Nghệ An vận hành thông suốt trung tâm phục vụ hành chính công tại 130 xã, phường
Sau hơn 2 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã ở Nghệ An đã hoạt động ổn định, thông suốt, không để xảy ra gián đoạn. Nhiều địa phương ghi nhận tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn cao; người dân hài lòng, tin tưởng với bộ máy chính quyền mới gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân nhanh chóng, minh bạch và hiện đại hơn.
.jpg)
Chuyên nghiệp, hiện đại
Chỉ sau gần 10 ngày vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cửa Lò đã gây ấn tượng về sự chuyên nghiệp, hiện đại. Từ cách bố trí không gian đến trang thiết bị đều thể hiện sự đầu tư bài bản: Máy tính, máy in, máy scan, mạng nội bộ, wifi miễn phí và đặc biệt là hệ thống dịch vụ công tự động do VNPT cung cấp, được tích hợp đầy đủ tiện ích số phục vụ người dân.
Tại Trung tâm, người dân được hướng dẫn lấy số thứ tự tự động theo lĩnh vực; tra cứu nhanh chóng tình trạng giải quyết hồ sơ; tự động đọc thông tin từ căn cước công dân gắn chip; quét mã QR hồ sơ; màn hình hiển thị tra cứu danh mục thủ tục hành chính, phí, lệ phí, đánh giá chất lượng phục vụ… Tất cả thao tác đều thuận lợi, minh bạch.

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cửa Lò, ông Trần Xuân Vinh cho biết: Địa phương ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực, nắm chắc nghiệp vụ, đồng thời, được “cầm tay chỉ việc” để làm chủ hệ thống phần mềm và quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Chính nhờ sự chủ động và đồng bộ này, hoạt động của trung tâm được vận hành thông suốt, không gián đoạn.
Kết quả minh chứng rõ nét, từ ngày 1 đến ngày 11/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cửa Lò tiếp nhận 493 hồ sơ (trực tiếp 262 hồ sơ, trực tuyến 231 hồ sơ), trong đó, xử lý 448/493 hồ sơ trước hạn, đạt 99,8%; đồng thời, tiếp nhận, xử lý hơn 200 hồ sơ, giấy tờ thuộc các lĩnh vực khác theo yêu cầu của người dân; tiếp nhận và luân chuyển hơn 30 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai.

Không ít người dân ban đầu có tâm lý e ngại về sự chậm trễ hay trục trặc trong giai đoạn chuyển giao mô hình chính quyền mới; tuy nhiên, thực tế đã khiến họ bất ngờ.
Tôi nộp hồ sơ chuyển nhượng đất vào sáng 4/7 thì đến sáng 7/7 đã nhận kết quả đúng hẹn. Mọi việc diễn ra nhanh gọn, minh bạch, không phải đi lại nhiều lần và chờ đợi.
Ông Phan Toàn Thắng ở khối Đoàn Kết, phường Cửa Lò
Tương tự, ông Hoàng Cảnh Tuấn ở khối 2, phường Cửa Lò cho biết: “Cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, chuyên nghiệp; quy trình hiện đại và dễ hiểu, lại có tin nhắn thông báo thời gian tiếp nhận và kết quả, rất tiện lợi, minh bạch và đáng tin cậy. Người dân đến cơ quan công quyền đã được phục vụ thật sự”.
Quyết tâm chung tay cải cách hành chính
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nghĩa Hưng đi vào vận hành trong điều kiện quy mô dân số lớn, hơn 1,5 vạn người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 27%; số cán bộ phục vụ tại trung tâm hạn chế, chỉ 7 biên chế. Với phương châm “Nhanh chóng, công khai, minh bạch, vì nhân dân phục vụ, chung tay cải cách hành chính”, xã Nghĩa Hưng đề cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của cán bộ, công chức theo mô hình “4 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ; đảm bảo nhanh và hiệu quả, không để khoảng trống, làm chậm trễ quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ông Phạm Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nghĩa Hưng cho biết: Địa phương quan tâm đưa người dân cùng tham gia, đồng hành trong cải cách thủ tục hành chính, thông qua việc chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng và đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện tra cứu và nộp hồ sơ trực tuyến, vừa tăng năng lực công nghệ số cho cộng đồng, vừa giảm áp lực cho cán bộ khi đang chủ yếu phải “làm thay” người dân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến.
Bởi vậy, trong vòng gần 10 ngày (từ ngày 1 - 9/7) vận hành trung tâm, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ở địa phương tăng gần 77% và hơn 70% hồ sơ đã được giải quyết, trả kết quả. Ngoài ra, địa phương cũng đã tiếp nhận 36 hồ sơ không thuộc địa giới hành chính xã.

Với xã Quảng Châu, sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, trung tâm phục vụ hành chính công xã đã nhanh chóng ổn định tổ chức, cơ sở vật chất và triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết 100 thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức trên địa bàn (bao gồm cả hồ sơ tiếp nhận không phụ thuộc vào địa giới hành chính), đảm bảo chuyển hồ sơ trong 1 ngày làm việc.
Tính từ ngày 1- 9/7, trung tâm đã tiếp nhận 423 hồ sơ thủ tục, trong đó, đã giải quyết 347 hồ sơ, tỷ lệ trả hồ sơ trước hạn và đúng hạn là 99,1%; có 3 hồ sơ quá hạn, tỷ lệ 0,9% do lỗi hệ thống nên trả chậm. Đáng chú ý, toàn bộ hồ sơ có kết quả đã được số hóa 100%, đảm bảo minh bạch và thuận tiện cho việc tra cứu.
.jpg)
Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Quảng Châu, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết thêm: Địa phương đảm bảo việc chuyển hồ sơ điện tử trong vòng 1 ngày làm việc đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính không thuộc thẩm quyền địa phương để đảm bảo thủ tục của người dân, doanh nghiệp thông qua tiếp nhận của xã đến nhanh cơ quan giải quyết; đồng thời, kết nối bưu điện để trả kết quả tại nhà theo nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, thành lập tổ hỗ trợ tiếp nhận thủ tục hành chính và tổ ứng cứu công nghệ - nghiệp vụ tại xã để hỗ trợ người dân trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả vận hành trung tâm, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, với nhiều thủ tục hành chính được phân cấp cho xã giải quyết, trong đó có những thủ tục mới và khó.

Xác định rõ trung tâm phục vụ hành chính công là nơi trực tiếp kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, vừa là “bộ mặt”, vừa là “trái tim” của bộ máy hành chính trong thực hiện mục tiêu lấy người dân làm trung tâm phục vụ; bởi vậy, đây là một trong những nhiệm vụ được các địa phương ưu tiên tập trung khi bộ máy hành chính mới đi vào hoạt động trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Văn phòng UBND tỉnh.
Sau hơn 2 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở Nghệ An, bước đầu đã khẳng định rõ tính hiệu quả gần dân, sát dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân qua trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã; đặc biệt, không có tình trạng “bỏ trống” trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại các địa phương.

Theo báo cáo từ Văn phòng UBND tỉnh, qua theo dõi trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã có phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính do người dân, doanh nghiệp giao dịch và phát huy vai trò là “trái tim” kết nối chính quyền với nhân dân.
Cụ thể, tính từ ngày 1 - 10/7, toàn tỉnh đã tiếp nhận 27.676 hồ sơ, thủ tục hành chính. Trong đó, cấp tỉnh tiếp nhận 10.548 hồ sơ (trực tiếp 1.209 hồ sơ, trực tuyến 1.141 hồ sơ và số hồ sơ kỳ trước chuyển sang 8.198); cấp xã tiếp nhận 17.128 hồ sơ, chiếm hơn 60% tổng số hồ sơ toàn tỉnh, bao gồm cả số hồ sơ kỳ trước chuyển sang ở cấp tỉnh.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt hơn 65%, phản ánh hiệu quả bước đầu của hệ thống giải quyết thủ tục hành chính 2 cấp.
Nhìn chung, trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã ở Nghệ An đã và đang khẳng định là “mắt xích” quan trọng trong bộ máy chính quyền 2 cấp, thể hiện rõ dần sự hiệu quả, hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm. Kết quả đó kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa cải cách hành chính ở Nghệ An lên tầm cao mới; trong đó, trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã sẽ thực sự trở thành “một cửa gần dân, vì dân”.