Ngày ấy, bên dòng sông Lam
(Baonghean.vn) - Ngày 20/3/1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, tại đền Tiến Sơn - nay thuộc xã Thanh Long, Hội nghị đại biểu các Chi bộ Cộng sản Thanh Chương đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Thanh Chương.
Tháng 5/1929, Đại hội toàn quốc Hội Thanh niên ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã diễn ra sự phân liệt. Các đại biểu Bắc Kỳ bỏ ra về và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay sau đó, ngày 17/6/1929, Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc vào Nghệ An, gặp đồng chí Võ Mai, lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, đặt trụ sở tại Vinh. Kỳ bộ đã cử các đồng chí Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều về bắt liên lạc với cơ sở Hội Thanh niên ở Hạnh Lâm, La Mạc, thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Thanh Chương, gồm 7 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Đình Sòng làm Bí thư.
Chi bộ đã hoạt động rất tích cực. Tháng 10/1929, các cơ sở cách mạng rải truyền đơn kêu gọi nhân dân kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/1929).
Đình làng Thượng, xã Hạnh Lâm. Ảnh tư liệu: Huy Thư |
Đầu năm 1930, Chi bộ Xuân Tường thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm Bí thư. Trong khi đó, Tiểu tổ Tân Việt ở Võ Liệt đã rất nhạy bén với tình hình, cử đồng chí Tôn Thị Quế xuống Vinh, thông qua đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, liên lạc với Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ lên Thanh Chương kiểm tra, hướng dẫn, tuyển chọn,... thành lập Chi bộ Võ Liệt gồm 7 đảng viên, do đồng chí Hoàng Thuật làm Bí thư.
Như vậy, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại Thanh Chương đã có 3 Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng - một tổ chức tiền thân của Đảng.
Ngày 20/3/1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, tại đền Tiến Sơn - nay thuộc xã Thanh Long, Hội nghị đại biểu các Chi bộ Cộng sản Thanh Chương đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Thanh Chương, đồng chí Tôn Gia Tinh được cử làm Bí thư. Các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong huyện được chuyển thành các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tỉnh ủy Nghệ An từng hoạt động bí mật nhiều năm tại xã Xuân Tường, Thanh Phong và trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Ngày 24/4/1930, Tỉnh ủy họp kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và bàn kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Huyện ủy Thanh Chương tiếp thu chủ trương và bí mật họp bàn, phổ biến cho các chi bộ triển khai thực hiện.
Ngày 1/5/1930, hàng ngàn khẩu hiệu, truyền đơn được phổ biến ở Di Luân, Xuân Tường, Nguyệt Bổng, Đại Định, Cát Ngạn, Hạnh Lâm, La Mạc,...
Đặc biệt, trong khi ở Vinh đang diễn ra cuộc biểu tình của công nông Trường Thi - Bến Thủy thì ở Thanh Chương diễn ra cuộc biểu tình, 3.000 nông dân, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng phá đồn điền Ký Viễn ở xã Hạnh Lâm; tại Trường Tiểu học Pháp - Việt (Võ Liệt), đồng chí Hoàng Thuyết - Huyện ủy viên, đồng chí Đinh Xuân Giai, đảng viên trong nhà trường đã lãnh đạo, tổ chức cuộc mít tinh, biểu tình thị uy qua huyện đường,...
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng. |
Phong trào quần chúng đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột, cường quyền lan rộng trong các huyện của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tình hình này đã đẩy thực dân Pháp cùng phong kiến Nam Triều vào tình thế bị động, lúng túng. Huyện ủy Thanh Chương họp, bàn việc thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, phải tổ chức đấu tranh với mức độ cao hơn, quy mô rộng lớn hơn. Hội nghị quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930.
Huyện ủy phân công cán bộ về cơ sở tổ chức khai hội; cơ quan ấn loát hoạt động suốt ngày đêm; cán bộ giao thông (chạy vỏ lả) chạy khẩn trương đưa chỉ thị, truyền đơn về cơ sở; các cơ sở chuẩn bị băng, cờ, dao, kiếm, gậy,... tự vệ; các bến đò bí mật chuẩn bị thuyền bè,... để đưa người sang sông khi có lệnh,...
Đêm 31/8/1930, tự vệ đỏ canh gác các ngả đường, bến đò, cô lập Huyện đường với các xã. Tự vệ Xuân Lâm phá cầu Rào Gang, cắt đường từ Vinh lên rồi bao vây, trấn áp bọn Tổng lý các làng. Tự vệ tổng Đại Đồng phá cầu Chợ Lạt, cắt đường từ Đô Lương xuống. Tự vệ tổng Võ Liệt bắt giữ 11 tên tình nghi mật thám. Cờ đỏ treo cao trên các cây cổ thụ, trên các ngả đường,... Giặc Pháp đánh hơi được, chúng đã điều một toán lính từ đồn Thanh Quả xuống bảo vệ Huyện đường; tập trung toàn bộ thuyền trên sông về phía bến Rộ để ngăn người qua sông.
Từ 1 giờ sáng 1/9, trống lệnh khắp các tổng trong huyện được phát ra. Cả Thanh Chương náo động tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ, tiếng hò reo. Từng đoàn người có tự vệ đỏ bảo vệ, cuồn cuộn kéo về Huyện đường; khí thế như triều dâng, thác đổ.
Bến đò Rộ (xóm Minh Đức, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Huy Thư |
Tại bến Rộ, hàng ngàn người loay hoay tìm thuyền qua sông. Đồn trưởng Côngđôminat và Đội Dởn điên cuồng cho lính bắn sang bến Nguyệt Bổng. Anh Nguyễn Công Thường hy sinh. Như lửa đổ thêm dầu, quần chúng tự khắc phục phương tiện vượt sông, ồ ạt tiến vào Huyện đường. Tri huyện, nha lại, lính tráng bỏ chạy lên Đồn Thanh Quả. Dân chúng đốt hồ sơ, phá nhà giam, giải thoát tù chính trị, đập nát đại lý rượu Phông ten,... Họ kéo đến nhà Tri huyện đập phá,...
Khoảng 4 giờ chiều, một toán lính khố xanh từ Vinh kéo lên, bị quần chúng kéo đến bao vây. Bọn lính xin đầu hàng. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi ngoài dự kiến.
Cuộc tổng biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu, đánh giá sự ra đời của Chính quyền Xô viết ở Nghệ - Tĩnh, một trong những đỉnh cao của cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931 trong toàn quốc. Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá: Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy ở An Nam bao giờ, đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do.
Sau cuộc biểu tình này, bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở Thanh Chương hoàn toàn bị tê liệt và tan rã. Các đồn bốt địch “án binh bất động”. Trong 76 lý trưởng thì 1 tên bỏ trốn, 1 tên tự sát, 36 tên mang sổ sách, con dấu nộp cho xã bộ nông, 11 tên bị quần chúng trừng trị, một số tiến bộ đi theo cách mạng, được Nông hội đỏ phân công chia ruộng đất công, tiền lúa cho dân. Báo Người Lao Khổ của Xứ ủy Trung Kỳ viết: Ở Thanh Chương và Nam Đàn, không ai đóng thuế chợ và cũng không ai dám thu. Không ai đi tuần, lính không về canh gác. Đế quốc chủ nghĩa bắt triệt hạ, không ai thi hành. Anh em tự tha cho quốc sự phạm, tự chia cho dân nghèo đồn điền Ký Viễn và đất ruộng của giai cấp địa chủ. Anh em tự do lập hội, tự do biểu tình. Thế là luật lệ của đế quốc bị tan tành. Dù tổ chức và hoạt động còn rất sơ khai, ấu trĩ nhưng Xô viết thực sự là một khát khao, là niềm tin của người dân nô lệ vươn tới một chân trời sáng lạn.
Hơn 90 năm trôi qua, tiếng trống năm Ba mươi bên dòng sông Lam ngày ấy vẫn còn vang vọng mãi đến bây giờ!
Trung tâm huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |