Nghệ An khó khăn trong lập hồ sơ sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp
(Baonghean.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp giai đoạn 2015 – 2017 diễn ra sáng 28/10 tại Hà Nội.
Đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Sau 3 năm thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể với 252 công ty nông, lâm nghiệp.
Sau khi sắp xếp lại, các công ty nông, lâm nghiệp bước đầu sản xuất kinh doanh ổn định hơn; đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng báo cáo tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Văn Trường. |
Tuy nhiên, một số địa phương khi xây dựng phương án tổng thể chưa sát thực tế, chưa đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng về hình thức sắp xếp đổi mới. Vì thế, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, việc triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới đối với hai mô hình là cổ phần hóa và công ty TNHH hai thành viên tại các địa phương rất chậm.
Đến nay, 102 Công ty nông, lâm nghiệp chuyển thành công ty cổ phần tới nay mới chỉ có 18 công ty được phê duyệt phương án cổ phần hóa. 39 Công ty nông, lâm nghiệp chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên đến nay chỉ có 12 công ty nông, lâm nghiệp được phê duyệt phương án.
Tại hội nghị, các địa phương và các sở, ngành đã chỉ ra nguyên nhân việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra. Đó là: Một số địa phương chưa quan tâm hoặc quá chậm khi thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 686/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc thực hiện bàn giao đất từ các công ty về địa phương gặp nhiều khó khăn. Các công ty nông, lâm nghiệp có nhiều tồn tại về tài chính, do công nợ, hàng hóa tồn kho qua nhiều thời kỳ, hồ sơ không đầy đủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết: Đến nay, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu thành Ban quản lý rừng phòng hộ. Tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty TNHH MTV nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với 04 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp. Hiện còn 6 Công ty TNHH MTV nông nghiệp UBND tỉnh đang trình phương án cổ phần hoá đối với 3 công ty và thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên cho các công ty còn lại.
Sở dĩ việc đổi mới sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp của Nghệ An gặp khó khăn là do khối lượng công việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ quá nhiều. Việc xác định Nhà nước có nắm cổ phần khi thực hiện thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên khó khăn...
Vườn ươm của Công ty lâm nghiệp Đô Lương. Ảnh minh họa. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu: Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục quán triệt mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo kế hoạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo đề án được duyệt trong năm 2018.
Đối với các địa phương, đề nghị điều chỉnh, bổ sung phương án đổi mới, sắp xếp cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực hiện.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đổi mới, sắp xếp hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; Tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch việc tiếp nhận đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng. Các Bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới.
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN |
---|