Người miệt mài với "trầm tích" văn hóa
Đã gần kề tuổi bát tuần, sức khỏe đã giảm sút nhưng hàng ngày ông Bùi Văn Chất (khối 8- phường Trường Thi- Thành phố Vinh) vẫn miệt mài với những cuốn sách và tài liệu viết bằng chữ Hán. Với ông, chúng gắn bó như là máu thịt, chứa đựng bao "trầm tích" văn hóa, và chừng nào vẫn còn sức lực thì ông chưa thể rời xa nó.
Tổ tiên của ông có gốc gác ở vùng đất Diễn Châu, cụ nội của ông là một thầy đồ khăn gói đến vùng Hạnh Lâm (Thanh Chương) để sinh cơ lập nghiệp. Đến đời ông nội và cụ thân sinh ra ông vẫn tiếp nối nghiệp "gõ đầu trẻ". Từ khi còn rất nhỏ, ông Chất đã được ông nội đưa tay từng nét chữ, giải thích tường tận ý nghĩa của từng chữ, từng câu trong sách thánh hiền.
Lớn lên, ông được gia đình cho đến trường tiếp tục theo học chữ Hán. Và một trong những niềm vui sướng, hạnh phúc nhất trong đời là ở bậc sơ học, ông được thụ giáo thầy Nguyễn Tài Cẩn, người sau này trở thành một vị giáo sư, tiến sỹ lừng danh, một chuyên gia hàng đầu về Việt ngữ học. Sau này, dù công tác trong ngành công nghiệp, một lĩnh vực không liên quan đến chữ Hán nhưng ông Chất vẫn không nguôi nhớđến những nét chữ người xưa truyền lại. Vì thế, trong các cuộc họp, cuốn sổ ghi chép cá nhân luôn được ông viết bằng chữ Hán. Với ông, viết như thếđể có điều kiện tiếp xúc chữ Hán thường xuyên, để những nét chữấy không bị rơi vào quên lãng...
Ông Bùi Văn Chất gửi tình cảm của mình vào sổ tang gia đình thầy giáo Nguyễn Tài Cẩn
Những dòng họ lớn trong tỉnh thường tìm đến ông để nhờ dịch gia phả ra chữ quốc ngữ, ông vui vẻ nhận lời và xem nhẹ vấn đề thù lao, dù công việc có khi kéo dài hàng tháng. Theo ông, việc tiếp cận, tìm hiểu gia phả các dòng họ và các loại sắc phong, văn bia, thần phả là tiếp cận những "trầm tích" văn hóa xứ Nghệ, để hiểu thêm truyền thống quê hương.
Đây cũng chính là những giá trị văn hóa bồi đắp cho cuộc sống hiện tại, nếu chúng ta biết khai thác, vận dụng đúng mục đích. Ông thường cộng tác với một số thành viên trong CLB Hán Nôm Nghệ An tổ chức phiên âm, dịch nghĩa và hiệu đính một số tác phẩm chữ Hán. Trong quá trình nghiên cứu, có những chữ, những câu mất nhiều tâm sức, trí tuệ và thời gian mới có thể luận ra, thậm chí có chữ mất gần 2 năm trăn trở, tìm tòi mới làm sáng rõ được ý nghĩa đích thực. Những kết quả nghiên cứu được ông công bố trên các tạp chí như Tạp chí Hán Nôm, Xưa và nay, Văn hóa Nghệ An, Thông tin KHCN Nghệ An...
Thành công của ông Bùi Văn Chất được nhiều người ghi nhận là việc ông dịch ra thơ nôm bài "Vũ trung sơn thủy" (Non nước trong mưa) của vua Thiệu Trị (nhà Nguyễn). Các chữ của bài thơ này được xếp theo hình bát quái trên bức khảm xà cừ tại điện Long An, nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Vận dụng đặc trưng đơn tiết tính của tiếng Việt và tiếng Hán, ông Chất đã dịch thành công bài thơ "Vũ trung sơn thủy" theo 128 cách đọc mà các học giảđã tìm ra. Các bản dịch thơ của ông được nhiều người đánh giá vừa sát với nguyên tác, vừa đảm bảo vần nhịp và niêm luật của thể thơĐường luật.
Chúng tôi gặp ông Bùi Văn Chất trong buổi lễ truy điệu và đưa tang GS- TS Nguyễn Tài Cẩn vào trung tuần tháng 3 Âm lịch tại xã Thanh Văn (Thanh Chương). Thay mặt CLB Hán Nôm Nghệ An, ông chấp bút viết hai câu thơ bằng chữ Hán vào sổ tang: "Đĩnh cán Đông phương Ngôn ngữ học/ Trí Tường Nguyễn tộc Việt Nam Hoa" (Đứng đầu ngành Ngôn ngữ học Phương Đông/ Bông hoa Việt
Công Kiên