Nhân lên ý nghĩa nhân văn của một cuộc vận động

Đào Tuấn 20/05/2023 06:20

(Baonghean.vn) - Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nghệ An là hoạt động có tính nhân văn sâu sắc, là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới người nghèo, tới những hộ dân gặp phải khó khăn trong cuộc sống.

Theo thống kê của Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 55.348 hộ nghèo (6,41% dân số) và 53.571 hộ cận nghèo (6,2% dân số), trong đó có trên 15.000 hộ có nhu cầu về xây dựng, sửa chữa nhà ở. Để hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở kiên cố, giúp bà con yên tâm sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế, đầu tháng 2 năm nay, tỉnh đã phát động vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025.

Tại Lễ phát động Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, đã có 115 đơn vị, cá nhân ủng hộ xây dựng, cải tạo 10.131 căn nhà, tương đương số tiền 517 tỷ 618 triệu đồng, mức bình quân hỗ trợ cho 1 ngôi nhà là 50 triệu đồng.

Theo kế hoạch, bằng các nguồn vận động, hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, năm 2023 tỉnh Nghệ An sẽ xây mới, sửa chữa 5.500 nhà. Năm 2024 hỗ trợ 5.000 nhà và năm 2025 hỗ trợ 5.200 nhà.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Thư cảm ơn và tặng hoa tri ân các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ chương trình vận động. Ảnh: Thành Duy

Ngay sau khi chương trình đi vào thực tiễn, các đơn vị tham gia ủng hộ đã triển khai rầm rộ tại các huyện miền núi. Trọng tâm là những huyện núi cao như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… Sau hơn 2 tháng kể từ ngày phát động, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 1.200 nhà (gồm xây mới 1.194 nhà, sửa chữa 6 nhà).

Trong số các đơn vị tham gia hỗ trợ, Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An đăng ký ủng hộ nhiều nhất với 2.820 căn nhà. Trong đó Bộ Công an vận động, ủng hộ 1.420 căn nhà tại 27 xã biên giới thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương; Công an tỉnh Nghệ An vận động, thực hiện 1.400 căn tại các xã còn lại của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Riêng tại huyện Kỳ Sơn, Bộ Công an và Công an tỉnh hỗ trợ xây dựng 1.087 căn nhà.

Có thể nói, cuộc vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nghệ An là hoạt động có tính nhân văn sâu sắc, là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới người nghèo, tới những hộ dân gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Nhờ cuộc vận động mà nhiều gia đình đã có cơ hội được sinh sống trong những ngôi nhà như ước mơ bao lâu nay.

Lãnh đạo Bộ Công an, tỉnh Nghệ An, các nhà tài trợ và địa phương thực hiện nghi lễ khánh thành, bàn giao nhà cho người nghèo, khó khăn về nhà ở tại bản Văng Môn, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thành Duy

Cuộc vận động càng có ý nghĩa hơn bởi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở và sự vào cuộc tâm huyết của nhiều đơn vị tham gia hỗ trợ. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành bàn giao hàng trăm căn nhà cho các hộ dân nghèo, qua đó thể hiện tinh thần tích cực, trách nhiệm, nhân văn của cán bộ chiến sĩ công an. Nhiều hộ dân đã không giấu được niềm hạnh phúc, biết ơn khi được vào sinh sống trong những ngôi nhà mới.

Vừa qua, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về cuộc vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh yêu cầu phải xem chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025, để triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh rõ quan điểm, chương trình được triển khai phải hợp lòng dân. Qua đó, trong tổ chức thực hiện không được chạy theo thành tích, dẫn đến nhà chất lượng kém, không sử dụng được lâu dài; mà phải đảm bảo chất lượng của nhà ở hỗ trợ theo tiêu chí “3 cứng” (nền, móng cứng; khung, tường cứng; mái cứng) và tuổi thọ cao. Đồng thời, tuyệt đối không tạo thêm gánh nặng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được thụ hưởng.

Lực lượng Công an hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh tư liệu: Minh Khôi

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý không tuyệt đối mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh, mà phải lắng nghe nguyện vọng người dân, nhất là khi triển khai tại các huyện vùng đồng bằng. Các hộ gia đình có thể lựa chọn phương án nhà ở lắp ghép hoặc các mẫu thiết kế định hình do Sở Xây dựng thẩm định, ban hành hoặc tham khảo các mẫu nhà ở thông dụng tại địa phương để lựa chọn quy mô và hình thức nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

Thực tế cho thấy, các huyện miền núi, đặc biệt là khu vực núi cao có sự chia cắt rõ rệt về địa hình và đặc điểm khí hậu. Các huyện như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông có độ cao chênh lệch lớn so với các địa phương khác trong số 11 huyện miền núi của Nghệ An. Tại các địa phương này, lâu nay bà con vẫn dựng nhà dựa lưng vào núi, hoặc các ngôi nhà dựng thành quần thể theo cụm dân cư. Theo bà con, điều này ngoài thực hiện phong tục tập quán còn nhằm tránh các hình thái thời tiết phức tạp.

Những ngôi nhà mới xây dựng đảm bảo 3 cứng gồm Nền cứng; khung, tường cứng; mái cứng. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Về đặc điểm khí hậu, thời tiết, khu vực miền Tây Nghệ An là nơi phải chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Liên tục nhiều năm qua địa bàn thường xuyên phải gánh chịu các đợt giông, lốc xoáy, mưa đá, mưa lớn, lũ ống, lũ quét,… Khu vực này không phải chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nhiệt đới như vùng ven biển và đồng bằng, tuy nhiên, miền Tây Nghệ An lại là địa bàn chịu tác động của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới.

Cùng với đó, do địa hình cao, nhiều rừng núi và có sự chia cắt phức tạp đã tạo ra sự khác biệt về khí hậu, thời tiết với toàn tỉnh. Đây cũng là địa bàn có nhiệt độ trung bình cao nhất toàn tỉnh vào mùa Hè, cá biệt có những huyện như Con Cuông, Tương Dương có những ngày nhiệt độ lên đến 42-44 độ C. Về mùa Đông, khu vực miền núi, nhất là các huyện rẻo cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, nhiệt độ xuống rất thấp, nhiều năm nhiệt độ xuống từ 0-2 độ C, có những địa bàn rẻo cao xảy ra băng giá, tuyết… Chính môi trường sống đặc trưng này nên khi dựng nhà, người dân vùng núi cao vẫn thường lựa chọn những khu vực khuất gió, được núi rừng chắn gió hoặc dựng nhà thành quần thể để tránh các hình thái thời tiết cực đoan.

Bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Qua quan sát có thể nhận thấy, có một số căn nhà ở lắp ghép được dựng trên khu vực khá trống trải, điều này thuận lợi cho việc thi công, lắp đặt nhưng dễ bị tác động khi có giông lốc. Bên cạnh đó, theo mô hình nhà lắp ghép, mỗi căn nhà có tổng giá trị hỗ trợ là 50 triệu đồng bao gồm cả vật liệu, chi phí xây dựng. Riêng đối với móng nhà do người dân và chính quyền huyện, xã thực hiện; trong khi thực tế người dân vì thiếu kinh phí nên việc xây dựng móng nhà sơ sài, nền móng gia cố thiếu vững chắc. Bởi vậy việc cố định các cọc chịu lực vào móng nhà vẫn chưa đảm bảo vững chắc, dễ bị bung khi có gió lớn, lốc.

Nhiều người cho rằng, việc triển khai xây dựng, làm nhà lắp ghép hiện nay cần chú trọng tính phù hợp của công trình trong môi trường, điều kiện đặc thù của địa bàn miền núi; tránh hệ quả không mong muốn khi xảy ra thời tiết cực đoan.

Nhân lên ý nghĩa nhân văn của một cuộc vận động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO