Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Nguyễn Tất Thành học Quốc ngữ tại Trường Tiểu học Việt - Pháp Vinh

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 15/06/2024 20:24

Muốn đánh Tây ắt phải học chữ Pháp. Sớm nhận thấy sự cần thiết của việc học Quốc ngữ, ông Phó bảng Sắc mạnh dạn cho cả hai con trai xuống thị xã Vinh học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ. Chính từ lớp học này, Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với mấy từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Cùng với đó, cái nôi quê hương giàu truyền thống bất khuất, đã tạo cho Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước, căm thù giặc, và ý chí “làm trai cho đáng nên trai”.

trường tiểu học việt pháp vinh
Trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh. Nguồn ảnh: Nhà Vinh học Phạm Xuân Cần

Kể từ khi thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ (1867), nền Nho học ở nước ta đã xuống dốc thật sự. Sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương năm 1897, đến năm 1905, trong phạm vi cả nước, Pôn Đume (Paul Doumer) ký lệnh thành lập một loạt trường tiểu học gọi là Trường Pháp - Bản xứ, đặt ở các thành phố và các tỉnh lớn để dạy tiếng Pháp kèm theo quốc ngữ và chữ Hán. Năm 1905, Nha học chính Đông Dương được thành lập và Hội đồng cải cách giáo dục ra đời. Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho phép các tỉnh Trung Kỳ được mở Trường Pháp - Việt. Những trường đó dần dần thu hút thanh niên, giành giật các nho sinh của các thầy đồ ở hương thôn. Các thầy nho phải than thở:

Nào có ra gì cái chữ Nho,

Ông nghè, ông cống phải nằm co

Chữ Nho đã hẳn là lạc hậu rồi. Nhưng phần đông các nhà Nho lại ghét Quốc ngữ và chữ Pháp, cho đó là chữ của giặc Pháp. Ở Nam Đàn bấy giờ, số người theo tân học còn ít lắm. Trong số các bậc khoa bảng quen biết có qua lại với gia đình mình, Tất Thành chỉ thấy vài người cổ xúy cho việc học tiếng Pháp. Họ cho rằng, có hiểu được giặc thì mới thắng được giặc, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Thời Lê Sơ, nếu Nguyễn Trãi không giỏi Hán tự thì sao mà đối đáp được với bọn Phương Chính, Vương Thông... ở thành Nghệ An, Đông Quan? Vậy thời nay, muốn đánh Tây ắt phải học chữ Pháp. Ấy vậy mà, ông Phan Bội Châu thì lại không ưa gì Quốc ngữ và tiếng Pháp. Thơ văn của ông làm bằng chữ Nôm và chữ Hán, chứ tuyệt không có một chữ quốc ngữ nào. Hồi ấy, việc nên học thứ chữ nào là vấn đề thường được bàn luận sôi nổi không kém gì vấn đề nên dựa vào nước nào để đánh Tây.

Vốn ghét lối học “trên cành trên lá”, ông Phó bảng Sắc thấy được sự cần thiết, hợp thời của việc học Quốc ngữ. Sau khi cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, ông mạnh dạn cho cả hai con trai xuống thị xã Vinh học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - Bản xứ. Làng Kim Liên có Chu Văn Phi(tức Nậy), học cùng lớp với Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành. Trong số giáo viên của trường có thầy giáo Lê Huy Miến, dạy vẽ và cũng là một trong những thầy quản lý trường.

Thầy Lê Huy Miến (tức Lê Văn Miến) sinh năm 1873 tại làng Kim Khê, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Long), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học. Biết ông là người thông minh, học giỏi, Vua Đồng Khánh gửi ông cùng Hoàng Trọng Phu và Thân Trọng Huể sang Pháp học trường thuộc địa (1888). Học xong, các bạn ông về nước làm quan, còn ông chuyển sang học Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1891 đến năm 1895 để hiểu biết thêm về văn hóa và văn minh Cộng hòa Pháp. Từ đó, ông có tư tưởng chống chế độ thực dân Pháp. Khi về nước (1895), từ chối việc làm quan, ông ra Hà Nội làm cho nhà in một thời gian rồi về Vinh mở trường dạy học...

cụ lê văn mến
Thầy Lê Huy Miến (tức Lê Văn Miến). Ảnh: Tạp chí Sông Lam

Cuộc đời của thầy còn nhiều bước thăng trầm nữa, và Tất Thành còn được gặp lại thầy ở Trường Quốc học về sau. Phải chăng, những bức tranh biếm họa rất sinh động của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria (Người cùng khổ) được bắt nguồn từ khi học vẽ với một họa sĩ trứ danh là Lê Huy Miến? Cũng rất có thể, nhưng điều đó nếu có cũng chưa quan trọng bằng sự tiếp thu tư tưởng yêu nước và ý thức chống chế độ thực dân của thầy.

Vào trường mới có nhiều điều mới lạ. Tay quen cầm bút lông viết chữ Hán, nay lần đầu viết bút sắt, Tất Thành thấy rất ngượng, nhưng lâu dần cũng quen. Học Quốc ngữ quả là chóng biết đọc, biết viết, khác hẳn chữ Nho, học chữ nào biết chữ ấy, không ghép vần được. Trường vẫn có giờ dạy chữ Hán. Anh em Tất Thành có lợi thế về môn này. Khi học từ vựng Pháp, Tất Thành thường ghi chú chữ Hán bên cạnh cho dễ nhớ nghĩa từ.

