Nghệ An: Nhộn nhịp mùa thu hoạch sắn nguyên liệu

Quang An - Tiến Đông 15/12/2021 15:43

(Baonghean.vn) - Giá sắn được thu mua tại ruộng lên đến 2 triệu đồng/tấn, được xem là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, giúp bà con Nghệ An có thêm thu nhập.

1
Thời điểm này, bà con vùng biên Quế Phong đang tập trung thu hoạch sắn nguyên liệu. Theo thống kê, toàn huyện Quế Phong có 1.200 ha sắn, trồng tập trung tại các xã Châu Kim, Nậm Nhoóng, Châu Thôn... Sắn chủ yếu được trồng trên các sườn đồi dốc nên việc thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tiến Đông
2
Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, bà con vùng cao thường tập trung để giúp nhau thu hoạch sắn, luân phiên từ nhà này đến nhà khác. Ảnh: Quang An
3
Gia đình anh Cụt Văn Thành ở bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng có 3 sào sắn, dự kiến năm nay sẽ có sản lượng khoảng 4 tấn sắn củ, với giá thành hiện tại 2 triệu đồng/tấn (2.000 đồng/kg) sẽ cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ, nhất là trong thời điểm kinh tế của bà con bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ảnh: Tiến Đông
4
Sau khi thu hoạch, sắn được tập kết và đóng thành từng bì để nhập cho thương lái ngay bên đường. Chị Moong Thị Hồng Hà, thương lái thu mua sắn tại huyện Quế Phong cho biết: "Vào ngày cao điểm, chúng tôi thu mua khoảng 40 tấn sắn nguyên liệu để nhập về cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. So với năm ngoái, giá sắn năm nay tăng khoảng 500.000 đồng/tấn" . Ảnh: Quang An
5
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, diện tích sắn trên địa bàn Nghệ An năm 2020 là hơn 13.000 ha, năng suất trên 23 tấn/ha, trong đó, diện tích sắn công nghiệp là 10.232 ha, năng suất 27 tấn/ha. Các huyện có diện tích sắn nhiều gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quế Phong... Ảnh: Tiến Đông
6
Hiện nay, các giống sắn được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh gồm: KM94, KM140, KM60, TC11 (Két măng con), HL-S11 và giống địa phương. Trong đó, giống KM 94 được trồng phổ biến, chiếm khoảng hơn 80% diện tích sắn trên địa bàn, là giống cho hàm lượng tinh bột cao nhất và có khả năng kháng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Quang An
7
Mặc dù vậy, tình hình sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất sắn nhiều nơi còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch, sản xuất đầu tư thâm canh còn hạn chế, dựa trên kinh nghiệm truyền thống, thiếu mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân dẫn đến năng suất còn thấp, dễ gây tình trạng xói mòn, rửa trôi đất nhanh chóng. Sâu bệnh hại phát sinh gây hại nhiều, đặc biệt là các bệnh khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng hại sắn… Ảnh: Quang An

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhộn nhịp mùa thu hoạch sắn nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO