Ngoại trưởng Nhật thăm Nga: Vẫn cần có nhau

23/09/2015 09:08

(Baonghean) - Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm Nga 4 ngày nhằm thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật sắp tới của của tổng thống Nga Vladimir Putin. Gạt sang bên những bất hòa liên quan tới chủ quyền lãnh thổ kéo dài đã lâu, xu hướng đối thoại giữa Nhật Bản và Nga vẫn đang lên ngôi. Cả hai nước vẫn đang có trong tay nhiều chủ đề hợp tác tiềm năng cho tương lai.

Ngoại trưởng Nga - Nhật thảo luận về hiệp ước hòa bình. Ảnh: Sputnik
Ngoại trưởng Nga - Nhật thảo luận về hiệp ước hòa bình. Ảnh: Sputnik

Ưu tiên đối thoại

Chủ đề lớn nhất trong cuộc gặp vừa qua giữa Ngoại trưởng Kishida với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vẫn là vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Kishida đã bày tỏ lấy làm tiếc về một loạt chuyến thăm của Thủ tướng Dmitry Medvedev và các Bộ trưởng Nga hồi tháng 8 tới các hòn đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Nga gọi là quần đảo Nam Kuril. Theo ông, hai nước cần thảo luận về một giải pháp có thể chấp nhận được trên cơ sở tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị cấp cao Nga - Nhật hồi năm 2013.

Thừa nhận rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn luôn là chủ đề khó khăn nhất giữa hai nước, nhưng Ngoại trưởng Nhật Bản vẫn mong muốn sớm tìm ra một bước đột phá nhằm mở đường cho một hiệp ước hòa bình giữa hai nước - một văn bản được trông đợi kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Và phía Nhật đã đạt được mục tiêu này khi tại cuộc họp vừa qua, hai bên nhất trí nối lại các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng về một hiệp ước hòa bình vào ngày 8/10 tới. Về phía Nga, Ngoại trưởng Nga Lavrov thừa nhận, quan hệ giữa hai nước đã bị “đóng băng” trong những tháng vừa qua, đồng thời nhấn mạnh, cả Nga và Nhật Bản đều phải làm nhiều hơn nữa để mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế.

Những lợi ích không thể bỏ qua

Những tín hiệu này đang cho thấy, cả Nhật Bản và Nga đều ý thức được sự cần thiết phải thu xếp những bất đồng, tranh chấp về lãnh thổ và tìm kiếm cách tiếp cận mới cho mối quan hệ song phương. Trước hết là việc hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc song phương, bất chấp những tuyên bố chủ quyền rất mạnh mẽ. Kể từ khi trở lại vị trí Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Nga Putin nhiều lần, trong đó phải kể đến chuyến thăm mang tính lịch sử của ông Abe tới Nga vào tháng 4 năm 2013.

Kể từ đó, hai bên đã chính thức mở ra các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các cuộc tranh chấp lãnh thổ, đồng thời thiết lập khuôn khổ đối thoại 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước. Đây là một hiện tượng hiếm có vì Nhật Bản chỉ duy trì đối thoại 2+2 với hai đồng minh khác là Australia và Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản là đối tác đối thoại 2+2 duy nhất của Nga ở châu Á. Sự xích lại gần nhau này có thể được lý giải dưới góc độ lợi ích quốc gia. Với Nhật Bản, Nga luôn là một đối tác quan trọng tại khu vực và với tiếng nói có trọng lượng của Nga trong các vấn đề nóng của thế giới với tư cách là nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc - có thể là một lợi thế cho Tokyo trên con đường tìm một vị trí quan trọng hơn trên bản đồ chính trị thế giới.

Về phía Nga, cuộc đối đầu với phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ucraina đã buộc cường quốc này phải quay sang châu Á - một địa bàn chiến lược mới, nơi đang ẩn giấu nhiều tiềm năng hợp tác.

Thứ nhất, Nhật Bản hiện đang là một thành viên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, nhóm đang “tẩy chay” và áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Moscow. Vì thế, duy trì kênh đối thoại và hợp tác với Tokyo sẽ giúp Nga mở cánh cửa với các thành viên phương Tây trong nhóm G7.

Thứ hai, ngành năng lượng của Nga đang chuyển đổi ngoạn mục, với việc phát triển các tuyến đường ống trực tiếp sang châu Á qua đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương. Nga dự kiến tăng gấp đôi sản lượng dầu và khí xuất khẩu sang châu Á trong 20 năm tới như một phần trong chiến lược chuyển các tuyến xuất khẩu dầu và khí ra khỏi châu Âu. Đây là cơ hội cho Nhật Bản, nước đang buộc phải nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hạt nhân vốn tồn tại nhiều rủi ro. Vì thế, Nhật Bản có thể là một đối tác không tồi, thậm chí có thể bổ sung cho nền kinh tế Nga.

Hiện Tập đoàn Gazprom và bộ Tài nguyên - Năng lượng Nhật Bản đang thảo luận về việc Nga cung cấp khí đốt cho Nhật Bản, trong đó có khả năng Nhật tham gia xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên tại Vladivostok, từ đó giúp nước này được mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga, ngoài lượng khí đốt được khai thác từ quần đảo Sakhalin. Điều này sẽ giúp Nga đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường khí đốt toàn cầu.

Hơn nữa, việc chấp nhận sự giúp đỡ của Nhật Bản là một phần của chương trình hiện đại hóa các mối quan hệ đối tác lớn hơn của Nga. Nga hy vọng sẽ thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào vùng Viễn Đông nơi đang cần tăng tốc phát triển. Ngoài ra, Moscow cũng không giấu giếm ý định tìm kiếm nguồn đầu tư từ Nhật Bản vì Nga không muốn bị lệ thuộc các nguồn đầu tư độc quyền của Trung Quốc vào hệ thống các cơ sở năng lượng châu Á của Nga.

Những dấu hiệu “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc thời gian vừa qua là tín hiệu cảnh báo rõ ràng với Nga trong việc đa dạng hóa đối tác làm ăn và cân bằng mối quan hệ kinh tế trong dài hạn.

Gạt sang bên những tranh chấp và sự “đóng băng” quan hệ cả Nga và Nhật Bản vẫn duy trì các kênh đối thoại ở cấp cao để tìm kiếm những khả năng hợp tác. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tới Nga và rất có thể cả chuyến đi Nhật Bản của Tổng thống Putin vào cuối năm đang hướng tới những cơ hội đó.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Ngoại trưởng Nhật thăm Nga: Vẫn cần có nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO