận
Cùng với trồng trọt, bà con nông dân huyện Tương Dương đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Ảnh tư liệu: Vi Mận

Do vậy, bên cạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng tạo nguồn, huyện tập trung triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đề án lớn chỉ đạo chuyển địch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp ở các xã, bản vùng cao, biên giới. Hàng năm, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, huyện đã bố trí một phần kinh phí để hỗ trợ đồng bào thiểu số nghèo trên địa bàn phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm... gắn công tác giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là lao động trẻ lập nghiệp ở địa phương. Qua đó, lựa chọn nhân tố là nguồn để đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, đảng viên cốt cán cho phong trào ở cơ sở.

Ngăn ‘tái trắng’ chi bộ ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO