Người lính Trường Sơn: 'Cái giá của hoà bình là vô giá'
Họ là những người lính vào sinh ra tử chiến trường miền Nam, giờ đây đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, lúc nhớ, lúc quên nhưng khi nhắc lại thời khắc hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất, ánh mắt họ lại sáng lên niềm tự hào, những câu chuyện về thời binh lửa lại sôi nổi, tưởng chừng như mới xảy ra…
CCB Cao Đức Đồng: Niềm tin tan bóng giặc sẽ trở về
Năm 1963, khi mới 19 tuổi, chàng trai Cao Đức Đồng ở miền nắng gió Diễn Thành (Diễn Châu) lên đường nhập ngũ. Khỏi phải nói hết tâm trạng bồi hồi, náo nức lẫn lo toan của thanh niên vừa rời ghế nhà trường, và nhà lại chỉ mình anh là con trai. Thế nhưng, vì Tổ quốc sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân, anh từ biệt gia đình vào chiến trường với niềm tin tan bóng giặc sẽ trở về.

Vào quân ngũ, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 14, với nhiệm vụ rà phá bom mìn, bắc cầu cho xe qua, bắn phá máy bay địch. Đơn vị anh phụ trách chiến đấu từ đèo Ngang đến Hoàng Mai. Những ngày chiến đấu tại cung đường này, anh cùng đồng đội phải đối mặt với bao hiểm nguy, những thương tích lớn, nhỏ in hằn trên cơ thể.
Dáng vóc có phần gầy nhỏ, nhưng chiến sĩ trẻ Cao Đức Đồng được đánh giá là người mưu trí dũng cảm, luôn đạt được những thành tích trong chiến đấu. Năm 1966, anh là chiến sĩ tiêu biểu của Quân khu 4 được cử đi dự Đại hội Thanh niên Quyết thắng toàn quốc, được trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Đại tướng ngợi khen vì những thành tích dũng cảm trong chiến đấu.

Năm 1968, khi Sư đoàn 338 cần lực lượng chi viện, Cao Đức Đồng được điều động vào miền Nam trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh. Tại đây, nhận thấy tố chất lý luận quân sự của chiến sĩ trẻ Cao Đức Đồng, cấp trên đã cử anh đi học trường quân sự.
.jpg)
Sau khi tốt nghiệp, Cao Đức Đồng được điều động vào đơn vị chi viện cho mặt trận Xuân Lộc - Long Khánh - “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn trong những ngày ác liệt nhất. Mỗi ngày nơi đây phải liên tục chi viện hàng vạn quân, có những trận đánh mà quân ta "giáp lá cà" với quân địch từ 5h sáng đến tận 19h tối.
Chính nơi mặt trận cửa ngõ Sài Gòn, chiến sĩ Cao Đức Đồng là một trong những thành viên của Ban chỉ huy trận địa, nơi đề ra những phương án tác chiến hòng khắc chế địch để giải phóng Xuân Lộc.
"Với chiến sự quan trọng, mất Long Khánh là mất Sài Gòn nên chúng tôi cùng với các cấp chỉ huy phải đưa ra những phương án quân sự tối ưu nhất. Có những ngày địch tập kích bắn phá ác liệt, hai bên giành nhau từng tấc đất. Đánh nhau không ngã ngũ, ta rút ra, đánh đi đánh lại tới 9 ngày, ta tập trung lực lượng đánh úp rất mạnh, chi viện tới 3 sư đoàn cho chiến trường miền Nam. Đến ngày 21/4, ta đã giải phóng xong Xuân Lộc, Long Khánh.
Cựu chiến binh Cao Đức Đồng
"Với vai trò Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 55 thuộc Sư đoàn 341, tôi cùng anh em đồng đội đã tìm ra những phương án tác chiến, động viên anh em quyết không lùi bước nhằm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước như mong mỏi của Bác Hồ lúc sinh thời", ông nhớ lại.
Cựu chiến binh Cao Đức Đồng tiếp tục dòng hồi tưởng: “Giải phóng xong Xuân Lộc, sư đoàn chúng tôi tiếp tục đánh Trảng Bom, Hố Nai, đánh đến thị xã Biên Hòa thì nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời khắc cầm bộ đàm trên tay, tôi nghe cấp trên thông báo hòa bình mà rơi nước mắt. Tôi hét lên sung sướng rồi ôm chầm lấy đồng chí, đồng đội mà hô vang: Hòa bình rồi, hòa bình rồi, Bác Hồ muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Có thể nói, trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, người lính Cao Đức Đồng luôn là một trong những tấm gương sáng cho anh em đồng chí, đồng đội noi theo bởi sự dũng cảm mưu trí, bởi tấm lòng tận tâm, tận lực với đồng đội, đồng bào.
Khi hòa bình thống nhất, ông Cao Đức Đồng còn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi tham gia chiến đấu chi viện cho quân đội Campuchia. Có những lúc ông tưởng chừng không thể trở về quê hương. Đó là thời khắc ông bị địch bắt sống trong lúc kéo bộ đàm gọi đồng đội, ngay lập tức quân ta nã pháo vào vòng vây giải cứu, hai bên giáp lá cà và ông được cứu trong gang tấc ngay tại trận địa Phnompenh.
Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ tại khối 2, thị trấn Diễn Thành, huyện Diễn Châu, cựu chiến binh Cao Đức Đồng được sống vui vầy bên con cháu. Dù tuổi cao, nhưng ông vẫn nhiệt huyết làm nhiều công việc, cốt để thấy mình vẫn có ích, vẫn tường minh. Ông từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội trưởng Hội Người cao tuổi thị trấn, Phó Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện Lào. Nhiều năm qua, ông còn viết kịch bản, soạn lời dân ca cho các hội diễn cấp xã, cấp xóm. Đi đâu ông cũng được người dân yêu mến, bởi luôn giữ trọn chữ trung, chữ hiếu với nhân dân, với đồng bào, như lời Bác Hồ lúc sinh thời căn dặn bộ đội ta.
Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Nhã: Cái giá của hòa bình là vô giá
Gia nhập quân đội khi tuổi mới 20 tuổi, chiến sĩ Nguyễn Khánh Nhã (SN 1951), quê ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, lên đường vào Nam chiến đấu. Ông nói: “Đi là không nghĩ đến ngày về. Thế nhưng, tôi hồ hởi, náo nức lắm, vì nghĩ mình được cống hiến cho Tổ quốc!”.

Vào quân ngũ, được huấn luyện là lính bộ binh, sau đó hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Khánh Nhã cùng đồng đội phải mất 1 tháng đi bộ mới tới được chiến trường Quảng Trị. Vào đến đây, anh lại được cấp trên chỉ định sang Trung đoàn pháo binh thuộc Sư đoàn 325.
Khỏi phải nói sự phấn chấn của binh nhất mới độ tuổi đôi mươi khi được tiếp cận ngay với quân trang, thiết bị hiện đại. Đơn vị anh được giao nhiệm vụ chiến đấu nơi giao tranh ác liệt của Quảng Trị, anh luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng hơn nữa để mỗi mục tiêu của mình đều mang đến hiệu quả lớn nhất cho việc “giành lại từng tấc đất” mà cấp trên đặt ra.
“Đơn vị pháo binh chúng tôi chiến đấu vòng ngoài ở chiến trường Cam Lộ, Quảng Trị. Đây là chiến trận ác liệt nhất, với 81 ngày đêm khói lửa, địch và ta đánh “giáp lá cà” hòng giành từng tấc đất, từng mái nhà. Có những lúc tưởng như đã giành lại được nhưng lại bị đánh bật ra. Quân ta hy sinh nhiều vô kể, đến mức cấp trên phải chi viện mỗi ngày một đại đội để tiếp tục giữ vững trận địa” - ông Nhã nói.

Ông kể, nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống ngay trước mắt mà bản thân bất lực, khiến ông đau xót vô cùng. Ấy là khi một mục tiêu đơn vị cắm 3 người nhưng 2 người cạnh ông ngã xuống ngay trước mặt chỉ trong tích tắc. Đau đớn trước sự hy sinh của đồng đội, ông lại càng quyết tâm đánh thắng địch.
Sau khi giải phóng được Quảng Trị, đơn vị ông Nguyễn Khánh Nhã lại hành quân vào các chiến trường tiếp theo như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa..., "Chúng tôi đến Sài Gòn lúc quân ta chi viện thêm lực lượng tiếp đánh, lúc này các lực lượng đã tràn vào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và cắm cờ lên nóc Dinh. Tôi nhớ mãi thời khắc ấy, quân ta tràn xuống đường cầm cờ đỏ sao vàng hô vang: Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm! Không có niềm sung sướng nào hơn", cựu chiến binh Nguyễn Khánh Nhã kể.
“Để có được hòa bình, biết bao máu xương của đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, trong đó có những người chỉ mới 18, đôi mươi, những sinh viên tài năng mới chỉ học năm nhất của các trường đại học với bao ước mơ còn dang dở. Vì thế, chúng tôi thường nói với nhau: Cái giá của hòa bình là vô giá”...
CCB Nguyễn Khánh Nhã
Trong suốt những năm tháng ở quân ngũ, ông Nhã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Chiến công giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Bằng khen chiến dịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm chương Thành cổ Quảng Trị…
Từ chiến trường, cựu chiến binh Nguyễn Khánh Nhã trở về xây dựng gia đình và có được 4 người con, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn chưa thể dứt khi vợ chồng ông có tới 3 người con bị di chứng chất độc da cam, riêng đứa con thứ 3 Nguyễn Khánh Sơn bị nặng nhất, nay chỉ nằm trên giường, vợ chồng ông phải thay phiên chăm sóc ngày ngày.