Ngư dân Huế bán 200 tấn cá sạch trong 3 ngày
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ăn hải sản cùng người dân, cấp giấy chứng nhận hải sản sạch cho hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Ngày 3/5, ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các điểm tiêu thụ hải sản đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Ngoài điểm bán hải sản an toàn tại siêu thị Co.op Mart Huế, Sở Công Thương tỉnh đang tổ chức các điểm tiêu thụ cá biển đánh bắt xa bờ tại các chợ và các siêu thị lớn khác trong phạm vi toàn tỉnh.
Điểm thu mua cá sạch cho ngư dân tại siêu thị Co.op Mart Huế. Ảnh: Đắc Đức. |
Cụ thể, để trấn an người dân và tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, trong sáng 2/5 Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế đã tổ chức điểm bán cá sạch tại siêu thị Co.opmart Huế, 0,5 tấn cá đã bán hết trong vài giờ đồng hồ. Dự kiến mô hình này sẽ được nhân rộng đến các chợ đầu mối của tỉnh trong thời gian tới. Ngoài ra, Phó chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng giám đốc các sở, ngành đã cùng người dân ăn hải sản ngay tại điểm bán cá sạch.
Cùng ngày, đại diện Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế cũng cho biết đã cấp giấy chứng nhận hải sản sạch cho 30 tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn. Các loại cá do ngư dân đánh bắt đều được chứng nhận hải sản sạch thông qua việc cung cấp các tọa độ vùng biển sạch cho ngư dân khai thác và hải sản khi vào bờ được kiểm tra, kiểm nghiệm trước khi xuất bán. Theo đó, hơn 200 tấn cá do tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ đã được thương lái, siêu thị thu mua hết trong 3 ngày vận động ngư dân vươn khơi bám biển.
Trong khi đó, ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết hiện việc lấy mẫu được tiến hành liên tục tại nhiều vùng biển để phục vụ du lịch, nuôi trồng thủy hải sản. Việc lấy mẫu cũng rất khắt khe, đồng thời gửi cho Tổng cục Môi trường để đối chiếu kết quả. Các kết quả phân tích đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của sở này. “Kết quả phân tích 10 chỉ số đối với mẫu lấy ngày 30/4 cho thấy tất cả đều đạt tiêu chuẩn cho phép”, ông Thông khẳng định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định hỗ trợ gạo và giãn nợ, thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị thu mua cá tiêu thụ trong 6 tháng; giảm lãi, giãn nợ và khoanh nợ cho các chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao yêu cầu các địa phương thống kê thiệt hại, khó khăn của ngư dân để triển khai hỗ trợ gạo trong thời gian từ một đến 1,5 tháng với mức hỗ trợ khoảng 15kg mỗi nhân khẩu. Ngân sách này do địa phương tự cân đối.
Ngư dân tại cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang) hào hứng vươn khơi khi số hải sản đánh bắt được sẽ có nơi tiêu thụ ổn định. Ảnh: Đắc Đức. |
Trước đó, thống kê thiệt hại từ ảnh hưởng của việc cá chết, Huế bị thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng cá nuôi, riêng thiệt hại về đánh bắt thủy hải sản bị ngưng trệ thì không thể tính được.
Tại Đà Nẵng, trong sáng 3/5, Sở Nông nghiệp đã mờ bán 50 điểm cá sạch tại 50 chợ. Nhiều người dân tin tưởng đã đến mua, nhờ đó 4 tấn cá sạch đã được bán hết chỉ trong buổi sáng. Nhiều người đi chợ muộn đã không còn cá để mua.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng, cho biết thấy cá sạch bán chạy nên số lượng tiểu thương đăng ký nhận hải sản sạch để bán trong sáng 4/5 tắng gấp 3 lần so với hôm nay. Phía Sở sẽ mở thêm điểm bán nhưng chưa chắc chắn có đủ nguồn cá sạch cung ứng hay không.
Từ đầu tháng 4 đến nay, hơn 70 tấn cá biển chết dạt vào bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế khiến người tiêu dùng lo lắng không mua cá, tiểu thương và ngư dân cũng khốn đốn hơn. Đà Nẵng cũng xuất hiện tình trạng cá chết rải rác. Lãnh đạo cấp bộ và nhiều địa phương đã xuống tắm biển, ăn hải sản để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng. Nguyên nhân cá chết vẫn đang được điều tra.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|