Người dân lo khi ngành mía đường hội nhập

15/11/2017 09:19

(Baonghean) - Vài tuần nữa, người trồng mía ở Nghệ An sẽ bước vào thu hoạch niên vụ 2017- 2018. Sẽ vô cùng khó khăn khi lộ trình hội nhập ASEAN vào đầu năm 2018 đã rất gần.

Theo lộ trình sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Điều đó đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành mía đường của Việt Nam, mà cụ thể là các nhà máy sản xuất đường và người trồng mía ở các địa phương. Đáng lo lắng hơn khi thời điểm đó chưa đến nhưng giá đường trong nước đã liên tục “lao đao”.

Giá đường giảm người dân và nhà máy đều lo lắng

Có những thời điểm trong năm 2017, giá đường giao dịch ở Việt Nam “xuống đáy” khoảng 12.000 đồng/ kg và những ngày đầu tháng 11 có nhích lên nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá đường thế giới thì thực sự lo ngại khi giao dịch tính ra Việt Nam đồng, đầu tháng 11/2017 chỉ khoảng 7.500.000 đồng/tấn, tức khoảng 7.500 đồng/kg.

Ngay từ đầu vụ mía, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc mía để mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Nguyên Sơn
Ngay từ đầu vụ mía, các công ty mía đường đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc mía để mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thái Hiền

Qua phân tích tình hình, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã lên tiếng, nếu bước vào áp dụng thuế suất nhập khẩu đường 0%, thì ngành đường trong nước thực sự bị đe dọa, với nhiều khả năng một số doanh nghiệp sản xuất khó trụ vững.

Chính vì vậy, Hiệp hội Mía đường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Việc này chưa có quyết định từ phía Chính phủ, cho nên, các nhà máy đường trong nước thực sự băn khoăn và kéo theo đó là sự lo lắng rất lớn của người trồng mía.

Gia đình bà Đặng Thị Nguyệt ở thôn 1, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi 5 sào đất bãi sang trồng cây mía nguyên liệu. Vụ mía năm 2016- 2017 gia đình bà thu hoạch được 30 tấn mía, sau khi trừ chi phí gia đình bà có trên 25 triệu đồng. Thế nhưng khi nghe thông tin giá đường những năm sắp tới sẽ giảm, gia đình cũng rất lo lắng, bởi chuyển đổi được trồng mía không phải là dễ trong khi đó chi phí đầu tư cao.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Hiện tại, với mức giá thu mua mía được Công ty CP Mía đường Sông Lam ký đầu năm là 850 đồng/kg cũng mang lại lợi nhuận thấp cho người nông dân, chứ chưa nói giảm xuống nữa. Nếu giá đường tiếp tục hạ thấp thì người trồng mía chúng tôi khó tránh khỏi thua lỗ nặng”.

Người trồng mía ở vùng trọng điểm huyện Quỳ Hợp cũng băn khoăn, lo lắng. Bởi nếu giá đường xuống, các nhà máy trên địa bàn tỉnh thu mua mía thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, nhất là những hộ chỉ phụ thuộc vào nghề trồng mía lâu nay.

Khi nói về vấn đề này, anh Trương Văn Hồng ở xóm Tây Lợi, xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) nói: “Qua báo chí tôi cũng đã biết đến vấn đề giá đường khi hội nhập khu vực. Với gia đình tôi, mía đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, nhưng giá giảm xuống, thì khi nào chúng tôi khá lên được?!”.

Qua trao đổi, ông Ngô Vân Tú - Giám đốc Công ty TNHH mía đường Nghệ An chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang mong chờ những quyết sách từ phía Chính phủ. Rõ ràng, khi giá đường thấp nó sẽ kéo theo nhiều vấn đề khá như giá thu mua mía nguyên liệu, thu nhập của công nhân và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…”.

Đó cũng là “tâm trạng” của tất cả các nhà máy đường ở địa bàn tỉnh và cả nước.

Niên vụ 2016- 2017 năng suất mía ở Anh Sơn đạt 70 tấn/ha. Ảnh: Nguyên Sơn
Niên vụ 2016- 2017 năng suất mía ở Anh Sơn đạt 70 tấn/ha. Ảnh: Thái Hiền

Chuyển đổi để tồn tại

Địa bàn Nghệ An hiện có diện tích mía 20.123 ha. Theo quy hoạch vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh cần đạt 30.600 ha, phục vụ 3 nhà máy sản xuất đường trên địa bàn.

Lãnh đạo các nhà máy đường khẳng định, trước mắt, vụ thu hoạch mía 2017-2018, giá thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh chưa bị giảm, nhưng những năm tới, không ai dám đảm bảo được sự ổn định về giá. Và nếu nước ta áp dụng chính sách thuế đường nhập khẩu 0% thì chắc chắn giá thu mua mía sẽ giảm.

Như vậy, người trồng mía sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Trong khi đó, mía là cây trồng chủ lực của nhân dân nhiều địa phương và theo khảo sát của các nhà máy, chữ đường (độ đường - CCS) trong mía ở địa bàn Nghệ An cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước là 9,74 CCS, còn ở Nghệ An đạt từ 10,5 đến 11,40 CCS).

Chính vì vậy, muốn duy trì, phát huy giá trị cây mía, không có cách nào khác là người trồng mía phải chuyển đổi cách thức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Bởi theo thống kê của ngành nông nghiệp, năng suất mía trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, bình quân hiện đạt khoảng 54 tấn/ha (KH là 64 tấn/ha) và trên thực tế, đã có những diện tích đạt trên 100 tấn/ha.

Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Nông nghiệp, Công ty CP Mía đường Sông Lam cho biết: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã yêu cầu tất cả các nhà máy đường trên toàn quốc phải mua mía theo chữ đường. Vì vậy, nếu nâng cao chất lượng mía thì người trồng mía mới có lợi nhuận.

Về vấn đề này, các công ty mía đường lâu nay cũng đã có những đồng hành với người trồng mía, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng, chăm sóc để mang lại hiệu quả cao. Cùng đó, tích cực tìm kiếm, cùng nông dân ứng dụng những giống mía mới, năng suất cao và cho vay phân bón, hỗ trợ cải tiến các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến.

Với cách làm đó, nhà máy mong muốn bà con tin tưởng và gắn bó lâu dài với cây mía. Đó cũng là cách tồn tại của chính các công ty mía đường trước những khó khăn của giai đoạn hội nhập.

» Ngành mía đường 'kêu cứu' trước thời điểm áp dụng Hiệp định thương mại ASEAN

N.Sơn - Th.Hiền - Ph.Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Người dân lo khi ngành mía đường hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO