Nghệ An: Hàng trăm người dân thức trắng đêm xua đuổi voi rừng

Tiến Hùng - 10/12/2022 10:27
(Baonghean.vn) - Dù hàng trăm người dân và lực lượng chức năng đã dùng nhiều biện pháp xua đuổi, nhưng con voi rừng vẫn không tỏ ra sợ sệt, thong dong ghé thăm từng nhà tìm thức ăn.

Khoảng 0h ngày 10/12, gia đình chị Lương Thị Thái (47 tuổi), ở bản Đôm 1, xã Châu Phong (Quỳ Châu), đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng động lạ. Vội bật dậy, chị Thái hốt hoảng khi thấy con voi rừng đang dùng vòi cố giật tung cửa sổ. Quá hoảng sợ, vợ chồng chị Thái không dám mở cửa ra bên ngoài để hô hoán bà con. Hai vợ chồng chỉ còn cách chắp tay, cầu xin voi rừng.

Người dân hô hoán xua đuổi voi rừng. Clip: Bùi Phúc

Theo người dân, đây là con voi mẹ trong đàn voi chỉ còn sót lại 2 con sinh sống lâu đời tại những cánh rừng tự nhiên ở xã Châu Phong, Châu Hạnh. Sau khi phá cửa sổ nhà chị Thái, con voi này tiếp tục qua nhà của anh Lương Văn Mai (46 tuổi). “Đến nhà anh Mai, nó ngang nhiên vào khu vực bếp lục lọi rồi dùng vòi quật vỡ hũ hèm dùng để nấu rượu. Lúc này, vợ chồng anh Mai mới hô hoán. Người dân trong bản nhanh chóng kéo đến”, chị Bùi Thị Phúc ở bản Đôm 1 nói.

Ngay sau đó, lực lượng của Chi cục Kiểm lâm Quỳ Châu, tổ xua đuổi voi của xã Châu Phong cũng nhanh chóng có mặt ở bản Đôm 1. Lực lượng chức năng cùng hàng trăm người dân bản Đôm 1 đã dùng nhiều biện pháp để xua đuổi voi. Người thì gom củi đốt lửa, người gõ chiêng, người dùng loa để hò hét, thậm chí dùng cả còi hụ nhưng vẫn bất lực. Sau khi ăn no nê hèm của nhà anh Mai, con voi tiếp tục thong dong qua nhà bên cạnh để lục lọi và ăn chuối ngay bên hiên nhà, bất chấp sự xua đuổi của con người.

Con voi rừng ghé vào nhà một hộ dân ở bản Đôm 1. Ảnh: Bùi Phúc

“Đoàn người cứ xua đuổi, còn nó vẫn cứ bình tĩnh ghé thăm từng nhà. Trong đêm qua, nó ghé đến gần 10 nhà dân trong bản. Cũng may là nó không tấn công người”, chị Phúc nói thêm. Theo quan sát của chị Phúc, con voi mẹ này đã gầy hơn nhiều so với trước đây. Những ngày gần đây, chỉ có một mình voi mẹ đi xuống khu dân cư, còn voi con vẫn ở trong rừng.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần qua, voi rừng kéo xuống khu dân cư quấy phá người dân. Theo anh Vi Hải Dương - Tổ phó Tổ xua đuổi voi xã Châu Phong, đêm qua ngoài lục lọi ăn hèm và chuối, con voi này còn giật sập một căn chòi của người dân. Mãi đến gần sáng, hàng trăm người mới xua đuổi được con voi đi vào rừng. Lúc này, có vẻ như nó cũng đã no nê.

“Không hiểu sao bây giờ nó không còn sợ người nữa. Chúng tôi chỉ đứng cách vài mét mà nó cũng không có động tĩnh gì, cứ thong dong vậy”, anh Dương nói.

Con voi rừng vẫn thong dong, không còn sợ người, sợ tiếng còi hụ.

Ông Lê Xuân Đình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu cho hay, trên địa bàn huyện chỉ còn 2 con voi rừng này, chúng sinh sống và hoạt động trong khu vực rừng tự nhiên thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, giáp ranh giữa các xã Châu Hạnh, Châu Phong của huyện Quỳ Châu và xã Châu Hồng của huyện Quỳ Hợp. Trong những 2020 trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên dần bị thu hẹp, cũng như đặc tính sinh hoạt, đàn voi này thường về sát các khu vực sản xuất của một số hộ dân ở xã Châu Hạnh và xã Châu Phong.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, Vườn Quốc gia Pù Mát và chính quyền các xã tuyên truyền cho người dân về các kỹ năng đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đảm bảo công tác bảo tồn 2 con voi rừng và tránh, hạn chế thấp nhất sự xung đột giữa người dân và voi. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu tiến hành cắm biển cảnh báo các khu vực thường xuyên có voi rừng xuất hiện để kịp thời cảnh báo cho người dân biết và chủ động phòng tránh xung đột.

UBND huyện Quỳ Châu đã phải chỉ đạo 2 xã Châu Phong và Châu Hạnh thành lập 2 tổ xua đuổi voi để kịp thời nắm bắt di chuyển của chúng và thực hiện các biện pháp cảnh báo, xua đuổi voi khi chúng xuất hiện gần khu vực sản xuất, canh tác của người dân. Đồng thời, tiến hành rải muối trắng tại các địa điểm voi rừng thường di chuyển qua ở sâu trong rừng tự nhiên, cách xa khu vực sản xuất, canh tác của người dân để hạn chế việc voi thiếu muối và tránh chúng về gần khu vực sản xuất, canh tác của người dân.

Mặc dù đã có những giải pháp để hạn chế voi rừng xuất hiện gần khu vực sản xuất, canh tác của người dân, nhưng trong năm 2022, tần suất xuất hiện gần khu dân cư của đàn voi ngày càng gia tăng. Cụ thể, từ ngày 12 đến ngày 23/10/2022, 2 con voi xuất hiện tại khu vực bản Luồng, bản Huôi Phúng, bản Đôm 1, xã Châu Phong, tại khu vực rừng trồng của các hộ gia đình. UBND huyện đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu và chính quyền xã Châu Phong tiến hành đốt lửa, gõ mõ, phát loa… để xua đuổi voi trở lại trong rừng sâu.

Đến ngày 3/12, voi tiếp tục về khu dân cư để tìm kiếm thức ăn, phá hoại cây trồng và hoa màu của bà con nhân dân bản Đôm 1 và bản Luồng. Đến tối cùng ngày, chúng xuất hiện tại rừng keo gần khu dân cư.

Khoảng 2h sáng 8/12, voi rừng lại tiếp tục xuất hiện tại khe Huôi Hú và đến phá chòi và hoa màu của hộ gia đình ông Vi Văn Hiếu ở bản Luồng. Sau khi bị người dân và lực lượng chức năng xua đuổi, chúng lại di chuyển xuống khu vực khe Canh Cức, Phá Bạt tiếp tục phá hoại hoa màu của gia đình ông Lô Văn Xuân, ở bản Đôm 1. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã phải tổ chức xua đuổi suốt 2 giờ thì voi mới chịu vào rừng. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, chúng thậm chí còn di chuyển xuống Tỉnh lộ 544 và thong dong giữa đường, khiến phương tiện giao thông không dám qua lại.

Để đảm bảo tốt công tác bảo tồn thiên nhiên cũng như đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tránh gây hoang mang, lo sợ cho người dân khi vào rừng. UBND huyện Quỳ Châu đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể, có giải pháp lâu dài, nhằm ổn định cuộc sống người dân trong khu vực và bảo vệ tốt động vật hoang dã theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình có tài sản, hoa màu bị thiệt hại do voi rừng gây ra…

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO