Nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng mừng vui chờ tăng lương, tăng phụ cấp
(Baonghean.vn) - Đón nhận thông tin phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng sẽ được sớm tăng lên, cán bộ, nhân viên ngành y tế Nghệ An đã rất phấn khởi và cho rằng: Đây là một chủ trương đúng, trúng và rất kịp thời.
Mới đây, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Cán bộ y tế dự phòng vào bản điều tra dịch tễ. Ảnh: Thành Cường |
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế xây dựng, Bộ đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường. (Nghị định 562011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng là từ 40%-70%).
Ngày 27/10, trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, vấn đề điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được đưa ra và nhận được sự quan tâm, tán thành, đồng thuận cao của các địa biểu... Dự kiến, việc điều chỉnh tăng phụ cấp nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ được thực hiện vào ngày 01/01/2023.
Đón nhận thông tin phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng sẽ được sớm tăng lên, cán bộ, nhân viên ngành y tế Nghệ An đã rất phấn khởi và cho rằng: Đây là một chủ trương đúng, trúng và rất kịp thời.
Bác sĩ Vi Thị Hiền, Trạm Y tế xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu:
Trong những ngày chống dịch Covid-19, không có thời gian về nhà, bác sĩ Vi Thị Hiền phải đưa con nhỏ lên trạm để tiện làm việc. Ảnh: Thành Chung |
Cán bộ y tế cơ sở chúng tôi rất vui khi nhận được thông tin này. Thật sự mà nói, nhiệm vụ công tác của cán bộ y tế cơ sở thời gian trước đây và hiện nay rất nặng nề và vất vả. Số lượng đầu việc ở một trạm y tế cũng tương tự như số lượng đầu việc ở một cơ quan y tế cấp huyện, cấp tỉnh. Cán bộ trạm y tế phải làm rất nhiều việc từ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng, y tế học đường, an toàn thực phẩm, dân số kế hoạch hoá gia đình, phòng chống HIV, phòng chống Lao, cấp phát Methadone, truyền thông, quản lý bệnh không lây nhiễm, cho đến vệ sinh môi trường... Trong khi đó, số lượng cán bộ, nhân viên trạm y tế chỉ từ 4-6 người/trạm. Mỗi cán bộ trạm y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc và ít nhiều bị quá tải. Ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cán bộ y tế cơ sở phải làm việc với công suất 200-300%, không lúc nào ngơi tay.
Tiến sĩ Chu Trọng Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An:
Việc Bộ Y tế đề nghị nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng là rất đúng, phù hợp với thực tiễn cũng như sự mong mỏi của rất nhiều người. Phải nói rằng, y tế dự phòng là một lĩnh vực rất đặc thù. Trong điều kiện bình thường, những nhiệm vụ và công sức bỏ ra của những cán bộ, nhân viên y tế dự phòng thường âm thầm ít người có thể thấy rõ và đánh giá một cách đầy đủ. Chỉ khi dịch bệnh, sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung xảy ra, chúng ta mới thấy rõ sự vất vả, hy sinh của đội ngũ này.
Ví dụ như trong dịch Covid-19, những cán bộ, nhân viên y tế dự phòng là người tuyến đầu chống dịch. Họ đã không quản ngày đêm, khó khăn vất vả, hy sinh để đi vào tâm dịch, trực tiếp chống dịch. Thiên tai thảm hoạ cũng vậy, cán bộ, nhân viên y tế cũng đi đầu, đi trước để lo xử lý môi trường, nguồn nước để phòng chống dịch bệnh…Việc nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng là rất thấu tình, đạt lý.
Bác sĩ Hồ Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn:
Ở trạm y tế, nhân lực ít, cán bộ nhân viên y tế đang phải làm rất nhiều phần việc. Ảnh: Thành Chung |
Nếu việc sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP được thông qua, phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng được nâng lên thì đây chính là một sự động viên kịp thời cho cán bộ, nhân viên y tế. Bởi ở thời điểm này, ngành y tế nói chung và các đơn vị y tế, đời sống kinh tế của cán bộ nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là sau dịch Covid-19, đã có không ít cán bộ y tế nảy sinh tâm tư, ít nhiều uể oải… Việc nâng phụ cấp chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn làn sóng cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển dịch từ “công” sang “tư”.
Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo cho cán bộ, nhân viên y tế yên tâm phục vụ thì ngoài chế độ chính sách thì Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến việc đảm bảo nguồn nhân lực cho các đơn vị y tế công lập. Việc thực hiện giảm biên chế như hiện nay đang khiến cho nhiều trạm y tế thiếu nhân lực. Tiếp đó, cũng cần có thêm cơ chế, giải pháp để bảo vệ cán bộ y tế.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An:
Việc nâng phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng là sự động viên kịp thời, thấu tình đạt lý. Ảnh: Thành Cường |
Ngành y tế Nghệ An rất phấn khởi trước đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng. Việc nâng mức phụ cấp là rất xác đáng. Mong muốn rằng trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục xem xét, điều chỉnh nâng thu nhập cho tất cả các đối tượng thuộc ngành y tế bởi bản thân tất cả các đối tượng làm trong ngành y tế đều rất xứng đáng, bởi ở thời điểm nào thì các cán bộ, nhân viên y tế đã và đang làm việc hết sức vất vả, căng thẳng, chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, thu nhập của cán bộ y tế và nguồn thu của các đơn vị y tế hiện đang rất thấp.
Mong muốn, nhà nước cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục./.