'Nguy cơ rừng không có người bảo vệ đã hiện hữu trước mắt'

Nhật Lân 06/12/2022 14:00

(Baonghean.vn) - Đó là thực trạng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương - đơn vị gần đây có 12/33 bảo vệ rừng chuyên trách viết đơn xin nghỉ việc. “Công tác bảo vệ rừng trước đã khó, nay càng thêm khó” - đây là lời của Giám đốc Lê Phùng Thiều.

Khó khăn chất chồng

Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 22.226,15 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích rừng tự nhiên phòng hộ và sản xuất là 19.361,73 ha. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên nằm trải dài dọc biên giới Việt - Lào, trên địa bàn 5 xã: Hạnh Lâm, Thanh Thủy, Thanh Đức, Ngọc Lâm, Thanh Sơn.

Toàn Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương hiện nay gồm 49 người, trong đó, chỉ có 14 viên chức biên chế hưởng lương ngân sách, 1 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/NĐ-CP; còn lại là 33 lao động hợp đồng dài hạn bảo vệ rừng chuyên trách.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: C.T.V

33 lao động hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách này có trách nhiệm phải thường xuyên túc trực tại các trạm bảo vệ rừng đóng trên địa bàn các xã có rừng để thực hiện các nhiệm vụ: tuần tra rừng; chốt chặn tại cửa rừng 24/24h để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển gỗ, lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật; đồng thời, tuần tra phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng xẻ phát, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật. Nói gọn lại, đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, lao động hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

Vậy nhưng, theo ông Lê Phùng Thiều - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương thì từ năm 2019 đến nay, Ban đã có đến 4 người xin nghỉ hưu trước tuổi; 5 người bỏ việc để chuyển làm nghề khác. Còn thời điểm hiện tại, đang có 2 người xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/NĐ-CP; và có đến 10 người xin tạm nghỉ việc đóng bảo hiểm xã hội để tìm việc làm có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. “Nguy cơ rừng không có người bảo vệ đã hiện hữu trước mắt. Dịp cuối năm là thời điểm diễn biến về khai thác, vận chuyển lâm sản, chuyển mục đích sử dụng rừng hết sức phức tạp, Ban rất lo về điều này…” - ông Lê Phùng Thiều trăn trở.

Về nguyên nhân dẫn đến người bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc, bỏ việc chuyển nghề khác, theo ông Lê Phùng Thiều, là vì chế độ tiền lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, công việc hết sức vất vả, nguy hiểm, nhưng lại thiếu sự chia sẻ, động viên khi xảy ra sơ suất trong công tác bảo vệ rừng.

Ở Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Khe Vều, cuộc sống của lao động bảo vệ rừng chuyên trách hết sức khó khăn khi không có điện, không có sóng điện thoại, không có nước sạch sinh hoạt. Ảnh: C.T.V

Cụ thể, vì hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách không thuộc biên chế hưởng lương ngân sách Nhà nước nên chế độ tiền lương chỉ dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên do ngân sách Nhà nước phân bổ. Ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, giai đoạn từ năm 2016-2021, đơn giá hỗ trợ chỉ 100.000 đồng/ha/năm, do đó, không đủ kinh phí chi trả theo định mức tiền lương hàng tháng cho người lao động. Thu nhập bình quân của người bảo vệ rừng chuyên trách chỉ ở mức 4,5 - 5 triệu đồng/ người/ tháng.

Một điều đáng phải nói ra thêm là trong nhiều năm qua, nguồn kinh phí bảo vệ rừng do ngân sách cấp rất chậm, từ khoảng tháng 6 đến tháng 11 thì mới được phân bổ. Vì vậy, người bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên chịu cảnh hơn nửa năm (từ tháng 7 đến tháng 11) không có nguồn thu nhập, nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Đời sống người bảo vệ rừng chuyên trách vốn dĩ khó khăn, vì thế mà thêm chồng chất khó khăn.

Mong giải pháp tháo gỡ

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, bởi thực trạng này thực sự đáng lo, nên thời gian qua đã liên tục có một số văn bản gửi đến cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hai lần gần nhất là Văn bản số 179/BQLRPH-KH.BVR ngày 17/11/2022 và Văn bản số 192/BC-BQLRPH ngày 2/12/2022.

Văn bản số 179/BQLRPH-KH.BVR ngày 17/11/2022 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu những bất cập của chính sách ngành Lâm nghiệp. Ảnh: Nhật Lân

Tại Văn bản số 192/BC-BQLRPH ngày 2/12/2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương đã thông tin rõ tình hình của năm 2022, là đã qua hơn 11 tháng nhưng Ban vẫn chưa được phân bổ kinh phí bảo vệ rừng từ các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, nên đời sống người lao động nói chung hết sức khó khăn.

Đồng thời phân tích, nếu căn cứ Thông tư 12/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định tại Nghị định số 168/NĐ-CP thì lao động hợp đồng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ chưa là đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các Văn bản quy phạm pháp luật này cũng không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Trong khi các Ban Quản lý rừng phòng hộ của tỉnh nói chung, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương nói riêng chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên đang đóng cửa rừng, không có nguồn thu. Thế nên, nguy cơ sẽ không có kinh phí để chi trả cho người bảo vệ rừng chuyên trách.

Ông Lê Phùng Thiều trao đổi: “Trước thực tế bất cập về chính sách như vậy, chúng tôi đã gặp gỡ, động viên để anh em lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chia sẻ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nếu cơ chế, chính sách vẫn không được xem xét thay đổi, chế độ thu nhập thấp và bấp bênh như hiện nay, trong khi áp lực công việc rất nặng nề, nguy cơ bị kỷ luật, bị xử lý hình sự nếu sơ suất trong công tác bảo vệ rừng rất cao, thì khó lòng giữ chân được các nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách”.

Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương trong một chuyến tuần tra. Ảnh: C.T.V

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách yên tâm công tác, Ban đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo lên UBND tỉnh. “Chúng tôi kiến nghị Sở chủ quản báo cáo UBND tỉnh về thực trạng khó khăn của lực lượng hợp đồng lao động bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban Quản lý rừng phòng hộ nói chung và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương nói riêng để có cơ chế, chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống cho người lao động” - ông Lê Phùng Thiều nói.

Thực trạng chung

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 318.000 ha rừng tự nhiên do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong tự quản lý, bảo vệ. Nếu căn cứ Thông tư 12/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đối tượng lao động hợp đồng thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ không thuộc đối tượng hưởng thụ cơ chế, chính sách theo Quyết định 809 /QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

Điều này đồng nghĩa, hàng trăm lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, Tổng đội Thanh niên xung phong không có nguồn để chi trả tiền công bảo vệ rừng và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Và như thế có thể hiểu, nếu chính sách không có sự thay đổi, cuộc sống trong tương lai của lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ chất chồng gian khó. Hệ quả là sẽ có nhiều thêm những lá đơn xin nghỉ việc, và các đơn vị của ngành Lâm nghiệp sẽ thêm khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bữa cơm trưa trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: C.T.V

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2016 đến nay, toàn ngành Lâm nghiệp đã có 158 người nghỉ việc, bỏ việc; trong đó, chủ yếu là đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách. “Đây là thực trạng chung của ngành Lâm nghiệp của tỉnh. Nếu không có thay đổi kịp thời thì đúng như Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương đã báo cáo, nguy cơ rừng không có người bảo vệ đã hiện hữu trước mắt…” - một cán bộ có trách nhiệm thuộc Chi cục Kiểm lâm trao đổi.

Mới nhất

x
'Nguy cơ rừng không có người bảo vệ đã hiện hữu trước mắt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO