Nghệ An gỡ vướng cho các dự án gói 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội

Châu Lan- Xuân Hoàng 14/03/2024 16:43

(Baonghean.vn) - Tại Nghệ An, ngoài các dự án do doanh nghiệp tự xây dựng phục vụ công nhân, hiện mới có 1 dự án duy nhất có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng...

NỖ LỰC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI Ở NGHỆ AN

Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An là khu kinh tế lớn của tỉnh Nghệ An, hiện có 273 dự án còn hiệu lực, với tổng số cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc tại đây khoảng 38.000 người. Vì vậy, việc tạo quỹ nhà ở và vấn đề nhà ở cho người lao động tại đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của tỉnh, của các cấp, ngành và các doanh nghiệp.

bna-khu-ky-tuc-xa-luxshare-2224.jpeg
Ký túc xá phục vụ công nhân do Tập đoàn Luxshare ICT đầu tư ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Trân Châu

Thời gian qua, để yên tâm đầu tư và đãi ngộ người lao động, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng ký túc xá cho công nhân. Cụ thể, tại KCN VSIP Nghệ An, đã đầu tư xây dựng hoàn thành khu ký túc xá dự án Nhà máy Luxshare ICT (Nghệ An), đáp ứng lưu trú cho khoảng 8.220 công nhân, hiện đã có 1.521 công nhân lưu trú. Bên cạnh đó, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng khu ký túc xá của Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision (Việt Nam), diện tích 2,865 ha và đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 1.200 công nhân.

Tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, với sự quan tâm của nhà đầu tư Hoàng Thịnh Đạt, hiện đang đầu tư xây dựng khu ký túc xá dự án Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng, đáp ứng lưu trú cho khoảng 20.000 công nhân. KCN Hoàng Mai II cũng có quy hoạch bố trí quỹ đất khoảng 50 ha phục vụ cho việc xây ký túc xá cho người lao động đến làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp.

Triển khai gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết, hiện tại, Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN Nghệ An có 4 dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã lựa chọn được chủ đầu tư (đáp ứng cho khoảng 22.300 công nhân), gồm 3 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư và 1 dự án đang triển khai thi công. Cụ thể, 3 dự án đang triển khai của các doanh nghiệp: Công ty CP Xi măng Sông Lam, Công ty CP Điện mặt trời miền Trung MK, Công ty CP Thương mại quốc tế BMC. 1 dự án được duyệt vay vốn là dự án khu nhà ở xã hội tại xã Nghi Xá (Nghi Lộc) do Công ty CP Địa ốc Kim Thi làm chủ đầu tư, đáp ứng 389 căn hộ chung cư là nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cũng cho biết: Thời gian qua, việc bố trí hoặc định hướng bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và các thiết chế của công đoàn luôn được Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam quan tâm thực hiện, thể hiện trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam cũng như quy hoạch phân khu xây dựng (hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng) các khu công nghiệp.

Căn cứ điều kiện cụ thể và nhu cầu thực tế, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam thực hiện trình UBND tỉnh xem xét bổ sung quỹ đất xung quanh khu công nghiệp hoặc điều chỉnh quy hoạch để dành một phần diện tích khu công nghiệp cho việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và các thiết chế của công đoàn. Tuy nhiên, đến nay, quỹ nhà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Đối với gói 120.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh đã ban hành Văn bản số 359/2023 quán triệt, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai thực hiện trên địa bàn. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật danh mục các dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí thụ hưởng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để cho vay, giải ngân. Đối với những dự án đã và đang được triển khai, đã đầy đủ các yếu tố pháp lý cần tập trung cho vay cả nhà đầu tư và người mua nhà, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phát triển.

Về việc giải ngân, đến nay, Nghệ An có 2 dự án đáp ứng điều kiện pháp lý để được tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết 33/NQ-CP (2023). Đó là dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam tại vị trí số 1, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư: Công ty CP Địa ốc Kim Thi); Dự án Cải tạo Khu A Khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh (chủ đầu tư: Công ty CP Đầu tư đô thị Dầu khí Quang Trung).

Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư đô thị Dầu khí Quang Trung chưa có nhu cầu vay vốn ngân hàng do dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, tái định cư. Còn Công ty CP Địa ốc Kim Thi có nhu cầu vay vốn và đã thực hiện các thủ tục đề nghị vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tại ngân hàng.

NHỮNG BẤT CẬP

Với tốc độ thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài như hiện nay ở Nghệ An (tốp 10 cả nước) thì việc dành quỹ đất và nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất bức thiết. Và kết quả về xây dựng nhà ở xã hội như trên hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động có nhu cầu.

Công nhân đang phải thuê trọ nhiều, hoặc phải di chuyển từ nhà xuống các khu công nghiệp khá xa, điều kiện đi lại không đảm bảo, an ninh, trật tự trong các khu trọ cũng còn nhiều bất an, nhất là đối với lao động nữ. Chị Lê Thị Nhung - một công nhân ở khu công nghiệp Nam Cấm, sau quá trình đi và về giữa nhà ở quê (Nghi Lâm- Nghi Lộc) và nhà máy với quãng đường khá xa, đã nghỉ làm để tìm công việc khác phù hợp hơn.

Một số doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh Covid-19 đã nhận ra nhà ở xã hội cho công nhân rất quan trọng, nhất là việc đảm bảo sức khoẻ, không bị đứt gãy chu trình sản xuất.

bna-san-xuat-linh-kien-dien-tu-o-khu-kinh-te-dong-nam-8165.jpeg
Doanh nghiệp sản xuất hàng linh kiện điện tử ở Khu Kinh tế Đông Nam. Ảnh: Trân Châu

Xã Công Thành, huyện Yên Thành, nơi có Nhà máy may An Hưng hoạt động từ nhiều năm nay, luôn sử dụng hàng nghìn lao động. Trong số hàng nghìn lao động đó, phần lớn là người dân địa phương, tuy nhiên, một phần là công nhân từ các huyện khác như Nam Đàn, Đô Lương, thậm chí có cả ngoài tỉnh đến làm việc. Do không có nhà ở xã hội, nên hàng trăm công nhân của nhà máy phải thuê mượn nhà ở trong khu dân cư để sinh hoạt.

Cách Nhà máy may An Hưng gần 1 km, là nơi ở của 4 công nhân gồm: Quốc Anh, Trần Trọng Lộc, Đoàn Hồng Phúc và Đoàn Văn Kiên cùng chung sống trong ngôi nhà cấp 4, được thuê của một hộ dân ở xóm Ngọc Long. Tất cả các công nhân này đều xa quê, trong đó, anh Quốc Anh ở tỉnh Quảng Ninh, anh Lộc ở xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ), anh Phúc và anh Kiên cùng ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). Qua trao đổi được biết, họ thuê ngôi nhà để ở với giá 1,5 triệu đồng/tháng (mỗi người gần 400.000 đồng, chưa kể tiền điện, nước).

bna-cong-nhan-o-yen-thanh-2634.jpeg
Công nhân ở xa thuê trọ nhà dân để sản xuất trong các nhà máy may ở huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

"Nếu nhà máy có nhà ở xã hội thì những công nhân xa nhà, xa quê như chúng tôi sẽ ổn định nơi ở và khi có nhà ăn tập thể thì dành được thời gian nghỉ ngơi, không còn vất vả nấu từng bữa ăn", anh Quốc Anh chia sẻ.

Tại một số khu công nghiệp ngoài Khu Kinh tế Đông Nam như khu công nghiệp Sông Dinh (Yên Thành), khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Tri Lễ... hoặc các khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam nhưng có vị trí độc lập, không gắn liền với các khu chức năng dịch vụ, đô thị (KCN Hoàng Mai I, KCN Hoàng Mai II, KCN Đông Hồi) việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân nằm liền kề khu công nghiệp còn bị động, phụ thuộc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và người lao động.

Bất cập thứ hai, ông Đinh Minh Sơn -Phó phòng Quy hoạch xây dựng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An sẽ hoàn thành 28.500 căn nhà ở xã hội, trong đó, nhà ở cho công nhân là 19.500 nhà. Số lượng này đang khác xa với thực tế hiện nay, nên đề án còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Bất cập thứ ba, là theo ý kiến của một số chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong KKT Đông Nam, các KCN tỉnh Nghệ An, hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn 120.000 tỷ đồng theo Chương trình thuộc Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng có liên quan.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án nhà ở xã hội cho công nhân chủ yếu được triển khai xây dựng tại các khu vực chưa được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch xây dựng các khu chức năng đã được phê duyệt, điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân, do việc kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối ngoại bị hạn chế.

Nghệ An hiện nay thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc dành 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tập trung rà soát, phê duyệt, thẩm định mới hoặc phê duyệt điều chỉnh hoặc bổ sung các đồ án quy hoạch có tính chất khung, định hướng tạo sự đồng bộ, thống nhất, ổn định của các quy hoạch, đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết: Để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Nghệ An cần có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung.

Về bố trí quỹ đất, đối với khu vực chưa có Quy hoạch phân khu xây dựng, cho phép UBND tỉnh quyết định địa điểm thực hiện dự án nhà ở xã hội công nhân theo các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế hoặc quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xã (đã có định hướng quy hoạch đất ở); Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội cho công nhân; Có các giải pháp, biện pháp cần thiết để thúc đẩy việc tiếp cận nguồn vốn, điều kiện giải ngân đối với nguồn 120.000 tỷ đồng theo Chương trình thuộc Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

bna-9802.jpeg
Nhà chung cư ở Khu A Khu chung cư Quang Trung thành phố Vinh tái định cư cho các hộ gia đình. Ảnh: Trân Châu

Điều quan trọng nữa là cho phép áp dụng ngay việc miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất (không phải làm thủ tục xác định giá đất sau đó mới làm thủ tục miễn do đối tượng được miễn 100%).

Trước đó, thực hiện chương trình cho vay nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thực hiện thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội: Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2024, doanh số cho vay lũy kế của chương trình này ở Nghệ An đạt 542,2 tỷ đồng cho 1.394 khách hàng, dư nợ đạt 481 tỷ đồng/1.317 khách hàng.

Đối với chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thực hiện thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: Tính đến thời điểm 31/12/2023 (là thời hạn kết thúc giải ngân chương trình), doanh số cho vay lũy kế của chương trình đạt 382,7 tỷ đồng/869 khách hàng được hỗ trợ vốn để xây mới, sửa chữa nhà ở, dư nợ chương trình đạt 358,8 tỷ đồng.

Mới nhất
x
Nghệ An gỡ vướng cho các dự án gói 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO