Nghệ An làm gì để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài?
(Baonghean) - LTS: Báo Nghệ An trân trọng đăng tải ý kiến góp ý, đề xuất của PGS.TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an.
1. Lịch sử mách bảo và thực tiễn chứng minh: Mọi quốc gia phát triển nhanh và giàu có đều nhờ thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Singapore, Hàn Quốc chỉ một thế hệ (30 - 35 năm) từ một quốc gia nghèo, lạc hậu trở thành những quốc gia phát triển hàng đầu ở khu vực Đông Á - Tây Thái Bình Dương và vượt trội so với các quốc gia cùng điểm xuất phát (trước đây 30 - 40 năm có trình độ phát triển như nhau).
Trong nước, tỉnh nào, thành phố nào thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI lớn), thì tỉnh đó, thành phố đó phát triển nhanh, đời sống của người dân được đảm bảo ở mức trên trung bình, một bộ phận giàu có bằng lao động chân chính. Phía Nam, nổi bật là Bình Dương, vốn là một tỉnh nghèo, nay giàu có hàng bậc nhất cả nước. Ở phía Bắc, Hưng Yên vốn là tỉnh nghèo nhất đồng bằng Bắc bộ, nhờ thu hút nhiều dự án FDI, nay tỉnh này là giàu bậc nhất khu vực đồng bằng Sông Hồng. Tất nhiên, cần tỉnh táo và với bàn tay sạch trong việc thu hút FDI, nếu không vốn FDI nhiều chưa chắc đã giàu, thậm chí còn chuốc lấy hệ lụy. Đáng chú ý từ bài học Formosa Hà Tĩnh...
Thi công hạ tầng ở Khu kinh tế Đồng Nam. Ảnh: C.L |
2. Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, Nghệ An đã có chuyển biến tích cực trong thu hút vốn FDI. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư lớn, bộ máy Nhà nước địa phương năng động hơn, lo toan cho dân nhiều hơn và đã có một số dự án được triển khai. Nhìn chung bộ mặt xã hội và sức vóc nền kinh tế của Nghệ An đã đổi thay nhiều. Đó là tín hiệu, là mặt được tích cực cần được giữ gìn phát huy.
Thế mặt chưa được, mặt hạn chế của Nghệ An là thế nào?
Để đánh giá đúng những hạn chế, tồn tại của Nghệ An trong thu hút vốn FDI cần đặt kết quả thu được trong hai mối quan hệ: Thứ nhất, là điều kiện tự nhiên và con người; Thứ hai, là Nghị quyết số 26 - NQ 26.NQ/TW của Bộ chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Xin lấy Vĩnh Phúc và Thái Nguyên là hai tỉnh miền núi phía Bắc để so sánh với Nghệ An. Vĩnh Phúc và Thái Nguyên là hai tỉnh miền núi phía Bắc, cách cảng Hải Phòng khoảng 170 km và không có sân bay. Thế mà hai tỉnh này thu hút được nguồn vốn FDI rất lớn, lớn hơn Nghệ An. Nhờ thu hút được nhiều dự án FDI, hai tỉnh này đã thoát nghèo, Vĩnh Phúc thuộc tỉnh giàu. Về giao thông, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không Nghệ An thuận lợi hơn hẳn Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Nghệ An có nhiều trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề hơn Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.
Nếu không thừa nhận Nghệ An thua Vĩnh Phúc trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thì phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên: Nghệ An có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả nhằm thu hút FDI. Nói cách khác, chúng ta đang để cho nội lực của Nghệ An ngủ quá lâu!
Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản thành một tỉnh công nghiệp…”.
Cảng hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: P.V |
Năm 2015 thì qua rồi.
Đến năm 2020, còn 4 năm 3 tháng nữa làm thế nào để Nghệ An “cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp…”? Như vậy, Nghệ An đang mắc nợ với dân (để nguồn lực ngủ quá lâu) và lỡ hẹn với Đảng (không đạt mục tiêu mà NQ.26 của Bộ Chính trị đặt ra).
3. Phải làm gì để thu hút FDI? Các tập đoàn kinh tế nước ngoài căn cứ vào hai nhân tố cơ bản để quyết định đầu tư: Thứ nhất: Thủ tục đơn giản, chính sách, luật pháp rõ ràng và ổn định; Thứ hai: Khả năng sinh lợi - lợi nhuận.
Trước đây 50 năm, năm 1966, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có ý kiến: Muốn thu hút được FDI phải làm 3 việc: Thứ nhất, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, mọi quan chức, công chức đều tận tâm với công việc và liêm chính. Thứ hai, có nguồn nhân lực có tay nghề và thứ ba là cơ sở hạ tầng (giao thông, thông tin liên lạc, dịch vụ y tế, dịch vụ tài chính…) tốt. Trong 30 năm làm Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã thực hiện được 3 điều trên, và nhờ đó ông đã biến Singapore từ một đảo nhỏ bé, nghèo, lạc hậu thành một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới với GDP bình quân đầu người 2015 khoảng 40.000 USD.
Liên hệ với Nghệ An hiện nay. Về cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp Sân bay Vinh và các cảng Cửa Lò, Cửa Hội, nâng cấp hệ thống giao thông (đường bộ) nội tỉnh. Đồng thời hoàn thiện một bước dịch vụ tài chính, viễn thông, y tế. Giải quyết cơ sở hạ tầng là việc khó vì cần nguồn tài chính lớn, nhưng không phải là vấn đề khó nhất.
Về nguồn nhân lực có tay nghề cao, đối với Nghệ An không phải là vấn đề quá khó. Hiện nay Nghệ An có 6 trường đại học. Theo tôi cần đầu tư lớn (huy động vốn từ nhiều nguồn) cho Đại học Vinh và Đại học Y khoa Vinh để nâng cao chất lượng đào tạo. Bốn trường đại học còn lại nên chuyển thành các trường đại học đào tạo kỹ sư thực hành theo mô hình của Đức hay Hàn Quốc.
Một giờ học của lớp Công nghệ ô tô trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Cái cần nhất và cũng là khó nhất là xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước với đội ngũ quan chức, công chức liêm chính và tận tâm với việc chấn hưng Nghệ An. Có phải đây là nút thắt, là “điểm nghẽn” đang cản trở công việc thu hút FDI của Nghệ An?
Tôi đề nghị Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với chủ đề: Làm gì và làm thế nào để thu hút FDI? Mỗi người dân Nghệ An, mỗi cán bộ, đảng viên Nghệ An phải làm gì để khai thông dòng chảy FDI vào quê Bác? Không thể nói chung chung, mà dân đã chán lắm với những hô hào đại ngôn. Phải lấy số lượng và chất lượng dòng vốn FDI đổ vào Nghệ An làm thước đo hiệu quả việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng ta có quyền tự hào là người con của quê hương Xô Viết, quê hương Hồ Chí Minh, thì phải có nghĩa vụ làm cho Nghệ An giàu mạnh và khi Nghệ An “thua chị kém em” thì phải tự ái, phải biết xấu hổ, từ đó tự vượt qua chính mình. Cần vào Hà Tĩnh tìm hiểu để tránh thất bại và vào Bình Dương để biết tại sao họ thành công.
Thiếu tướng Lê Văn Cương -
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học- Bộ Công anTIN LIÊN QUAN