Nghị lực của người phụ nữ tàn tật đam mê hội họa

Huy Thư - 06/07/2022 16:40
(Baonghean.vn) - Mặc dù tàn tật, chân tay co quắp, di chuyển khó khăn, nhưng chị Trần Thị Hiền (40 tuổi) ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương vẫn lạc quan, chăm chỉ lao động để sáng tạo những tác phẩm hội họa đẹp mắt, hấp dẫn. Tấm gương vượt lên nghịch cảnh của chị khiến nhiều người phải cảm phục.

Thành người tàn tật sau cơn bạo bệnh

Có mặt ở nhà chị Trần Thị Hiền vào một buổi chiều khi chị đang triển khai một tác phẩm mới của mình. Bên chiếc bàn cũ kê sát cửa ra vào, cạnh đôi nạng gỗ, chị miệt mài ngồi vẽ, sửa.

Nhìn chị ngồi vẽ rất khó nhọc, hai bàn tay co quắp, thao tác cầm bút, cầm giấy, điều chỉnh điện thoại để xem mẫu thật khó khăn. Tuy nhiên, chỉ qua những nét phác thảo ban đầu, hình ảnh nhân vật đã dần xuất hiện trên trang giấy. Chị Hiền chia sẻ: “Mình đã gắn bó với công việc này gần 3 năm rồi. Với một người tàn tật, mình phải tự khắc phục những khó khăn, phải lạc quan, cố gắng mới làm việc được”.

Chị Trần Thị Hiền bên góc làm việc tại nhà. Ảnh: Huy Thư

Những năm qua, người dân xóm Thuận Đông, xã Thuận Sơn đã quen với hình ảnh người con gái tàn tật của ông Trần Doãn Khươm hàng ngày miệt mài, cặm cụi ngồi vẽ ở gian ngoài ngôi nhà cũ.

Chị là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Hồi nhỏ, lúc đang còn là học sinh, chị thích vẽ, bao nhiều vở cũ, báo cũ đều được chị đưa ra vẽ tranh và dán khắp nhà. Chị ước mơ sau này lớn lên sẽ làm họa sỹ. Nhưng mong ước đó của chị đã bị gián đoạn bởi một “trận ốm thập tử nhất sinh”.

Chị Hiền nhớ lại, năm đó mới học lớp 7, đúng dịp địa phương chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1996, sau khi đi duyệt Đội về, chị bị cảm sốt phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Từ bệnh viện huyện chị được chuyển xuống bệnh viện tỉnh. Sau 3 tháng điều trị, bệnh tình của chị ngày một nặng hơn. Bác sỹ nói chị bị cảm hàn biến chứng. Mặc dù được chỉ định chuyển tuyến, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa đi Hà Nội, đành phải đưa chị về nhà chữa trị.

Hàng ngày, chị Hiền thường ngồi vẽ dưới góc nhà. Ảnh: Huy Thư

Lúc đó, không ai tin chị có thể sống được vì “người lúc tỉnh, lúc mê, thường xuyên nằm ngửa trên giường”. Nghe ai bảo ở đâu có thuốc hay là cha mẹ chị lại chạy vạy để kiếm về cho chị uống. Nhờ may mắn, chị đã thoát hiểm, nhưng từ một người bình thường, chị đã trở thành người tàn tật, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân, việc học hành của chị cũng phải gác lại từ đó.

Chị Hiền cho biết, cách nay 10 năm, gia đình đã đưa chị ra Lạng Sơn thăm khám tại nhà một lương y có tiếng. Sau 2 năm uống thuốc “qua đường bưu điện” và nhờ sự cố gắng luyện tập của bản thân, sức khỏe của chị có tiến triển hơn và chị đã di chuyển được bằng nạng gỗ, tuy còn yếu và khó khăn, nhưng đó cũng là sự vui mừng khôn xiết đối với chị và gia đình.

Quyết chí theo đuổi đam mê

Là một người luôn trăn trở về bản thân, về gia đình, chị không muốn hàng ngày chỉ ngồi tựa cửa nhìn ra. Năm 2019, khi em trai chị đi làm và dành tiền mua tặng chị 1 chiếc điện thoại hãng Samsung, chị đã mò mẫm học cách lên mạng, tìm hiểu hội họa và từng bước học nghề vẽ tranh.

Chị đã kết nối được với 1 người thầy vẽ tranh truyền thần ở tỉnh Bình Dương và xin học khóa vẽ tranh online 6 tháng. Sau khi nghe chị trình bày hoàn cảnh, anh Nguyễn Văn Huy – thầy dạy vẽ của chị đã đồng ý cho chị học miễn phí.

Đôi tay co quắp của chị đã vẽ nên những tác phẩm đẹp. Ảnh: Huy Thư

Những ngày đầu tập tễnh theo học nghề vẽ tranh qua mạng, chị đã nhận được sự cổ vũ động viên của nhiều người. Đoàn xã Thuận Sơn, Nhóm Thiện nguyện “Những tấm lòng nhân ái Đô Lương” đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ học cụ giúp chị có thêm động lực để học tập.

Chị Hiền chia sẻ, trong lớp học vẽ năm đó có đông học viên, nhưng chỉ mỗi chị là người tàn tật, lại ở xa, nên chị rất lo. 3 tháng đầu của khóa học khá chật vật vì chị không theo được mọi người. Có lúc, chị tưởng mình phải bỏ cuộc, nhưng rồi nhờ sự động viên của thầy, của các bạn trong lớp chị đã vượt qua.

“Người bình thường học trực tiếp có thể dễ tiếp thu hơn. Mình là người tàn tật lại học gián tiếp qua mạng nên phải nỗ lực gấp nhiều lần” - chị Hiền nhớ lại.

Sau khóa học, chị đã tự tin và bắt đầu bước vào nghề vẽ chân dung truyền thần ở nhà, bằng việc trải nghiệm thực tế “ăn rồi ngồi vẽ”. Dụng cụ hành nghề của chị khá đơn giản, chỉ có chiếc bàn nhỏ, mấy cây bút chì, những mẩu than, những tập giấy và chiếc điện thoại cũ. Chị miệt mài vẽ bằng cả đam mê và háo hức. Mỗi tác phẩm sau khi hoàn thiện được chị treo trang trọng trong nhà và chụp ảnh đăng lên tường cá nhân.

Cha chị - ông Trần Doãn Khươm đã dành hẳn gian ngoài ngôi nhà cũ vốn là nơi tiếp khách của gia đình để làm "phòng tranh" cho cô con gái thỏa niềm đam mê. Chị vẽ khá nhiều tranh với gam màu đen trắng, đó là chân dung các danh nhân, lãnh tụ nổi tiếng (Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Các Mác, Lê Nin), các cầu thủ bóng đá, ca sĩ, diễn viên…

Dưới ngôi nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian, những bức tranh của chị treo thành từng dãy dài, ánh lên vẻ đẹp đặc biệt. Đến thăm gia đình, xem chị vẽ, ngắm những tác phẩm của chị, nhiều người không khỏi cảm phục nghị lực vươn lên của người phụ nữ tàn tật.

Đôi nạng gỗ đơn sơ gắn bó với chị hơn chục năm qua. Ảnh: Huy Thư

Chị cho rằng, học vẽ truyền thần là công việc phù hợp với sở thích, năng khiếu và sức khỏe của bản thân. Theo chị một bức vẽ đẹp là phải vẽ giống mẫu, tươi sáng, có hồn. Để vẽ được những bức tranh “thần thái” như thế, đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, kỹ thuật, cũng như sự dụng công, khổ luyện.

Mỗi bức tranh, chị thường vẽ 2 ngày mới xong. Một số tác phẩm cần gấp chị phải vẽ cả đêm. Tính từ ngày bắt đầu vào nghề đến nay, chị đã vẽ được hàng trăm bức tranh truyền thần “vừa ý”.Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần yêu quý, mà chị Hiền đã dành cả tình cảm và tâm huyết.

Vượt qua khó khăn

Tiếng lành đồn xa, sau những ngày đầu cặm cụi, đã có nhiều khách hàng liên hệ đặt chị vẽ tranh. Chỉ cần gửi 1 tấm ảnh qua điện thoại là chị có thể vẽ được. Mỗi tác phẩm sau khi hoàn thành, chị tự tay đóng khung, gói buộc cẩn thận. Cha chị là người vận chuyển những bức tranh này đến bưu điện để gửi cho khách. Nhận được tác phẩm của chị, khách hàng đều tấm tắc khen. Ngoài tiền công, nhiều người còn gửi thêm cho chị tiền “bo". Có người không nhờ chị vẽ tranh, nhưng biết hoàn cảnh của chị cũng đã gửi quà động viên.

Vợ chồng ông Khươm thương con và mừng thầm bởi những thành công bước đầu của chị. Ông Khươm nói: "Người bình thường có thể bỏ nghề này học nghề khác, nhưng Hiền là người tàn tật, đã vượt lên bệnh tật để học nghề, làm nghề thì phải yêu lấy nghề đã chọn, gia đình luôn ủng hộ hết mình".

Từ khi học nghề và hành nghề vẽ truyền thần, chị cảm thấy cuộc đời mình vui hơn, sống có ý nghĩa hơn. “26 năm vật lộn với bệnh tật, trong đó, một thời gian dài chỉ ngồi trước nhà nhìn ra ngõ, mình cảm thấy rất buồn. Nay có công việc khuây khỏa, quen biết nhiều người… Đặc biệt là mình đã làm được nghề yêu thích, có thêm thu nhập để thuốc thang và đỡ đần cha mẹ” – chị Hiền chia sẻ.

Gia đình ông Khươm làm 3 sào ruộng và chăn nuôi, tần tảo quanh năm cũng không đủ tiền thuốc thang cho vợ và các con. Bà Chu Thị Cúc (63 tuổi), mẹ chị bị bệnh tim, sau khi phẫu thuật, hàng tháng phải đi tái khám để uống thuốc. Anh trai và em dâu chị Hiền cùng lúc đều bị ung thư tuyến giáp.

Bản thân chị, căn bệnh viêm đa khớp vẫn luôn hành hạ. Ngày thường, chân tay co quắp, cử động, đi lại, làm việc khó khăn. Mỗi khi thời tiết thay đổi, các khớp xương sưng vù, chị bị đau nhức toàn thân, không thể ngồi vẽ được và luôn phải dùng thuốc giảm đau. Hoàn cảnh, bệnh tình là vậy, nhưng chị vẫn luôn cố gắng với tinh thần lạc quan: “Buồn tủi cũng chẳng giải quyết được gì, phải vui vẻ chấp nhận để sống”.

Chân dung cầu thủ quê nhà Công Phượng do chị Hiền vẽ khiến nhiều người thích thú. Ảnh: Huy Thư

Vượt lên hoàn cảnh, chị luôn có ý thức cầu tiến, học hỏi không ngừng. Niềm hạnh phúc lớn nhất lúc này của chị là được vẽ với đam mê. Nói về mong ước của mình, chị Hiền cho biết: “Mình không dám mơ ước gì xa vời, chỉ mong có sức khỏe ổn định, để được vẽ nhiều hơn, có thu nhập để trang trải chi tiêu cho bản thân, đỡ đần cho cha mẹ là được rồi. Hiện tại, mình mong có một chiếc xe lăn điện để tự tay lái xe đi trên đường làng, vì xe lăn thường, tay mình co quắp không đẩy bánh xe lăn được, muốn đi ra ngoài xóm, phải có người thân đẩy xe”.

Con đường phía trước của chị còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với nghị lực, cố gắng của bản thân, hy vọng cô “họa sỹ đồng quê” sẽ vượt qua, để sống với đam mê và vẽ được nhiều tác phẩm làm đẹp cho đời.

Nghị lực vượt khó của cô gái tàn tật đam mê hội họa. Video: Huy Thư

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO