Nghệ An: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 4-4,5%/năm
(Baonghean.vn) - Đây là mục tiêu được Nghệ An dự kiến đặt ra trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Toàn cảnh cuộc họp nghe và cho ý kiến về các dự thảo chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Thu Huyền |
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện.
Nội dung dự thảo gồm 4 phần, trong đó, phần thứ 2 xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 4-4,5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5-5,5%/năm; Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2-2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn phấn đấu đạt 60%...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh trình bày dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Thu Huyền |
Về Dự thảo chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, do sở Kế hoạch và đầu tư chuẩn bị. Mục tiêu đặt ra là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế; thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Hội nông dân Nghệ An Nguyễn Quang Tùng phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ tiêu, nội dung nước sạch trong thực hiện Nghị quyết 19. Ảnh: Thu Huyền |
Theo dự thảo, dự kiến mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 1.000 tổ hợp tác với khoảng 13.000 thành viên, khoảng 1.200 hợp tác xã với khoảng 405.000 thành viên, 6 liên hiệp hợp tác xã với khoảng 50 hợp tác xã thành viên. Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2030 cả tỉnh có trên 150 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt khoảng 12 triệu đồng/tháng...
Đồi chè ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Cho ý kiến vào dự thảo các chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về các nghị quyết Trung ương, tại cuộc họp, các đại biểu tập trung bàn bạc các chỉ tiêu đặt ra; các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với mục tiêu đặt ra là cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền |
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là rất quan trọng, qua đó, phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở ngành, đơn vị liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan soạn thảo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở kế hoạch và đầu tư tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo chương trình. Về kết cấu 2 chương trình hành động, các đơn vị soạn thảo phải theo hướng dẫn của trung ương; các chỉ tiêu đặt ra phải căn cứ các kế hoạch, chương trình, đề án của tỉnh để phù hợp với thực tế. Cần rà soát lại phần nhiệm vụ giải pháp, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng những thuận lợi, khó khăn để có định hướng sát, phù hợp...