Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An thiếu xe cứu thương

Thành Chung 05/05/2023 09:17

(Baonghean.vn) - Ở thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh đang thiếu xe cứu thương để vận chuyển cấp cứu bệnh nhân. Trong tình cảnh đó, dẫu đã được bố trí ngân sách để mua sắm nhưng đơn vị khám, chữa bệnh lại không thể mua được.

Thiếu xe vì “thầu mà không ai đến”

Vừa qua, trung tâm y tế một số địa phương trong tỉnh đã có báo cáo với các cấp, ngành chức năng về việc thiếu xe cứu thương để vận chuyển cấp cứu bệnh nhân; cần được sự quan tâm hơn để giải quyết những vướng mắc trong quá trình mua sắm.

Xe cứu thương là loại hình vận chuyển chuyên dụng quan trọng trong hoạt động khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu cấp cứu kịp thời, bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Tư liệu

Bác sĩ Đặng Tân Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết: Năm 2021, trung tâm đã đề xuất được mua xe cứu thương phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân trên địa bàn. UBND huyện Quỳ Châu đã có Quyết định số 4385/QĐ-UBND ngày 22/12/2021, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 với số tiền 800 triệu đồng để mua sắm. Cùng với đó, trung tâm cũng có Quyết định số 142/QĐ-TTYT trích nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là 50 triệu đồng để thêm vào mua sắm xe cứu thương.

Quý III/2022, Trung tâm Y tế huyện đã làm các thủ tục chuyển sang Trung tâm Hỗ trợ, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Nghệ An) để thực hiện mua sắm tập trung bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Tuy nhiên, gói thầu mua sắm tập trung xe ô tô cứu thương này đã không có đơn vị nào tham gia nên cuối năm 2022 nguồn tiền trên lại phải trả về ngân sách.

“Tỉnh chỉ cho định mức xe cứu thương huyện Quỳ Châu và các huyện khác là 850 triệu đồng. Trong khi đó, bây giờ không có đơn vị nào sản xuất xe 850 triệu đồng cả mà ít ra cũng phải 1,2 tỷ đồng. Việc không thể mua sắm được xe cứu thương đã khiến trung tâm gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho việc vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên địa bàn” - bác sĩ Đặng Tân Minh nêu rõ.

Tương tự, xe cứu thương của Trung tâm Y tế huyện Quế Phong được dự án cấp năm 2012 đã bị hỏng, không có linh kiện thay thế nên rất ảnh hưởng đến công tác cấp cứu bệnh nhân. Năm 2022, trung tâm đã được UBND tỉnh cho mua xe cứu thương (định giá 850 triệu đồng). Sở Y tế cũng đã làm đầy đủ thủ tục nhưng khi đấu thầu tập trung cũng không mua được do không có đơn vị tham gia.

Bác sĩ Lang Văn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chia sẻ: Thông tin phản hồi về qua 2 lần tổ chức đấu thầu đều không có đơn vị nào tham gia. Trên thị trường hiện không có loại xe đáp ứng đầy đủ cấu hình yêu cầu với mức giá 850 triệu đồng. Trung tâm Y tế huyện cũng đã có văn bản gửi về Sở Y tế xin hướng giải quyết.

Không riêng gì Trung tâm Y tế các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, mà trong năm 2022 nhiều đơn vị y tế khác ở tỉnh cũng không mua được xe cứu thương với lý do trên. Theo thống kê của Sở Tài chính Nghệ An, năm 2022 toàn tỉnh mời thầu 11 xe ô tô chuyên dụng, sau khi thông báo 3-4 lần mời thầu theo quy định nhưng chỉ có 1 xe trúng thầu (Cục Kiểm lâm), 10 xe không có ai bỏ thầu.

Cần quan tâm giải quyết

Xe cứu thương là loại hình vận chuyển chuyên dụng quan trọng trong hoạt động khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu cấp cứu kịp thời, bảo vệ sức khỏe người dân. Ở Nghệ An, hiện tại có 2 loại hình xe cứu thương, đó là xe do cơ sở y tế quản lý và xe thuộc các tổ chức, cá nhân. Thông tin từ Sở Y tế, tính đến cuối năm 2022, Nghệ An đang có 107 xe cứu thương do các bệnh viện, trung tâm y tế quản lý, có đầy đủ tín hiệu đèn, còi ưu tiên. Còn riêng xe thuộc các tổ chức, cá nhân (không thuộc thẩm quyền Sở Y tế quản lý) xấp xỉ khoảng 200 xe.

Các cấp ngành cần tạo điều kiện cho các cơ sở y tế có thể mua sắm, đảm bảo nhu cầu phục vụ hoạt động cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: Tư liệu

Sự khác biệt giữa 2 loại hình xe cứu thương này không chỉ nằm ở giấy phép, tín hiệu đèn, còi ưu tiên mà còn nằm ở chỗ các yêu cầu kỹ thuật, nhân lực kèm theo. Hầu hết xe cứu thương thuộc các tổ chức, cá nhân đều không có các dụng cụ y tế cần thiết để cấp cứu khi di chuyển bệnh nhân và không có nhân viên y tế đi cùng khi chuyển viện trong tình trạng bệnh nhân cấp cứu.

Theo đánh giá chung của ngành Y tế, hiện tại số lượng xe cứu thương theo định mức được giao tại các cơ sở y tế là không thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân. Thực trạng thiếu xe cứu thương không chỉ là câu chuyện của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện mà còn diễn ra tại các bệnh viện lớn.

Trước thực trạng thiếu xe cứu thương, nhiều đơn vị y tế trong tỉnh đã phải “thuê” xe cứu thương của các tổ chức, cá nhân để phục vụ nhu cầu hoạt động của mình. Bác sĩ Phạm Đình Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp cho hay: Hiện trung tâm có 1 xe cứu thương. Đây là xe mà huyện vận động được từ nhiều năm trước đây. Để đảm bảo hoạt động, trung tâm có liên kết thêm với 1 xe ngoài để phục vụ cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt, trong đợt cao điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, xe “thuê” cũng rất ít được sử dụng do có nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Với số lượng xe như vậy, hiện nay, hoạt động vận chuyển cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp mới đảm bảo việc chở bệnh nhân cấp cứu từ trạm y tế lên huyện, từ huyện đi tỉnh chứ chưa thể đưa bệnh nhân trở về nhà. Xe cứu thương của trung tâm hầu như hoạt động 24h/ngày. Trung tâm cũng đã đề xuất với Sở Y tế bố trí xe theo chương trình dự án nhưng vẫn chưa mua được.

Thực ra, việc tổ chức dịch vụ liên kết với cá nhân, doanh nghiệp để vận chuyển người bệnh chứa đựng rất nhiều rủi ro. Trong vài năm trở lại đây, tại Nghệ An đã có nhiều sự việc xe của tổ chức, cá nhân lợi dụng hình ảnh xe cứu thương để buôn hàng quốc cấm; tài xế xe cứu thương gây gổ, đánh nhau trên đường vận chuyển bệnh nhân; tài xế cứu thương đi lạc và đến muộn khiến sản phụ vừa sinh con tử vong nghi do không được cấp cứu kịp thời… Những sự việc đó đã làm méo mó hình ảnh ngành Y và các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Trước thực trạng này, rõ ràng, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần thực hiện tốt công tác thẩm định để sớm xem xét nâng định mức xe cứu thương; tạo điều kiện cho các cơ sở y tế có thể mua sắm, đảm bảo nhu cầu phục vụ hoạt động cấp cứu bệnh nhân… Về phía các địa phương cũng cần ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động y tế nói chung và mua sắm xe cứu thương nói riêng. Đồng thời, vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm trao tặng xe cứu thương cho các đơn vị y tế./.

Mới nhất

x
Nhiều cơ sở y tế ở Nghệ An thiếu xe cứu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO