Nhiều nông hộ chưa tái đàn, Nghệ An thiếu hụt nguồn cung lợn thịt

Xuân Hoàng - Hữu Hoàn 12/04/2020 10:31

(Baonghean.vn) - Giá thịt lợn ở Nghệ An chưa có dấu hiệu giảm giá, vẫn đang ở mức cao, có nơi 180.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân chính được cho là do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tái đàn sau dịch tả châu Phi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lợn thịt.

Thịt lợn hiện đang bán với giá từ 150.000 đến 180.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng
Thịt lợn hiện đang bán với giá từ 150.000 đến 180.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng

Thịt lợn vẫn 180.000 đồng/kg

Trong những ngày 9 - 11/4, giá lợn hơi và thịt lợn bán trên địa bàn Nghệ An vẫn đang ở mức cao, có nơi 85.000 đồng/kg lợn hơi và 180.000 đồng/kg lợn thịt.

Theo nhiều hộ kinh doanh thịt lợn ở 1 số chợ tại Đô Lương: Giá thịt lợn hơi ở thời điểm này nếu mua ở các trang trại là 85 nghìn đồng/kg, mua ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 75 - 78 nghìn đồng/kg. Giá bán trên thị trường mỗi kg thịt lợn từ 150 - 180 nghìn đồng. Còn tại chợ thị trấn Tân Kỳ và thị trấn Yên Thành trong sáng 11/4, các chủ kinh doanh thịt lợn cho biết, giá thịt chưa giảm so với ngày 1/4, vẫn neo ở mức giá từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, nạc thăn có giá 170.000 đồng/kg.

Tìm hiểu được biết, giá thịt lợn tăng cao là do nông hộ chưa kịp tái đàn, nên lợn nuôi nhỏ lẻ trong dân không dồi dào như trước "cung không đủ cầu". Những người giết mổ lợn cho hay, hiện nay để bắt được lợn hơi trong dân ngày càng khó, bởi bà con nuôi ít.

Thiếu nguồn cung lợn thịt

Xã Nghĩa Thái là địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nhiều nhất huyện Tân Kỳ, nhưng hiện tổng đàn lợn giảm mạnh. Ông Phan Kim Vân - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái cho biết: Trước khi chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi, địa phương có gần 3 nghìn con lợn. Nhưng từ khi trên địa bàn xã xảy ra một số điểm dịch tả lợn châu Phi, người dân ngừng nuôi lợn, nên tổng đàn lợn thống kê đầu tháng 4 chỉ còn 1.818 con. Ông Vân cho rằng, giá lợn tăng mạnh trong thời gian qua là do người dân chưa tái đàn nên lượng thịt lợn hơi không dồi dào như trước.


Các trang trại chăn nuôi lợn tái đàn mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Xuân Hoàng
Các trang trại chăn nuôi lợn tái đàn mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Xuân Hoàng
Tiến Thành là một trong những xã có đàn lợn lớn của huyện Yên Thành, nhưng hiện nay cũng chỉ còn một nửa so với trước. Ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã cho biết, cách đây 1 năm địa phương có trên 4 nghìn con lợn, trong đó gần 1 nửa là dân nuôi nhỏ lẻ, còn lại là trang trại, gia trại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay đàn lợn của xã chỉ còn khoảng 2 nghìn con, chủ yếu là trang trại, gia trại, còn các hộ lẻ chưa dám tái đàn vì bệnh dịch chưa khống chế dứt điểm.


Ông Nguyễn Hữu Đại nhận định rằng, nguyên nhân giá lợn thịt đang cao là do đàn lợn trong dân chưa ổn định, dẫn đến cung không đủ cầu.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn Nghệ An có hơn 21 nghìn hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, với hơn 95 nghìn con lợn phải tiêu hủy, trong đó chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số gia trại. Hiện nay, số hộ đủ điều kiện tái đàn chưa nhiều, nên đa phần số hộ có lợn bị nhiễm dịch chưa tái đàn. Trên địa bàn tỉnh hiện còn gần 900 nghìn con lợn là chủ yếu do các trang trại, gia trại lớn tái đàn.

Số lượng lợn được nuôi trong nông hộ nhỏ lẻ hiện đang ít, nên khônng đáp ứng nhu cầu thịt lợn. Ảnh: Xuân Hoàng
Số lượng lợn được nuôi trong nông hộ nhỏ lẻ hiện đang ít, nên không đáp ứng đủ nhu cầu thịt lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn Nghệ An chủ yếu xuất chuồng với số lượng lớn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước. Còn lượng lợn bán ra thị trường hiện nay chủ yếu là trại lợn vừa, nhỏ và nuôi nhỏ lẻ trong dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khiến nhiều hộ dân chưa dám tái đàn; bên cạnh đó, một số địa phương hết dịch trong thời gian dài, mặc dù người dân đã tái đàn, nhưng vì lợn chưa đến kỳ xuất chuồng. Hoặc có thể do giá lợn đang ở mức cao, người dân chưa chịu bán, mà tiếp tục nuôi để tăng trọng lượng, nên thiếu nguồn cung trong thời điểm này.

Để giải quyết nguồn cung thịt lợn trên thị trường, ông Nguyễn Văn Lập cho rằng, Việt Nam đã nhập khẩu hàng chục nghìn tấn thịt lợn từ nước ngoài về, các thành phố lớn, thịt lợn nhập khẩu đã bán phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng. Do vậy, thời điểm này Nghệ An cũng cần có giải pháp đưa thịt lợn nhập khẩu về để khuyến khích người dân ăn thịt lợn nhập khẩu để cân bằng cung - cầu lượng thịt lợn trên địa bàn.

Mới nhất

x
Nhiều nông hộ chưa tái đàn, Nghệ An thiếu hụt nguồn cung lợn thịt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO