Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về phát triển sản phẩm OCOP

Châu Lan 29/12/2022 10:00

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An về triển vọng phát triển các sản phẩm OCOP hiện nay ở Nghệ An.

Khâu chế biến các sản phẩm từ sen (ảnh trái); Các sản phẩm từ sen của Nam Đàn đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao.

P.V: Xin ông cho biết tình hình phát triển của các sản phẩm OCOP ở Nghệ An hiện nay?

Ông Nguyễn Hồ Lâm: Sau 4 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân, đến nay Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa lớn.

Hiện nay, Nghệ An có khoảng 405 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp Quốc gia 5 sao và 6 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 2 của cả nước (sau Hà Nội) và được bình chọn 1 trong 10 kết quả nổi bật năm 2021 của tỉnh, vượt xa với mục tiêu của đề án "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030" (đề án đặt ra đến năm 2030, toàn tỉnh có 200 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên); góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã huy động được 137,958 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn...

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh thăm làng nghề thổ cẩm Quỳ Châu. Ảnh: Trân Châu

P.V: Xin ông cho biết vai trò của phát triển OCOP trong xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Nghệ An?

Ông Nguyễn Hồ Lâm: Như chúng ta đã biết, mục tiêu của chương trình Xây dựng nông thôn mới đó là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Muốn đạt được mục tiêu đó thì không còn con đường nào khác là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thực chất là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới. Chương trình cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế di cư ra thành phố, các khu công nghiệp), tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Do vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP là một tất yếu khách quan, đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Sản phẩm chuối sạch đạt OCOP 3 sao ở Tân Kỳ, Nghệ An. Ảnh: Trân Châu

Ngoài ra, cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, OCOP ở Nghệ An đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời, phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Chương trình tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân và thương hiệu OCOP từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Chương trình cũng góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,18%; có 22 xã nông thôn mới nâng cao; có 205 thôn, bản đạt chuẩn; 4 xã đạt NTM nâng cao kiểu mẫu và 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

P.V: Các HTX hiện nay đã phát huy vai trò của mình trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồ Lâm: Đảng ta luôn xác định “Kinh tế hợp tác xã luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế mang tính xã hội, bởi bên cạnh việc cùng sản xuất và kinh doanh, tạo ra thu nhập thì hợp tác xã còn tạo điều kiện cho tất cả các thành viên của mình cùng lao động sản xuất, đóng góp trên cơ sở tự nguyện và được hưởng lợi từ việc lao động của mình.

Công nhân xử lý sản phẩm gà ủ muối ở Nam Đàn. Ảnh: Trân Châu

Trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến tháng 11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 652 HTX nông nghiệp, trong đó có 420 HTX hoạt động có hiệu quả, chiếm 64,41% số HTX toàn tỉnh và tăng 70 HTX so với năm 2021. Với tổng số 153.220 thành viên, doanh thu hàng năm khoảng 625 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 76 tỷ đồng/năm; tổng số cán bộ quản lý của HTX là 2.975 người, trong đó cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 36,90%; Các HTX đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.850 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 42 triệu đồng/lao động/năm.

Toàn tỉnh có 205 chủ thể OCOP thì có 78 chủ thể là HTX (chiếm 39%), đã hỗ trợ, kết nối, bà đỡ cho nhiều sản phẩm OCOP. Nhiều HTX có vai trò lớn như: HTX chanh thiên nhẫn, HTX chuối sạch Tân Kỳ, HTX làng nghề thổ cẩm Thái Hoa Tiến, HTX thủ công mỹ nghệ Môn Sơn (Con Cuông), HTX sen nông nghiệp quê Bác…

Cảc sản phẩm từ Sen của HTX Sen quê Bác. Ảnh tư liệu

P.V: Thời gian tới, ở Nghệ An, các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP cần thêm những điều kiện gì để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường?

Ông Nguyễn Hồ Lâm: Nghệ An là tỉnh rộng lớn và còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP hiện nay đang có chỗ đứng tốt trên thị trường. Để sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục khẳng định thương hiệu, có sự lan toả lớn, các chủ thể cần thực hiện tốt 4 nội dung chính sau:

Trước hết, chủ thể cần nhận thức đúng “sản xuất địa phương hướng tới toàn cầu” trong điều kiện hiện nay việc phát triển sản xuất phải dựa trên quy luật “cung - cầu” thị trường quyết định đến sản xuất.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện sảm phẩm nâng cao giá trị gia tăng, hạ giá thành sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạch tranh của sản phẩm hàng hóa của mình.

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị kể cả trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu; hoàn thiện bao bì, nhãn mác đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm theo mô hình chuỗi, qua đó đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối.

Quá trình thực hiện chương trình, chúng tôi nhận thấy, ở đâu có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình thì ở đó thành công, sản phẩm đó sẽ được gắn sao và đi vào thị trường, phát triển một cách bền vững.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Sản phẩm cà gai leo Pù Mát đạt OCOP 4 sao của Nghệ An. Ảnh tư liệu

Mới nhất

x
Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO