Nghề ép dầu lạc ở Thanh Chương chạy hàng, được giá
Huy Thư - 04/07/2023 17:20
(Baonghean.vn) - Mỗi mùa lạc về, nghề ép dầu lạc ở Thanh Chương lại hoạt động tấp nập. Dầu lạc được giá, không phải mang đi chợ vẫn đông khách đến đặt mua.
Những ngày này, các cơ sở ép dầu lạc ở làng Tú Viên, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương hoạt động khá nhộn nhịp. Một số hộ phải thuê thêm nhân công thời vụ ở địa phương để nhặt lạc, đóng bánh... với tiền công trên dưới 200.000 đồng/ngày. Nguồn lạc nguyên liệu của các cơ sở ép dầu do lái buôn cung cấp với giá 35.000 - 36.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư Bà Nguyễn Thị Nữ (50 tuổi) - người làm nghề ép dầu lạc có uy tín trên địa bàn chia sẻ, để dầu lạc có chất lượng tốt đòi hỏi lạc nhân phải sạch, hạt to, đều, được lựa chọn kỹ. Khi hông, lạc phải chín tới, không để quá lửa. Việc gìn giữ vệ sinh trong quá trình ép dầu cũng quan trọng không kém. Ảnh: Huy Thư Hiện làng Tú Viên có khoảng 15 hộ dân theo nghề, tập trung ở xóm 2, xã Thanh Lương. Trong đó, có những hộ làm quy mô, hoạt động quanh năm, một số hộ hoạt động thời vụ, nhỏ lẻ. Trước đây làm nghề ép dầu lạc khá vất vả vì phương tiện, dụng cụ thô sơ. Nay các hộ đều đầu tư mua sắm nhiều loại máy: Máy bóc lạc, máy xay bột, máy ép... Ảnh: Huy Thư Bà Ngô Thị Trung (60 tuổi) - hộ dân làm nghề ép dầu lạc có tiếng trong làng chia sẻ: Mùa này, nhà bà thường xuyên dự trữ vài tấn lạc vỏ trong nhà. Ngày sản xuất cao điểm khoảng 100 lít dầu. Ngoài ép dầu để bán, nhà bà Trung còn làm dịch vụ ép thuê. Thời điểm này, người dân mang lạc đến ép dầu đông. Phí ép dầu là 10.000 đồng/lít. Nhiều hôm, làm cả ngày, cả đêm cũng không kịp. Ảnh: Huy Thư Lạc sau khi hông sẽ được gói thành từng bánh tròn, mỏng như chiếc đĩa để tiện cho việc ép dầu. Vật dụng dùng để gói bột lạc phải là bao bì sạch, bền, đảm bảo dùng được nhiều lần. Ảnh: Huy Thư Theo các cụ cao tuổi trong vùng, ngày trước, làm được một mẻ dầu lạc khá kỳ công, cả nhà phải thức đêm bóc lạc hoặc đổ lạc ra sân dùng trục lúa để lăn cho vỡ, sau đó dùng cối đạp để giã lạc nhân cho nhỏ. Khi ép dầu phải dùng đá, dùng đòn bẩy, vừa cực nhọc, tốn công sức, lại không năng suất. Trong ảnh: Dùng đĩa làm khuôn để gói bột lạc. Ảnh: Huy Thư Hiện nay, phần lớn các hộ làm nghề đang dùng máy ép thủ công. Mỗi nhà thường có 2 -3 cái che ép. Mỗi che tùy kích thước có thể ép được 30 – 40 bánh. Những che lớn có thể ép được 28 – 30 kg lạc nhân/lần. Mỗi mẻ ép kéo dài từ 1 – 1,5 tiếng đồng hồ. Ảnh: Huy Thư Việc dùng che ép dầu bằng kích hơi khá nhẹ nhàng và cơ động. Theo bà con cứ 15 kg lạc vỏ hay 11 kg lạc nhân sẽ ép được 5 lít dầu. Ảnh: Huy Thư Ông Nguyễn Sỹ Cát là người tiên phong của làng áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng dây chuyền ép dầu công nghiệp. Ông đã mua sắm 2 dây chuyền ép dầu công nghiệp với kinh phí hàng trăm triệu đồng, mỗi ngày có thể xử lý hết 1 tấn lạc nhân. Ưu điểm của dây chuyền này là giải phóng được sức lao động, năng suất cao, cho lượng dầu nhiều... Ảnh: Huy Thư Giữa thời buổi loạn hóa chất, dầu lạc của làng Tú Viên là sản phẩm tự nhiên, có màu vàng sánh, mùi thơm đặc trưng, đảm bảo chất lượng, được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm làm ra không phải mang đi chợ để bán, mà thường được khách hàng đến tận nơi để mua. Giá dầu lạc bán ra của các cơ sở là 110.000 đồng/lít (550.000 – 570.000 đồng/can 5 lít, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 100.000 – 120.000 đồng/can). Ảnh: Huy Thư Ngoài ép dầu lấy lãi, lấy tiền công, nghề ép dầu còn cho một sản phẩm khác là khô dầu. Trung bình 10 kg lạc nhân sau khi ép sẽ cho 6kg bánh khô dầu. Những hộ làm nghề ép dầu kiêm chăn nuôi gia súc, gia cầm thì khô dầu là một nguồn thức ăn tốt có thể dùng để nuôi lợn, trâu, bò, gà, vịt… Giá khô dầu hiện tại là 11.000 đồng/kg, nhưng cũng khá khan hàng. Ảnh: Huy Thư
Ép dầu lạc thủ công ở làng Tú Viên. Video: Huy Thư