Nghệ An sẽ có nhà máy 'biến rác thành… điện'

12/03/2017 09:23

(Baonghean) - Sau quá trình khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng, nhà đầu tư là Công ty JET Nhật Bản đã được UBND tỉnh cho phép triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

Dự án có mục tiêu hướng đến đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Nghệ An, sử dụng công nghệ “nhiên liệu hóa và phát điện xử lý rác thải” để xử lý rác thải, thu hồi nhiệt phát điện năng. Công nghệ này đã được áp dụng thành công ở Indonesia - nơi có điều kiện và thành phần rác tương tự Việt Nam.

Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Nam Sơn (Hà Nội) sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Ảnh: Báo Xây dựng
Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Nam Sơn (Hà Nội) sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Ảnh: Báo Xây dựng

Về mặt kỹ thuật, nhà máy sử dụng công nghệ “nhiên liệu hóa và phát điện xử lý rác thải” sử dụng hệ thống sấy lên men cao tốc, dùng vi sinh bản địa để giảm ẩm và phân loại rác, thân thiện với môi trường.

Theo cam kết của chủ đầu tư, dây chuyền xử lý rác thải tiên tiến mà họ dự định vận chuyển về lắp đặt tại Nghệ An sẽ đáp ứng tiêu chí “5 không”, tức là: không dùng hóa chất điều tiết độ ẩm của rác, không phát sinh mùi hôi, không phát sinh nước thải, phát điện không khói dùng lò hơi sinh khối và đặc biệt, không cần phân loại rác đầu nguồn.

Đại diện cho đơn vị có nhiều giúp đỡ, hỗ trợ Công ty JET Nhật Bản trong quá trình khảo sát, chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, ông Hoàng Văn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nghệ An đưa ra phép so sánh nhỏ để đánh giá hiệu quả lâu dài của dự án:

“Nếu chôn lấp theo cách hiện nay vẫn đang làm, đơn giá xử lý mỗi tấn rác thải chỉ vào khoảng 77.000 đồng. Nhưng nếu sử dụng công nghệ mới của Nhật Bản, đơn giá xử lý rác xấp xỉ 400.000 đồng/tấn. Nhiều người có thể cảm thấy mức giá này hơi cao, nhưng xét về lâu dài lại rẻ hơn rất nhiều. Bởi lẽ, xử lý rác thải theo công nghệ nhiên liệu hóa và phát điện sẽ mang tính dứt điểm, còn cách chôn lấp truyền thống thì sau đó vẫn phải quan tâm xử lý hệ thống nước rỉ rác”.

Một khi đã xây dựng thành công và đi vào hoạt động, dự án còn hứa hẹn những hiệu quả bền vững, lâu dài hơn đối với toàn xã hội. Không thể phủ nhận, nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại này sẽ giúp tiết kiệm quỹ đất so với phương pháp chôn lấp truyền thống hiện nay.

Thi công ô chôn lấp rác thải mới tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Giang.
Thi công ô chôn lấp rác thải mới tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Giang.

Thêm vào đó, dự án hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm rác thải sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn, không những xử lý tốt rác thải mới hàng ngày mà còn “tận dụng” luôn cả rác thải cũ đang tồn đọng để thành nguyên liệu sản xuất điện.

Với lượng rác thải đủ phục vụ vận hành nhà máy ổn định, dần dần sẽ tạo thành chu kỳ khép kín có sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp - tức nguồn điện năng sản sinh từ quá trình xử lý rác.

Và như vậy, ngân sách nhà nước cũng bớt đi một khoản vốn đầu tư vào các bãi chôn lấp rác thải nhỏ lẻ, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, phúc lợi xã hội cũng sẽ được cải thiện bởi nhà máy sẽ cần một lượng lao động đáng kể, và đó sẽ là cơ hội việc làm thu nhập ổn định cho lao động địa phương nếu đáp ứng đủ yêu cầu nhà tuyển dụng, thể hiện được tác phong làm việc chuyên nghiệp trong môi trường công nghiệp.

Tại Hà Nội, hệ thống xử lý rác phát điện đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành từ tháng 12/2016, dưới sự phối hợp của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội và Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO). Với tổng mức đầu tư hơn 645 tỷ đồng, dự án có công suất xử lý 75 tấn rác công nghiệp/ngày, công suất phát điện 1.930kW. Nghệ An là địa phương thứ 2 của cả nước triển khai dự án áp dụng công nghệ này.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An sẽ có nhà máy 'biến rác thành… điện'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO