Xây dựng Đảng

Nghệ An: ‘Dân vận khéo’ để xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Mai Hoa 17/08/2024 10:30

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Bên cạnh điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì tư tưởng trông chờ, ỷ lại cũng là một trong những trở ngại lớn trong quá trình vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 Cán bộ Huyện uỷ Tương Dương kiểm tra phản ánh, đề xuất của người dân về xây dựng khu dân cư. Ảnh- Mai Hoa
Cán bộ Huyện ủy Tương Dương kiểm tra phản ánh, đề xuất của người dân về xây dựng khu dân cư. Ảnh: Mai Hoa

"Dân vận khéo" để xóa bỏ trông chờ, ỷ lại

Xã Lượng Minh cách thị trấn huyện Tương Dương khoảng 12 km. Nơi đây, 100% người dân là đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú. Hạn chế lớn nhất ở họ là trình độ nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế và lạc hậu về nếp sống sinh hoạt.

Đặc biệt, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước còn tồn tại trong nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều này cản trở ý chí, khát vọng vươn lên của bà con khiến tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn hơn 55%.

 Người dân xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) mở đường vào khu sản xuất. Ảnhh CSCC
Người dân xã Lượng Minh (Tương Dương) mở đường vào khu sản xuất. Ảnh: Mai Hoa

Từ thực tiễn đó, từ năm 2023 đến nay, Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương chỉ đạo xã Lượng Minh tập trung triển khai mô hình “Dân vận khéo” xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong cán bộ và nhân dân. Đồng chí Vi Hồng Dương – Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: “Dân vận khéo” chính là thay đổi cách tiếp cận người dân. Ngoài mở các cuộc họp dân, cán bộ xã và bản tăng cường xuống địa bàn, sâu sát từng người dân để “nói cho dân hiểu”, đồng thời, tranh thủ người uy tín để tuyên truyền, thuyết phục người dân; lấy hộ có điều kiện kinh tế và nhận thức tốt hơn làm trước để người dân noi gương. Và khi người dân hiểu được cái hay, cái tốt, thì mọi cái sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Gắn với đó, Đảng ủy xã Lượng Minh giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng ủy viên chọn chỉ đạo một mô hình “dân vận khéo” phù hợp với từng địa bàn được phân công phụ trách. Nhờ đó, xuất hiện nhiều mô hình “dân vận khéo” trong sản xuất như: nuôi lợn đen với hơn 40 hộ nuôi; nuôi cá lồng 90 hộ; trồng cây bon bo; nuôi cá trên ruộng lúa nước; mô hình trồng sắn cao sản trên nương rẫy; nuôi dúi; một số hộ đã có ý thức xây dựng và đang hình thành mô hình gia trại.

 Xây dựng bản nông thôn mới ở Tương Dương.
Xây dựng bản nông thôn mới ở huyện Tương Dương. Ảnh: Mai Hoa

Điều đặc biệt ở xã Lượng Minh là đang từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của bà con. Người dân đã có ý thức tham gia đóng góp tiền, ngày công để làm đường bê tông phủ kín trong các bản, với tổng 13 tuyến. Ở các bản cũng đã xây dựng được phong trào huy động sức dân ra quân đào đắp, tạo 5 tuyến đường đi vào các khu sản xuất tại bản Lạ, bản Đửa, bản Côi, bản Chằm Puông, bản Cà Moong. Người dân xã Lượng Minh đã “chung sức, đồng lòng” đóng góp làm nhà ở bán trú cho học sinh tiểu học tại bản Minh Tiến và làm mái che điểm trường tiểu học và trường mầm non với tổng gần 220 triệu đồng; sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt tại bản Cà Moong, bản Xốp Cháo; mở rộng khai hoang diện tích lúa nước tại bản Minh Thành…

Ông Cụt Văn Vinh - Trưởng bản Côi, xã Lượng Minh cho biết: Đường đi lối lại trọng bản bây giờ đều làm bằng bê tông, mưa xuống, chân không còn dính bùn nữa. Người dân đi rừng, đi rẫy không phải ngủ lại trong lán trại 5 – 7 ngày mới về nhà, bởi giờ đường được người dân đào đắp, thay vì đi bộ trước đây, nay xe máy đi đến tận nương rẫy để đi về trong ngày. Dân sướng và tin vào chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây là những gợi mở để khơi thông tư tưởng cho người dân nhằm thực hiện các mục tiêu hoàn thiện chuẩn nông thôn mới.

 Mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ thuỷ điện Hủa Na (huyện Quế Phong). Ảnh- Mai Hoa
Mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ Thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa

Cùng với các mô hình “dân vận khéo” tại xã Lượng Minh, thời gian qua, các cấp, các ngành ở huyện Tương Dương đã tập trung xây dựng mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, theo chia sẻ của đồng chí Lương Bá Vin - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương: Nội dung được tập trung nhất là “dân vận khéo” để tạo thay đổi tư duy, nhận thức, tập quán lạc hậu trong sản xuất, trong sinh hoạt và cuộc sống của người dân.

Theo đó, nhiều mô hình kinh tế mới được triển khai, như nuôi dê thương phẩm; trồng mét hàng hóa; khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới diện tích măng đắng; nuôi bò vỗ béo; nuôi lợn đen, gà địa phương.

Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, tập trung “dân vận khéo” để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ các hủ tục lạc hậu; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng với trọng tâm “dân vận khéo” giữ gìn, bảo đảm an ninh biên giới; xây dựng khối, bản và xã, thị trấn “sạch về ma túy”.

 Mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Ảnh- Mai Hoa
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Ở huyện Quế Phong, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác “dân vận khéo” được thực hiện theo phương châm: Gắn tuyên truyền với việc làm thực tế để minh chứng cho đồng nào thấy “người thật, việc thật”, dù khó khăn nếu bắt tay làm, làm kiên trì, làm bằng quyết tâm thì sẽ làm được và lan tỏa nhiều điều tích cực vì mục đích cải thiện, nâng cao cuộc sống của chính đồng bào.

"Bằng cách làm đó, mỗi năm toàn huyện xây dựng 150 – 170 mô hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị", đồng chí Nguyễn Minh Hoạt – Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong chia sẻ.

 Mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Ảnh- CSCC
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC

Dấu ấn rõ nét ở huyện Quế Phong là mô hình trồng khoai sọ ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải. Từ 2 ha khoai sọ, nay đã lan tỏa ở một số bản trên địa bàn với tổng diện tích hơn 5 ha. Hay mô hình cải tạo tập tục sinh hoạt lạc hậu gắn với cải tạo vườn tạp tại bản Piêng Lâng đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân.

Nếu như trước đây ở bản Piêng Lâng chỉ 13 hộ có nhà vệ sinh tạm bợ, nay 100% hộ ở bản đã xây dựng nhà vệ sinh tự hoại gắn với nhà tắm kiên cố; hàng chục hộ dân cải tạo vườn tạp để trồng mít, bưởi, nhãn… và vườn rau dinh dưỡng. Cũng tại bản Piêng Lâng, mô hình bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản ở khe, suối cũng đã lan tỏa đến 5/5 bản của xã Nậm Giải với tổng chiều dài 37 km khe, suối.

Đồng chí Lương Thị Huệ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải chia sẻ: Từ việc chỉ đạo trực tiếp và làm cùng với đồng bào của Ban Dân vận Huyện ủy cùng một số cơ quan, ngành, đoàn thể cấp huyện đã tạo ra một số mô hình “dân vận khéo” hiệu quả, thay đổi về nhận thức, hành động đối với đồng bào. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã thay đổi về phương pháp, cách thức chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình “dân vận khéo”.

Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, xã Nậm Giải đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả gần 30 hộ thực hiện các mô hình "dân vận khéo". Điển hình như mô hình xây dựng vườn mẫu gắn với xóa đói, giảm nghèo với 17 hộ triển khai; mô hình nuôi gà và đã hình thành 16 gia trại nuôi gà địa phương; 15 hộ chăn nuôi lợn đen có quy mô hàng chục con/lứa. Thông qua mô hình “Dân vận khéo" đã góp phần nâng cao đời sống của người dân tạo ra sự thay đổi rất lớn về kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen gắn với hỗ trợ con giống của huyện Quế Phong. Ảnh CSCC
Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen gắn với hỗ trợ con giống của huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC

Cùng với tập trung đầu tư xây dựng các mô hình “dân vận khéo” tại xã Nậm Giải, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong cũng đã triển khai thực hiện một số mô hình “dân vận khéo” thông qua trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách, xã hội hóa và làm cùng nhân dân.

Trong phát triển kinh tế có những mô hình như: trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải tại xã Cắm Muộn (hiện nay đồng bào đã tạo ra sản phẩm tơ và dệt vải, có nhộng để bán); nuôi lợn đen ở xã Đồng Văn; nuôi vịt bầu, lợn đen tại xã Quang Phong (có hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình đã dành con giống hỗ trợ hộ nghèo khác); nuôi hươu sao tại xã Nậm Giải; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; các mô hình: trồng cây quế, cây bon bo, dưa rẫy, khoai sọ, gạo Japonica, nếp cày nọi, lợn đen, gà cỏ bản địa, chè hoa vàng, cây đào Mông.

Trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật có mô hình: làm đèn đường chiếu sáng gắn với đường cờ tại bản Khủn Na năm 2023. Đến nay, mô hình lan tỏa với 6/6 bản ở xã Đồng Văn có đường cờ và điện thắp sáng…

 Thông qua %22dân vận khéo%22 cải tạo tạp, trồng cây khoai sọ đem lại hiệu quả tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh CSCC
Mô hình trồng cây khoai sọ đem lại hiệu quả tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của vùng. Thực tế này đặt ra cho cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về trách nhiệm, sự trăn trở, đổi mới công tác vận động, tuyên truyền. Trong đó, có việc áp dụng những cách làm mới, mô hình “dân vận khéo” nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực, hướng đến xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Để tiếp tục tạo ra sự thay đổi, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương miền núi, dân tộc cần tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, gắn với mỗi chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Nghệ An: ‘Dân vận khéo’ để xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO