Nhiều điểm mới về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

suckhoedoisong.vn 07/03/2021 10:22

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT, VSLĐ) về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Theo quy định mới, người lao động (NLĐ) có thể được hỗ trợ một số khoản như kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp không quá 15 triệu đồng; chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; phục hồi chức năng lao động...

Hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Nghị định 88 quy định chế độ cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN.

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, người lao động bị BNN, thân nhân người lao động bị BNN được Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) về TNLĐ, BNN chi trả các chế độ sau.

Người lao động cần nắm được những điểm mới về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh tư liệu Đức Anh

Đó là các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật AT, VSLĐ đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do BNN; đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm BNN hằng tháng.

Hỗ trợ 100% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám BNN sau khi đã được BHYT chi trả.

Hỗ trợ 100% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm người lao động chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được BHYT chi trả.

Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Nghị định 88 nâng mức hỗ trợ chi phí chữa BNN lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị BNN” thay vì chỉ giới hạn là người lao động bị BNN như trước đây.

Hỗ trợ kinh phí chữa BNN không quá 15 triệu đồng

Nghị định 88 quy định, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại Luật AT, VSLĐ 2015 khi có đủ các điều kiện sau: Đã được chẩn đoán bị BNN tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; Đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; Có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kha Văn Tám trao quà hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Ảnh tư liệu CTV
Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm người lao động chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.

So với quy định tại Nghị định 37/2016/NĐ-CP, mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN cao nhất là 15 triệu đồng, thay cho quy định trước đây không quá 10 lần mức lương cơ sở/người.

Nghị định mới đã bỏ điều kiện người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã tổ chức khám, phát hiện BNN cho người lao động theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế. Nếu giữ theo quy định cũ, nhiều người lao động không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa BNN do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho người lao động.

Không nghỉ việc không được hưởng chế độ dưỡng sức

Theo Điều 54 Luật AT, VSLĐ 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi,người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày cho một lần bị TNLĐ, BNN.

Trong những ngày đầu năm, rất nhiều đơn hàng tuyển dụng lao động trong và ngoài nước để người lao động lựa chọn. Ảnh tư liệu Đức Anh
Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, cũng theo Điều 9 của Nghị định 88, trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.

Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp

Người lao động được hỗ trợ kinh phí để khám BNN cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật AT, VSLĐ khi người lao động có thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám BNN cho người lao động. Đồng thời đã được phát hiện BNN tại các cơ sở khám bệnh, chữa BNN.

Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám BNN sau khi đã đượcBHYT chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám...

Mới nhất

x
Nhiều điểm mới về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO