Nghệ An chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thời kỳ hội nhập

Bạch Xuân Hiền 12/10/2021 14:00

(Baonghean.vn) - Đứng trước yêu cầu hội nhập, những vấn đề về điều kiện, môi trường làm việc, văn hóa ứng xử, kỹ năng công tác, trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, hiểu biết luật pháp trong nước và quốc tế... trong từng giai đoạn cụ thể, với mỗi đối tượng cán bộ, đảng viên đang đặt ra là yêu cầu cấp thiết.

Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, đất rộng, người đông. Với diện tích 16.490,25 km², lớn nhất cả nước; dân số hơn 3 triệu người, có trên 30 dân tộc cùng sinh sống; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có nhiều nét văn hóa đặc sắc vùng, miền; hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa; với 419 km đường biên giới trên bộ; bờ biển ở phía Đông dài 82 km, điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng như một Việt Nam thu nhỏ... Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư và ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại Nghệ An.

Một góc thị xã Cửa Lò. Ảnh: Trung Hà

Khu Công nghiệp VSIP. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), Nghệ An có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nên yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị toàn tỉnh để thích ứng hội nhập quốc tế sâu rộng là một trong những yếu tố quan trọng được tỉnh Nghệ An hết sức quan tâm. Trong những năm gần đây, thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, Nghệ An đã chủ động xây dựng nhiều đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo, trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, Tin học, Ngoại ngữ theo nhu cầu gắn với tính chất công việc và vị trí việc làm.

Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX. Ảnh tư liệu: N.N
Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX. Ảnh minh họa: N.N

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì đội ngũ cán bộ Nghệ An nhìn chung có trình độ chuyên môn phù hợp, có khả năng làm việc tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập để thích ứng sâu, rộng thì chất lượng đội ngũ cán bộ còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là: trình độ, năng lực, kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp quốc tế, ngoại ngữ, khả năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội của một số cán bộ vẫn còn bất cập; khả năng dự báo và định hướng sự phát triển vẫn còn yếu. Một bộ phận còn chủ quan, tự mãn, bảo thủ, trì trệ, mắc bệnh thành tích; số khác thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu; ý thức tự phê bình và phê bình và tính chiến đấu chưa cao.Tác phong công tác của cán bộ nói chung vẫn còn hành chính hóa; kỹ năng giao tiếp, văn hóa làm việc thiếu linh hoạt, chậm thích ứng, kỹ năng ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin đối với cán bộ còn là điểm yếu cần được bồi dưỡng, đào tạo bài bản, có tính hệ thống và đúng đối tượng.

Vì vậy, trên cơ sở Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh Nghệ An đã có sự chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch hằng năm theo sát với yêu cầu mới và sau 8 năm thực hiện đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 72.810 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, cử 935 cán bộ đi học thạc sĩ, 160 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ; cử 2.161 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị và 14.772 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị.

Nhờ thực hiện tốt công tác đào, bồi dưỡng cán bộ, cho đến nay tính đến ngày 5/10/2021, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Nghệ An (cấp tỉnh và huyện) có trình độ các mặt khá đồng đều với 2.234 người đương chức, trong đó: 100% có trình độ đại học, 862 thạc sĩ (38,6%), 107 tiến sĩ (4,8%), 2 phó giáo sư (0,09%) và cán bộ diện quy hoạch là 4.404 người, 100% có trình độ đại học, 1.507 thạc sĩ (chiếm 34,22%), 39 tiến sĩ (chiếm 0,88%). 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.Đặc biệt, đã xây dựng được đội ngũ cấp ủy huyện và tỉnh nhiệm kỳ 2015-2021 và 2020-2025 có chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đó là: 100% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên. Về chuyên môn, nghiệp vụ: cấp huyện có 313 thạc sĩ, 6 tiến sĩ; cấp tỉnh 35 thạc sĩ, 9 tiến sĩ và 2 phó giáo sư. 100% các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đã qua chủ trì cơ sở.

Các học viên tham gia lớp học cao cấp chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Ản tư liệu: Mai Hoa

Việc mở rộng hội nhập quốc tế là cơ hội để cán bộ, đảng viên có điều kiện tiếp cận những kiến thức mới, tư duy làm việc khoa học, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đồng thời, đứng trước yêu cầu hội nhập, những vấn đề về điều kiện, môi trường làm việc, văn hóa ứng xử, kỹ năng công tác, trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, hiểu biết luật pháp trong nước và quốc tế... trong từng giai đoạn cụ thể, với mỗi đối tượng cán bộ, đảng viên đang đặt ra là yêu cầu cấp thiết.

Nghệ An đăng cai tổ chức Diễn đàn các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11. Ảnh tư liệu
Nghệ An đăng cai tổ chức Diễn đàn các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11. Ảnh tư liệu

Với những yêu cầu như trên, sau khi tổng kết Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nghệ An đã chủ động tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết cho cả giai đoạn 2021-2025, với 1.250 - 1.300 lớp cho 233.450 đến 263.450 lượt người tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và giáo dục lý luận chính trị. Đặc biệt, hàng năm có từ 1 - 2 lớp dự nguồn cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho 100 - 120 người.

Tỉnh Nghệ An xác định: Bắt đầu từ đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, phải được trang bị đầy đủ kiến thức, năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, tỉnh chú trọng công tác đánh giá, rà soát, dự báo nhu cầu cán bộ cần đào tạo, bồi dưỡng: đương chức, quy hoạch, dự nguồn theo nhóm ngành, nghề, lĩnh vực... đào tạo trong nước hay nước ngoài; tùy thuộc yêu cầu tính chất công việc để xác định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Đối tượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp nhu cầu gắn với vị trí việc làm, tránh việc nhu cầu có nhưng cử sai đối tượng, sai nội dung và đặc biệt người được cử đi học phải có trách nhiệm nâng cao kiến thức để làm việc thực sự, tránh lợi dụng hợp thức hóa gây lãng phí thời gian và ngân sách.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bố trí nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kịp thời, đúng quy định theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiện đại. Đặc biệt, làm tốt công tác giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính chủ động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, không bảo thủ, bằng lòng, thỏa mãn với công việc, ngại học, lười học... Đồng thời, quan tâm, quyết liệt giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, tỉnh Nghệ An xác định: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Phấn đấu đến năm 2025: Cấp tỉnh: Có từ 10 - 15% cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi; từ 10 - 15% cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; Cấp huyện: có từ 10 - 15% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi, cơ bản hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ đại học, cao đẳng và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, đến năm 2025, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) nằm trong 15 tỉnh, thành phố là tốp đầu cả nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là:

Thứ nhất, cán bộ phải có đủ trình độ, năng lực, tư duy làm việc: Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng của cán bộ trong bất kỳ giai đoạn nào. Có trình độ chuyên môn tốt mới bảo đảm cho cán bộ hoàn thành công việc được giao. Trình độ của cán bộ được đánh giá là tốt khi đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đó. Cụ thể, trong thời kỳ hiện nay khi khoa học - công nghệ phát triển, người cán bộ phải có trình độ về công nghệ, làm chủ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn của mình, gắn với khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt.

Thứ hai, cán bộ phải có văn hóa làm việc khoa học, hiệu quả, vì nước, vì dân với tinh thần tận tụy, cống hiến, phụng sự. Mục đích là đẩy lùi, xóa bỏ bệnh làm việc tùy tiện, nặng về hành chính, quan liêu, thói cửa quyền, hách dịch, xây dựng môi trường, văn hóa làm việc chuyên nghiệp, chuyên sâu có tính kế hoạch cao, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức và dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng. Đó là bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh trong ứng xử, xử lý công việc, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế.Trong tình hình hiện nay, đây được xem là một trong những yêu cầu hàng đầu. Bản lĩnh mà trước hết là bản lĩnh chính trị của người cán bộ chính là yếu tố quan trọng, có bản lĩnh người cán bộ sẽ không bị tác động, ảnh hưởng của những yếu tố tiêu cực. Đó là những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, những cám dỗ từ mặt trái cơ chế thị trường, từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bản lĩnh ở tư duy làm việc của cán bộ, ở khả năng vận dụng, áp dụng linh hoạt các vấn đề phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng văn hóa của đối tác tạo ra môi trường làm việc thân thiện gắn kết với văn hóa bản địa và phù hợp với luật pháp của Việt Nam.

Cán bộ Huyện ủy, xã Nghĩa An tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Nghĩa An. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Trên tinh thần nhận thức sâu sắc yêu cầu, tầm quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là từ những kết quả quan trọng đã đạt được cũng như những bài học, kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn cụ thể, để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực thực sự ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, Nghệ An xác định rõ 4 vấn đề cần thực hiện:

Một là, tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện các kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình mới. Cán bộ là cái gốc, phải coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm hết sức trọng tâm. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ chú ý đến bồi dưỡng về lý luận chính trị mà phải chú trọng đến chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm, văn hóa làm việc, nhất là năng lực Ngoại ngữ, Tin học, luật pháp... phải có kế hoạch xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, đồng thời có ý thức chính trị cao, có phẩm chất đạo đức tốt.

Đào tạo đội ngũ cán bộ phải bài bản, phù hợp từng giai đoạn và có sự hài hòa giữa các thế hệ, bảo đảm có tính kế thừa. Muốn vậy, ngay từ khâu tuyển chọn người đi đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, thực sự công tâm, khách quan, công bằng để chọn được người xứng đáng, tránh tình trạng cán bộ được lựa chọn đi đào tạo, bồi dưỡng không đủ trình độ tiếp thu kiến thức, không đủ phẩm chất trở thành người lãnh đạo, quản lý, không nằm trong quy hoạch. Như vậy, không chỉ làm thiếu hụt cán bộ, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của tỉnh mà còn gây lãng phí, trì trệ.

 UBND huyện Yên Thành tổ chức lễ công bố các Quyết định về công tác cán bộ. Ảnh tư liệu
UBND huyện Yên Thành tổ chức lễ công bố các Quyết định về công tác cán bộ. Ảnh tư liệu

Hai là, cần tạo môi trường học tập cho đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, kết hợp hình thức đào tạo, bồi dưỡng truyền thống gắn với đổi mới phương pháp và việc xây dựng, phát triển các hình thức khác dựa trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số; xây dựng văn hóa, phong cách tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức; tạo điều kiện và môi trường để cán bộ tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, chú trọng tổ chức có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thường xuyên học tập, nghiên cứu nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng nhằm tạo nền nếp, không khí học tập sôi nổi trong các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Ba là, thực hiện tốt công tác luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành trong thực tiễn. Những môi trường, điều kiện làm việc khác nhau ở cơ sở sẽ giúp cho cán bộ phát huy được năng lực, sức sáng tạo, dám làm, dám đương đầu với những thách thức, khó khăn. Đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với những cán bộ công tác ở các cơ quan tham mưu chủ trương, chính sách.

Bốn là, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là chính sách học ngoại ngữ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong những giải pháp quan trọng. Đãi ngộ tốt thì không chỉ hấp dẫn được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn gìn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng, ngăn ngừa được tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, gây khó dễ cho người dân trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ. Đãi ngộ theo hiệu quả công việc, sẽ khuyến khích sự sáng tạo, tư duy đột phá, đề cao trách nhiệm của cán bộ trong tham mưu, giải quyết công việc được giao./.

Theo (Ban Tổ chức Tỉnh uỷ)
Copy Link
Nghệ An chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thời kỳ hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO