Nhiều học sinh được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu

17/10/2016 17:20

(Baonghean) - HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em và gia đình nếu không may gặp thương tích, bệnh tật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh chưa nhận thức rõ điều đó.

Theo thống kê, năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 499.877/544.044 HSSV tham gia BHYT (đạt tỷ lệ 91,9%), trong đó HSSV tham gia BHYT tại trường là 305.768 em, HSSV tham gia BHYT theo các đối tượng khác là 194.109 em.

Một số địa phương, đơn vị trường học làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh tham gia BHYT nên tỷ lệ học sinh tham gia cao như: TP.Vinh, TX.Cửa Lò, các huyện Nam Đàn, Quỳ Châu, khối các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp...

Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành) trong giờ tập thể dục.
Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành) trong giờ tập thể dục.

Tuy kết quả trong công tác BHYT HSSV mà Nghệ An đạt được là rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn những bất cập, khi mà tỷ lệ HSSV tham gia BHYT không đồng đều ở các địa phương, một số huyện đạt rất thấp như Quỳnh Lưu (80,13%), Hoàng Mai (78,60%), Hưng Nguyên (80,56%).

Đặc biệt một số trường học, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt rất thấp, chỉ trong khoảng từ 20 - 40%, như Trường THPT dân lập Cù Chính Lan (20,43%), THPT dân lập Lý Tự Trọng (26,83%) của huyện Quỳnh Lưu; THCS Quỳnh Liên (30.95%), THCS Quỳnh Vinh (47,64%) của thị xã Hoàng Mai; THCS Hưng Yên (20,51%), Tiểu học Hưng Yên Bắc (22,25%), Tiểu học Hưng Yên Nam (28,64%) của huyện Hưng Nguyên… Đây là những địa bàn có đông đồng bào giáo dân, nhiều gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn…

Ở huyện Hưng Nguyên, qua tìm hiểu tại một số trường học có học sinh tham gia BHYT đạt thấp thường có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đó là tâm lý e ngại khi đi khám, chữa bệnh bằng BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở chưa cao, thậm chí có những người còn cho rằng “thuốc bảo hiểm không tốt bằng thuốc mua… Bên cạnh đó, có những nhà trường chưa thực sự vào cuộc, đang xem việc thu tiền BHYT là việc của ngành Bảo hiểm, các trường chỉ thu hộ mà thôi, điều này hoàn toàn không chính xác.

Ông Trần Duy Sơn - Giám đốc BHXH huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hầu hết những trường học có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp, đều rơi vào địa bàn vùng giáo, nhận thức của người dân về chính sách BHYT chưa được thông suốt.

Tuy nhiên, khi thực hiện việc tuyên tuyền, chúng tôi nhận thấy có những trường hợp những người đứng đầu các trường học cho rằng việc BHYT là trách nhiệm của ngành BHXH, như vậy là hoàn toàn sai. Vì BHYT là bắt buộc, các nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền vận động HSSV tham gia BHYT và thu BHYT từ HSSV. Còn nếu nhà trường cứ phó mặc trách nhiệm cho ngành BHXH thì sẽ không thể đạt được kết quả cao”.

Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền, các ban, ngành đoàn thể phối hợp tốt với cơ quan BHXH trong hoạt động này, ở đó công tác BHYT sẽ có những chuyển biến tích cực. Là một trong những huyện có đông đồng bào giáo dân, nhưng Yên Thành có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tương đối cao (đạt 95%). Trong đó, có một số trường nhiều năm liền đạt tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 100% như Tiểu học Hợp Thành, Tiểu học Phú Thành…

Bà Hoàng Thị Chín - Giám đốc BHXH huyện Yên Thành cho biết: “Yên Thành là một trong những huyện nghèo, dân số đông, đồng bào theo đạo Thiên Chúa thường sinh nhiều con. Chính vì thế, chúng tôi luôn ý thức được rằng việc tuyên truyền cho người dân tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Điều thuận lợi nhờ ngành Giáo dục, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, giao chỉ tiêu thi đua cho các nhà trường, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh…

Tại những xã đông đồng bào công giáo, gia đình đông con, chính quyền các xã đã phối hợp với BHXH huyện bố trí gặp gỡ, trao đổi với các linh mục để từ đó vận động giáo dân các giáo xứ hiểu và nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia BHYT. Trong các buổi tuyên truyền, chúng tôi lấy những ví dụ cụ thể như trường hợp của em Nguyễn Thị Tân để chứng minh cho lợi ích to lớn của việc tham gia bảo hiểm y tế”.

Hơn 7 tháng sau khi bị tai nạn, em Nguyễn Thị Tân luôn phải ở trong bệnh viện.
Hơn 7 tháng sau khi bị tai nạn, em Nguyễn Thị Tân luôn phải ở trong bệnh viện.

Có thể nói em Nguyễn Thị Tân ở xã Nhân Thành là một trường hợp rất đặc biệt. Năm 2015, trên đường đi học về, em bị chấn thương do trâu húc dẫn tới viên màng não phải đi rất nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tỉnh chữa trị rất tốn kém, riêng tiền chi trả cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã lên tới con số hơn 217 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Bính (phụ huynh của em Tân) cho biết: “Gia đình tôi không thuộc diện khá giả nhưng năm nào tôi cũng mua BHYT cho các con. Quả thật nếu không có BHYT thì không biết lấy chi trả nổi tiền viện phí, tiền thuốc men, nhất là trong bối cảnh giá viện phí, giá thuốc cao như hiện nay”.

Rõ ràng, lợi ích của BHYT HSSV đã rõ, bởi không riêng gì em Nguyễn Thị Tân, mà còn rất nhiều em khác nếu không tham gia BHYT thì sẽ rất khó khăn cho gia đình trong việc chi trả tiền viện phí, tiền thuốc men. Đơn cử như trường hợp của em Nguyễn Bá Học (SN 2007) ở Nghi Kiều (Nghi Lộc), BHYT chi trả hơn 162 triệu đồng; em Đoàn Hữu Khánh (SN 2005) ở thị trấn Quỳ Hợp, BHYT chi trả hơn 352 triệu đồng...

Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, để chính sách nhân văn này thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân đối với chính sách BHYT; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh BHHY với ngành BHXH; tạo thuận lợi trong việc cấp thẻ, giải quyết các thủ tục BHYT…

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhiều học sinh được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO