Người viết văn bia ở Truông Bồn

Hạnh Ngân - 28/10/2022 08:20
(Baonghean.vn)-  Đến Truông Bồn, dưới khuôn viên xanh rợp bóng cây, có 2 tấm bia lớn bằng đá được dựng nghiêm cẩn ngay trước ngôi mộ chung và nhà tưởng niệm của Khu Di tích quốc gia Truông Bồn. Một tấm bia khái quát về lịch sử của mảnh đất Truông Bồn. Tấm còn lại viết về quá trình bảo tồn, tôn tạo địa danh huyền thoại này. Nhìn kỹ xuống dưới tấm bia sẽ thấy dòng chữ “Soạn bia: Nhà báo Văn Hiền”.

Người được "chọn mặt gửi vàng"

Năm 2015, khi Truông Bồn được đầu tư xây dựng lại để trở thành một khu di tích quốc gia xứng với vai trò lịch sử, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng Nghệ An tiến hành dựng văn bia chứng tích, dẫn tích tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn.

Khi đó, rất nhiều người đã biết đến nhà báo Trần Văn Hiền qua những trang viết sống động về những góc cạnh của thời chiến, đặc biệt là địa danh Truông Bồn. Bởi vậy, ông được UBND tỉnh Nghệ An và Sở GTVT tin tưởng gửi gắm viết hai tấm văn bia quan trọng này.

Nhà báo Văn Hiền cạnh tấm bia dẫn tích tại Truông Bồn. Ảnh: Hạnh Ngân

Là con trai đầu trong một gia đình đông con, bố là liệt sĩ, nhà báo Văn Hiền luôn đau đáu về những mất mát, đau thương mà cuộc chiến gây ra. Trước khi đến với nghiệp viết lách, chàng thanh niên Trần Văn Hiền là cán bộ của ngành Giao thông vận tải Nghệ An. Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc, ông từng có mặt tại những trọng điểm giao thông bị đánh phá ác liệt như: Cầu Bùng, Cầu Cấm, Ga Hoàng Mai, phà Bến Thủy, cung đường 15A ở Truông Bồn,… Từng là nhân chứng trong cuộc chiến phá hoại của không quân Mỹ, nhà báo Văn Hiền đã góp nhặt những khoảnh khắc đau thương, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong trong giai đoạn chiến tranh ác liệt trên địa bàn Nghệ An để lưu thành những trang viết sống mãi về sau.

Tháng 7/1968, hưởng ứng phong trào “Hai giỏi”, ông được đơn vị cử đi viết về những điển hình chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi của ngành Giao thông Vận tải. Đó cũng là cơ duyên giúp ông được gặp gỡ nhiều cán bộ, công nhân ngành Giao thông Vận tải, lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước của tỉnh nhà.

Trong những năm tháng rong ruổi trên nhiều cung đường, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, gặp những con người đã anh dũng chiến đấu trên các tuyến lửa, ông đã ghi chép được 30 quyển sổ, trong đó lưu lại cả chữ ký của những thanh niên xung phong. Có thể nói, đây là một “gia tài” quý trong sự nghiệp cầm bút của ông. Đến tận bây giờ, khi lần giở lại những trang tốc ký ấy, những gương mặt cũ vẫn hiện lên. Những thước phim về năm tháng tàn khốc nhất của lịch sử dường như vẫn còn đó, hiển hiện trong tâm tư của nhà báo Văn Hiền.

Chính bởi vậy, khi nhận được yêu cầu viết văn bia cho địa danh Truông Bồn, dường như toàn bộ tư liệu đã sắp sẵn trong trí nhớ của ông. Việc cần làm là sắp xếp lại dữ liệu, gói ghém những trang sử vẻ vang nhất của vùng đất này trong khuôn khổ 500 chữ. Nhà báo Văn Hiền chia sẻ, cái khó nhất đó là làm sao lời văn không khô khan, vừa chứa đựng những lát cắt của lịch sử, vừa tái hiện lại những cảm xúc vừa đau thương, vừa hào hùng của một thế hệ thanh niên xung phong cũng như của cả dân tộc.

Một trong hai văn bia tái hiện lịch sử địa danh Truông Bồn có đoạn: “Với ý chí “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, các cán bộ, chiến sĩ Đại đội TNXP 317, 304 thuộc Đội 65, Đại đội 30, Tiểu đoàn 27 công binh Quân khu 4, dân quân, nhân dân xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn đã đối mặt với hiểm nguy, bất chấp đạn bom, bám trọng điểm để san lấp hố bom, mở đường tránh, sơ tán hàng hóa, phá bom nổ chậm, mặc áo trắng cảm tử làm cọc tiêu sống dẫn đường, đảm bảo giao thông thông suốt cho hàng chục vạn lượt xe và các binh đoàn chủ lực vượt cửa tử Truông Bồn tiến vào tiền tuyến lớn…”

Tái hiện sự khốc liệt và tinh thần hy sinh anh dũng

Có thể nói, cung đường 15A chỉ khoảng 20km nhưng là tuyến giao thông chiến lược của Nghệ An và cả nước. Đặc biệt kể từ sau ngày 5/8/1964 khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, Quốc lộ 15A trở thành túi bom, là nơi chia lửa với nhiều tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn Nghệ An. Không quân và hải quân Mỹ tìm mọi cách hòng ngăn chặn, chia cắt sự kết nối, chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Và địa danh Truông Bồn, ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương trở thành nơi được lịch sử lựa chọn.

Giai đoạn từ năm 1965-1968 nơi này hứng chịu hàng trăm đợt oanh tạc của không quân Mỹ. Đã có 18.936 quả bom các loại thả xuống Quốc lộ 15A và địa danh Truông Bồn. Chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1968, nơi này đã hứng chịu 2.692 quả bom nhằm huỷ diệt Truông Bồn, huỷ diệt cung đường có tầm quan trọng đặc biệt này. Ngày ấy ở Truông Bồn không còn một vạt đồi nguyên vẹn; nhiều ngôi làng và hàng trăm ngôi nhà bị bom đạn đánh sập, làm hư hại. Nhưng nơi này cũng chứng kiến tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của quân và dân Nghệ An. Trong đó, đặc biệt là sự cống hiến, hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường lửa.

Truông Bồn là nơi đóng quân của Tiểu đội 2, Đại đội 317 – Thanh niên xung phong Nghệ An. Mỗi ngày, mỗi đêm, từng bữa nắng, từng hôm mưa, khi lạnh giá, khi nóng ran, các chị, các anh vẫn miệt mài san lấp hố bom, làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe qua…

Và cho đến buổi sáng định mệnh ngày 31/10/1968. 4 giờ sáng hôm ấy, 14 chiến sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317 khẩn trương san lấp hố bom để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Đến 6 giờ 10 phút, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ đến oanh tạc. 14 chiến sĩ TNXP ấy không kịp rút về hầm trú ẩn. 13 chiến sĩ TNXP mãi mãi ra đi, khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa, không quân Mỹ sẽ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. 11 cô gái và 2 chàng trai của “tiểu đội thép” hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, mang theo tuổi xuân cùng bao hoài bão chưa thành.

Nhà báo Văn Hiền kể lại những ký ức về Truông Bồn. Clip: Lâm Tùng

Trở lại với nhà báo Văn Hiền, ông cho biết, nội dung hai văn bia được ông soạn trong vòng 1 tháng. Một tháng ấy là biết bao nhiêu trăn trở, dằn vặt. Làm thế nào để tái hiện được tính chất khốc liệt của cung đường 15A và mảnh đất Truông Bồn, thể hiện được đầy đủ sự cống hiến, hy sinh cao cả của một thế hệ tuổi trẻ với hoài bão và khát vọng cứu nước là điều khiến ông Trần Văn Hiền không ngừng suy nghĩ. Khi hoàn thành bản thảo văn bia, ông đã chuyển đến các chuyên gia, nhà sử học thẩm định. Trước khi khắc bia, bản thảo của ông cũng được phóng to, dựng tại đền thờ các thanh niên xung phong ở Khu Di tích quốc gia Truông Bồn trong suốt 6 tháng để được người dân góp ý. Đến năm 2017, tấm bia được khắc xong và đặt tại vị trí trang trọng trong khuôn viên Khu Di tích Lịch sử Truông Bồn.

Nhà báo Văn Hiền cùng cuốn sách viết về Truông Bồn. Ảnh: Hạnh Ngân

Giờ đây, khi đến thăm Truông Bồn, trong khu tưởng niệm vẫn còn lưu những cuốn sách của ông viết về Truông Bồn, vùng đất một thời đau thương đã làm nên huyền thoại. Những cuốn như: “Đường xuyên cung lửa” hay “Đường tới Truông Bồn huyền thoại” của tác giả nhà báo Văn Hiền vẫn được những du khách đến thăm quan, tìm đọc, để hiểu hơn về lịch sử của tọa độ lửa Truông Bồn năm xưa.

Đó chính là niềm vui, là hạnh phúc và cũng là trách nhiệm của người cầm bút, của người làm báo, khi những trang viết của mình không chỉ dừng lại trên trang giấy, mà còn lưu lại trong tâm trí của bạn đọc, từ đó gửi gắm niềm tin về lẽ sống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục truyền thống cho những thế hệ mai sau.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO