Người Anh hùng đặt mìn cầu Công Lý và chuyện 'trở mặt' của chính quyền Sài Gòn
(Baonghean.vn)- Biết tin Nguyễn Văn Trỗi đang chờ ngày thi hành án tử hình, du kích Venezuela bắt một trung tá Mỹ ngay trên đường phố Thủ đô Caracat để trao đổi. Tuy đã thỏa thuận, nhưng chính quyền Sài Gòn trở mặt, lật lọng.
Từ thanh niên làm bún đến chiến sĩ biệt động
Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi (1/2/1940-15/10/1964) - một chiến sỹ biệt động quả cảm, người cộng sản kiên trung, với hình ảnh hai cánh tay khi đã bị trói chặt vào cột ở pháp trường trước giờ phút tử hình, mắt vẫn sáng ngời, nhìn thẳng vào quân thù, hô vang những khẩu hiệu đanh thép, đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. |
Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Vì gia cảnh khó khăn nên mới hơn 10 tuổi, Nguyễn Văn Trỗi đã phải đi làm thuê cho một lò bún trong làng, kiếm tiền phụ giúp gia đình, sau đó theo anh trai là Nguyễn Văn Toàn đến vùng đất Đà Nẵng, vừa lao động kiếm sống vừa tranh thủ học nghề thợ may.
Chân dung Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. |
Hè năm 1956, mới 16 tuổi nhưng Nguyễn Văn Trỗi tỏ rõ bản lĩnh và ý chí một nam nhi không chấp nhận cuộc sống tầm thường, lén mua vé tàu thủy, rồi một mình rời Đã Nẵng vào Sài Gòn lập thân, lập nghiệp.
Mới đến Sài Gòn, anh ở trọ trong nhà một người đồng hương, ban ngày đi làm thuê, đêm đạp xích lô, tranh thủ học nghề điện, rồi trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán (nhà máy điện cổ nhất Sài Gòn, thực dân Pháp xây dựng từ năm 1896).
Khoảng giữa năm 1963 (có tài liệu viết là đầu năm 1964), anh gia nhập tổ chức, trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn.
Tháng 10/1963, anh về thăm quê hương, tìm đến nhà thăm thầy giáo Nguyễn Văn Nhung - người đã tận tình dạy giỗ anh hồi còn học trường Miếu Xóm (nay là trường Nguyễn Trãi thuộc thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng). Anh đã dùng gai bồ kết viết lên cây trước nhà thầy giáo một khoảnh khắc thời gian đầy kỷ niệm: 15/10/1963. Đâu ngờ, đây là ngày ghi nhận dấu ấn lần cuối cùng anh về thăm quê hương.
Sự kiện đặt mìn ở cầu Công Lý
Với Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cuộc chiến tranh chống Pháp của dân tộc ta kết thúc. Nhưng đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai tìm mọi cách phá hoại, thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta thành hai miền với hai chế độ chính trị, quân sự khác nhau.
Từ năm 1960, quân ta ở chiến trường miền Nam liên tiếp mở các đợt tiến công với quy mô lớn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, làm nên phong trào Đồng khởi, kiểm soát một phần đáng kể ở nông thôn miền Nam.
Tiếp đó, chúng ta thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam. Điều này càng làm cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm hết sức lúng túng, hoảng sợ.
Ngày 1/11/1963, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh đã diễn ra cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và còn xử bắn Ngô Đình Cẩn.
Biết tin này, Tổng thống Mỹ Kenedy và sâu đó là Lyndon B. Johnson hết sức bị choáng. Thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn của Việt Nam Cộng hòa, làm cho Hoa Kỳ phải hủy bỏ kế hoạch Staley-Taylor, rồi đưa quân đội sang trực tiếp tham chiến đấu ở miền Nam, thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ.
Trong bối cảnh đó, để có cách đối phó kịp thời, phía Mỹ đã phải cử các phái đoàn sang thị sát tình hình thực tế ở chiến trường miền Nam. Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara (Mắc Na-ma-ra) dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5/1964, lực lượng biệt động Sài Gòn liền vạch kế hoạch tiêu diệt chúng.
Quan sát mấy lần trước thấy Robert McNamara sang Sài Gòn đều đi hướng sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố theo đường Công Lý, nên Ban chỉ huy đưa ra ba phương án:
1) Thuê nhà cạnh đường Công Lý để bố trí mìn, phục kích thực hiện;
2) Chôn mìn ở cầu Công Lý, khi xe chở Robert McNamara vừa xuống dốc thoai thoải của cầu thì nổ mìn;
3) Nếu Robert McNamara không vào thành phố theo đường Công Lý, thì tiếp tục theo dõi, tiêu diệt khi y rời Sài Gòn. Cuối cùng, căn cứ vào điều kiện thực tế, chúng ta đã chọn phương án 2.
Khu tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại vị trí người Anh hùng chôn mìn ở cầu Công Lý để chờ xe chở Robert McNamara đi qua. |
Mặc dù mới cưới vợ được hơn mười ngày (cưới vợ ngày 21/4/1964), Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ cùng đồng đội tiến hành đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh). Thậm chí, anh còn bán chiếc nhẫn cưới để mua một số thiết bị phục vụ việc đặt mìn.
Vì đoàn gồm nhiều nhân vật sừng sỏ, có đủ thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề chiến tranh, nên từ mấy hôm trước đó, chính quyền Sài Gòn Việt Nam cộng hòa tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các tuyến đường mà phái đoàn sẽ đi qua.
Song, bằng các nghiệp vụ tác chiến khôn khéo, chúng ta vượt qua tầm mắt bọn lính gác, đem quả mìn nặng 8 kg trong chiếc thùng tôn đến đặt gần cầu Công Lý từ trưa ngày 8/5/1964. Đến tối ngày 9/5/1964, Tư Kiếm và Ba Sơn ở vòng ngoài bảo vệ cho Trỗi và Lời rải dây điện nối mìn, hoàn tất một số chi tiết còn lại. Nhưng không may, sự việc bị bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị bắt.
Lúc đầu, anh bị đưa về Nha cảnh sát. Vài ngày sau, anh nhảy lầu để trốn thoát nhưng không may bị thương ở chân, rồi lại bị giặc bắt đưa về giam ở Khám Chí Hòa. Địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng không thể khuất phục được ý chí của anh. Để bảo đảm an toàn cho tổ chức và đồng đội, anh Trỗi đã nhận mọi trách nhiệm về mình.
Ngày 10/8/1964, chính quyền Nguyễn Khánh (8/11/1927-11/1/2013, từng giữ chức Quốc trưởng và Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa) đưa ra tòa và kết án tử hình anh Trỗi.
Biết tin Nguyễn Văn Trỗi đang chờ ngày thi hành án tử hình ở Sài Gòn, cảm phục trước khí phách chiến đấu của anh, du kích Venezuela bắt một trung tá Mỹ ngay trên đường phố Thủ đô Caracat để trao đổi, giải thoát cho anh và tuyên bố nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Nguyễn Văn Trỗi, lập tức trung tá Mỹ sẽ bị bắn chết.
Tuy đã có sự thỏa thuận, nhưng khi trung tá Mỹ vừa được thả ra thì chính quyền Sài Gòn trở mặt, lật lọng. Chúng hèn hạ xử bắn anh tại pháp trường thuộc Khám Chí Hòa, Sài Gòn vào buổi sáng ngày 15/10/1964.
Tấm gương cách mạng sáng ngời
Nguyễn Văn Trỗi không chỉ hành động bất chấp hiểm nguy cài mìn ở cầu Công Lý năm 1964 mà còn thể hiện ý chí và niềm tin sắt đá đến giây phút bị xử tử. Anh đã không chấp nhận rửa tội vì nhận thấy mình không có tội.
Thời gian ở trong tù, đã chịu bao nhiêu cực hình tra tấn của địch, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm cách vượt ngục để được tiếp tục chiến đấu. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964) hiên ngang bất khuất tại pháp trường. |
Khi ra pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản, với tư thế hiên ngang, bất khuất . Anh tranh thủ từng giây phút trước đông đảo nhà báo trong và ngoài nước vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, phản lợi ích dân tộc.
Khi kẻ thù bịt mắt anh, anh đã giật tấm băng đen rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”.
Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to: Hãy nhớ lấy lời tôi/ Đả đảo đế quốc Mỹ/ Đả đảo Nguyễn Khánh/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Hồ Chí Minh muôn năm! Khi bị trúng đạn, anh vẫn gượng dậy hô thêm: Việt Nam muôn năm!
Tượng đài anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt ở ngã tư con đường cùng tên và đại lộ Boyeros ở thủ đô La Habana (Cuba). |
Một ngôi trường mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - Người đã đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết. |
Ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”, đó là học tập “khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng như liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”./.
LêĐức Hoàng,
(Ban Tuyên giáo Trung ương)
TIN LIÊN QUAN |
---|