Chính từ lớp học này, Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với mấy từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái treo trên tường lớp. Anh bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của những từ hấp dẫn đó. Về sau, anh đã có dịp nhắc lại kỷ niệm ấy với một nhà báo Liên Xô: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”.

truongtieuhocphapviet3.jpg
Vị trí Trường Tiểu học Pháp - Việt trên bản đồ 1936. Ảnh: Tạp chí khoa học xã hội nhân văn Nghệ An

Thị xã Vinh - tỉnh lỵ Nghệ An, sầm uất hẳn lên so với mấy năm trước. Năm 1905 là năm thứ tám của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ở Đông Dương. Cùng lúc với việc làm các đường giao thông từ Việt qua Lào, ngày 27-3-1905, tuyến đường sắt từ Hà Nội vào Vinh được khánh thành bằng chuyến xe lửa chạy tiếp vào Nam từ ga Hàm Rồng. Đường phố ở Vinh được mở rộng. Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi đang được khởi công xây dựng; các hiệu buôn của Pháp kiều và Hoa kiều bán nhiều loại hàng nhập khẩu. Trụ sở các chi nhánh Hội lâm nghiệp và làm diêm Đông Dương, Công ty Pháp Á, Công ty Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ, Công ty Lào được xây dựng ở Vinh - Bến Thủy.

Do nhu cầu xuất, nhập khẩu ngày càng tăng nhanh, cảng sông Bến Thủy được nạo vét. Nhiều tàu buôn nước ngoài cập bến. Các tài nguyên như lâm sản, hải sản mà tư bản Pháp chiếm được đểu chuyển qua cảng Bến Thủy ra nước ngoài. Ngược lại, hàng nước ngoài cũng được nhập vào qua Bến Thủy. Cảng này (cùng với cảng Đà Nẵng) trở thành trung tâm xuất, nhập khẩu của cả miền Trung Đông Dương.

bên thủy năm 1908
Bến Thủy năm 1908. Ảnh tư liệu

Ngày 20-12-1902, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho Công ty Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ độc quyền kinh doanh rượu, muối, thuốc lào, thuốc phiện từ Hà Tĩnh trở ra. Chúng buộc dân từng làng phải tiêu thụ hết số rượu do chúng phân bổ theo đầu người.

Trung Kỳ là xứ “bảo hộ”, cho nên Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh khác ở trong xứ, bên cạnh bộ máy cai trị của thực dân Pháp với hàng chục cơ quan chuyên môn giúp việc, còn có bộ máy chính quyền phong kiến với những thể chế, luật pháp cổ hủ, được bọn thực dân duy trì để phục vụ cho chính sách áp bức, bóc lột của chúng. Dân ta một cổ hai tròng, vừa bị thực dân Pháp áp bức, vừa bị phong kiến đè nén.

Án ngữ trước Cửa Tiền thành Vinh, nơi làm việc của chính quyền cấp tỉnh, là dinh thự cao tầng của Tòa Công sứ Pháp. Phía Tây là nhà thờ Công giáo Cầu Rầm cao chót vót. Ở Vinh có hệ thống nhà dòng, các trường tiểu, đại chủng viện, bao gồm hàng trăm linh mục Pháp và Việt.

Với chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, thị xã Vinh đang chuyển mình để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của Nghệ An, trung tâm công nghiệp và thương mại của các tỉnh phía Bắc xứ Trung Kỳ và miền Trung của nước Lào.

tòa công sứ xây dựng năm 1897
Tòa công sứ xây dựng năm 1897, nằm trên đường bờ sông, cổng hướng ra phía cầu Cửa Tiền cũ. Vị trí này hiện nay là đường Lê Hồng Sơn, TP. Vinh. Ảnh tư liệu

Cái nôi quê hương giàu truyền thống bất khuất với bản sắc riêng của xứ Nghệ đã tạo cho Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc và ý chí “làm trai cho đáng nên trai”. Những tấm gương của các thầy giáo thức thời và những hoạt động yêu nước sôi nổi của các bậc cha chú như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân... đã kích thích cao độ chí khí của anh. Thái độ bất hợp tác, ngầm chống đối thực dân, phong kiến, và sự thức thời, lòng thương dân, yêu nước của thân phụ có ảnh hưởng sâu xa đến sự hình thành nhân cách của anh.

Theo bước bộ hành của thân phụ qua nhiều địa phương, tiếp xúc với nhiều nho sĩ tiến bộ, tâm hồn, tình cảm của anh càng gắn bó với nhân dân lao động, tầm nhìn được mở rộng và có thêm nhận thức mới.

Cảnh đói khổ của dân nghèo tương phản với cảnh sống xa hoa, đài các của quan lại, địa chủ, thương nhân, thực dân; cảnh tan hoang, chết chóc của những vùng bị khủng bố, cùng những biến chuyển nhanh chóng ở thị xã Vinh giúp anh rút ra những kết luận bổ ích đầu tiên về xã hội./.

Nguyễn Tất Thành học Quốc ngữ tại Trường Tiểu học Việt - Pháp Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO