Người chuyên phanh phui chuyện “thâm cung bí sử” của Nhà Trắng

Lâm Vy 07/09/2018 19:00

(Baonghean.vn) - Nhà báo kỳ cựu Mỹ Bob Woodward trở thành tâm điểm chú ý khi cuốn sách của ông về những chuyện hậu trường trong Nhà Trắng mang tên “Fear: Trump in the White House” (tạm dịch là Nỗi sợ hãi: Trump tại Nhà Trắng) chuẩn bị lên kệ.

Với kinh nghiệm 40 năm cầm bút, Bob Woodward được biết đến là nhà báo điều tra xuất sắc nhất khi đã cung cấp hàng loạt “siêu phẩm” về những góc tối trong các chính quyền Mỹ, thậm chí khiến Tổng thống Richard Nixon mất chức.

Bob Woodward là tác giả cuốn sách “Fear: Trump in the White House” sắp được phát hành. Ảnh Getty

Nỗi sợ hãi của Trump

Sau cuốn “Lửa và cơn thịnh nộ: Bên trong Nhà Trắng của Tổng thống Trump” của tác giả Michael Wolff, công chúng lại hồi hộp chờ đón một tác phẩm tương tự do nhà báo kỳ cựu Bob Woodward chắp bút. Bob Woodward đi vào lịch sử báo chí Mỹ với vụ phanh phui vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon mất chức và hàng loạt thân tín của ông chịu cảnh tù tội. Một vài trong số gần 20 cuốn sách khác của Bob đã lật tẩy những “góc khuất” trong chính quyền các đời Tổng thống Mỹ.

Dự kiến ngày 11/9 cuốn sách “Fear: Trump in the White House” mới chính thức lên kệ nhưng cho đến nay, những chi tiết được tiết lộ đã khiến dư luận “đứng ngồi không yên”. Cuốn sách mô tả những hỗn loạn trong Nhà Trắng dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump cùng nỗi lo sợ từ thuộc cấp của ông Trump rằng ông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia khiến họ tìm đủ cách để không tuân lệnh.

Một trong các thông tin đáng chú ý là việc Tổng thống Trump từng chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tổ chức ám sát Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi Washington cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, thay vì tuân lệnh, ông Matis đã cho triển khai chiến dịch quy mô nhỏ hơn và không nhằm vào ông Assad.

Trong một chi tiết gây sốc khác, quyển sách thuật lại việc cựu Cố vấn kinh tế Gary Cohn từng “đánh cắp và giấu một văn kiện trên bàn của Tổng thống” để ngăn cản Tổng thống Trump ký thông qua việc dừng một thỏa thuận thương mại quan trọng với Hàn Quốc…..

Nhà Trắng ngay lập tức lên tiếng chỉ trích tác giả cuốn sách vì đã thêu dệt từ những cựu nhân viên bất mãn trong Nhà Trắng để “bôi nhọ” Tổng thống ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Sự phản ứng của Nhà Trắng càng khiến cho dư luận tò mò và nhiều người dự đoán cuốn sách sắp ra mắt có thể là một “quả bom thông tin” với những hậu quả đánh vào uy tín của Tổng thống Donald Trump.

Nổi tiếng từ bê bối chính trường Mỹ

Giới báo chí Mỹ không lạ gì cái tên Bob Woodward - cây bút kỳ cựu của tờ The Washington Post, một “ông trùm” của thể loại báo chí điều tra. Ông sinh ngày 26/3/1943 tại Geneva, Illinois, Mỹ, là con trai của một luật sư khá nổi tiếng. Khả năng viết lách có lẽ là tố chất trời phú cho Bob. Ông giành được học bổng toàn phần khi theo học chuyên ngành văn chương và lịch sử từ Đại học Yale năm 1965.

Bob Woodward (phải) và Carl Berstein, hai phóng viên theo dõi vụ bê bối chấn động Watergate năm 1972. Ảnh Washington Post.

Thời thanh niên, Bob khá chật vật khi chọn nghề nghiệp. Tốt nghiệp đại học, ông nhập ngũ vào hải quân Mỹ với mong muốn được trải nghiệm và thấu hiểu cuộc sống nơi xảy ra chiến sự. Tuy nhiên, ông được điều xuống một hạm đội hoạt động ngoài khơi, chỉ tham chiến nếu như nổ ra chiến tranh nguyên tử. Kết quả, trong suốt 5 năm binh nghiệp, Bob không phải đến bất cứ vùng chiến sự nào.

Năm 1970, ông có ý định nối nghiệp cha bằng cách theo học khoa luật Đại học Harvard, nhưng cũng không theo đuổi đến cùng. Ông chuyển qua nghề viết báo với tòa soạn đầu tiên Montgomery County Sentinel ở Maryland. Chỉ trong vòng 1 năm, Woodward trở thành phóng viên giỏi nhất tờ báo và đến tháng 9/1971, ông về đầu quân cho tờ The Washington Post. Cũng từ đây, những dấu ấn sự nghiệp của Bob Woodward đã làm thay đổi cuộc đời ông.

Bê bối Watergate được coi là cú hích cho sự nghiệp và danh tiếng của nhà báo này. Sự việc bắt đầu khi 5 người bị bắt trong lúc định đột nhập văn phòng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate ở Washington ngày 17/6/1972. Những người này đang lắp thiết bị nghe lén và chụp tài liệu.

Bob Woodward khi ấy chưa đầy 30 tuổi là một trong 2 phóng viên được giao nhiệm vụ theo đuổi vụ việc. Họ đã lôi ra ánh sáng đường dây đặt máy nghe lén do đảng Cộng hòa chủ xướng, nhằm tìm cách chiếm ưu thế so với đảng Dân chủ trong cuộc tái vận động tranh cử của Tổng thống Nixon. Vụ việc trở thành scandal chính trị lớn nhất thế kỷ 20 khiến Nixon mất chức.

Nhờ vụ Watergate, Bob Woodward từ một phóng viên không tên tuổi trở thành nhà báo quyền lực nhất, danh tiếng nhất nước Mỹ. Năm 1973, ông đã nhận được giải thưởng Pulitzer vì những cống hiến xuất sắc cho xã hội. Một năm sau, Woodward xuất bản một cuốn sách về những gì điều tra được từ vụ Watergate mang tên “All the President’s Men” và được dựng thành phim.

Tố chất của một sĩ quan CIA

Không “ngủ quên” trong hào nhoáng của danh vọng và sự nổi tiếng, hơn 40 năm sau vụ Watergate, Woodward tiếp tục chuyên tâm làm báo và viết sách, chủ yếu ở thể loại điều tra những chuyện “thâm cung bí sử” của đời sống chính trị Mỹ …. Ông là đồng tác giả của cuốn sách “Bên trong Tòa án Tối cao” xuất bản năm 1979, “Các cuộc chiến bí mật của CIA giai đoạn 1981-1987”.

Năm 2001, ông đã cho ra mắt cuốn sách “Plan of attack” (“Kế hoạch tấn công”) với những cáo buộc về những hoạt động của chính quyền Bush dẫn tới cuộc chiến tranh Iraq. Dù không vâng tiếng vang như những bài điều ta về Watergate nhưng tác phẩm này cũng gây sự chú ý lớn trong công chúng.

Năm 2012, ông phát hành “The Price of Politics”, một cuốn sách về cuộc xung đột chính sách tài chính giữa Tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ…

Nói chung, tất cả tác phẩm của Woodward đều khiến dư luận hào hứng và thích thú vì được khám phá những điều ẩn sâu trong những cơ quan quyền lực nhất nước Mỹ. Không ít người nhận xét, Woodward đã làm thay đổi hình thái báo chí Mỹ, biến đây trở thành thứ “quyền lực thứ tư” thực sự trong xã hội.

Nhà báo kỳ cựu Bob Schieffer của CBS News nhận xét, “Woodward đã trở thành phóng viên giỏi nhất trong thời đại chúng ta, thậm chí giỏi nhất mọi thời đại”. Ông cho rằng Woodward không phải là mẫu nhà báo săn tin theo kiểu chụp giật, chạy theo những câu chuyện giật gân.

Thay vào đó, ông ấy “rất điềm tĩnh, từ từ đưa ra từng bằng chứng, lý lẽ để người đọc hiểu chuyện gì đã xảy ra”. Khả năng tiếp cận thông tin của Woodward mạnh dần theo từng năm nhờ chăm chỉ tích lũy và con mắt tinh tường khi bắt tay điều tra bất cứ vụ việc nào.

Robert Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cựu giám đốc của CIA Mỹ thậm chí tiết lộ, ông từng muốn tuyển Woodward vào CIA, bởi “Ông ta có khả năng phi thường khiến cho người đối diện có thể giãi bày những chuyện họ không thể kể với bất cứ ai”.

Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi cuốn sách “Fear: Trump in the White House” sắp ra mắt xuất hiện nhiều nhân vật từng là những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump như cựu cố vấn kinh tế Gary Cohn, Cựu thư ký văn phòng Nhà Trắng Rob Porter hay cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus…

Dù còn những ý kiến trái chiều về cách phanh phui những chuyện hậu trường bên trong Nhà Trắng song không ít ý kiến bày tỏ niềm tin vào Woodward - biểu tượng của báo chí điều tra nước Mỹ. “Những nguồn tin giấu tên có thể không mấy kín tiếng và đôi lúc kể không đúng nguyên văn, tuy nhiên, Woodward luôn trung thực”, ông Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí của Tổng thống George W. Bush nhận định./.

Mới nhất
x
Người chuyên phanh phui chuyện “thâm cung bí sử” của Nhà Trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO