Nhiều thầy cô giáo không ý thức giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp

Thu Hằng 08/04/2018 07:26

Nhiều thầy cô gáo không ý thức giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp, không nắm được nguyên tắc sư phạm, coi thường tâm lý giáo dục...

“Ứng xử sư phạm của các thầy cô giáo đang có những hạn chế, gây ra hệ lụy khiến nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, thậm chí có những phản ứng tiêu cực từ học sinh, phụ huynh”. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận định như vậy.

PV:Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc thầy đánh trò, nhục mạ trò rồi những phản ứng tiêu cực từ phía học sinh và phụ huynh. Theo ông vì sao lại xảy ra những ứng xử thiếu chuẩn mực như vậy trong môi trường giáo dục?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Những sự xảy ra việc vừa qua với các nhà giáo, trước tiên các thầy cô giáo đã hành xử không đúng nguyên tắc sư phạm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo, không có ý chí quyết bảo vệ nhân phẩm, an toàn cho bản thân mỗi nhà giáo.

Ứng xử sư phạm của nhiều thầy cô giáo đang có những hạn chế gây ra không ít hệ lụy. Ảnh minh họa

Theo tôi, dường như nhiều thầy cô giáo không ý thức về nghề nghiệp và việc giữ gìn hình ảnh của mình. Do đó mới có việc cô quỳ gối trước mặt học trò, vì nghĩ rằng làm thế cho qua chuyện để mình không bị kỷ luật, chứ không nghĩ đến việc giữ hình ảnh nhà giáo của mình.

Thêm nữa, các thầy cô không nắm được nguyên tắc sư phạm, tức là nghề nghiệp không tinh thông, coi thường tâm lý giáo dục. Đáng lo ngại là vẫn còn mang nặng tư tưởng quyền uy trong nhà trường. Điều này rất nguy hiểm.

Để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm thì nhà giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nề nếp kỷ luật của nhà trường, của lớp học. Tuy nhiên, dù hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, vi phạm nhân cách học sinh.

Trong những sự việc này, bộ phận quản lý nhà trường cũng có lỗi của mình. Nhà trường để giáo viên không nắm được nguyên tắc, kỹ năng sư phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, danh dự của nhà giáo và để cha mẹ học sinh, người ngoài vào xâm hại nhà giáo, không bảo đảm an toàn về con người và nhân phẩm cao quý của nhà giáo...

PV:Dường như mối quan hệ của thầy cô với học trò, đặc biệt với cả phụ huynh đang “có vấn đề”, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Ứng xử sư phạm của các thầy cô hiện nay hết sức hạn chế, nó gây ra hệ lụy làm cho nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, nên gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Khi người ta coi thường nhà giáo, học sinh cũng coi thường thầy cô sẽ tạo ra bức xúc không đáng có. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển giáo dục, vì thầy cô không chỉ dạy học sinh bằng tri thức mà phải dạy bằng chính nhân cách của mình.

Nếu thầy cô nhân cách bị hạ thấp thì hiệu quả giáo dục rất thấp, thậm chí nó còn mang lại tác dụng ngược. Chúng ta phải nhìn vấn đề thấu đáo như vậy chứ không chỉ rút kinh nghiệm rồi cho qua như một số vụ việc vừa rồi.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội

Usinxki - nhà giáo dục danh tiếng của thế giới cho rằng: Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác. Nghề dạy học là cao quý vì nó phát triển nhân cách, xây dựng tương lai cho mỗi đứa trẻ.

Vì thế, việc thầy cô giữ hình ảnh của mình, giữ nhân cách của mình là vô cùng quan trọng, không chỉ cho bản thân mình mà đây cũng chính là công cụ để dạy học, công cụ để phát triển nhân cách cho chính học trò của mình. Đó là một đòi hỏi của nghề nghiệp, đòi hỏi của xã hội, nếu ai không đáp ứng được thì không nên theo nghề giáo.

Đặc biệt, trong nhà trường, dùng phương pháp giáo dục nào cũng phải kết hợp với cha mẹ học sinh để tranh thủ sự đồng tình, đồng thuận trong phương pháp giáo dục. Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không có hiệu quả giáo dục mà còn phản tác dụng.

PV:Vậy theo ông đâu là giải pháp để hạn chế những sự việc như thời gian qua và xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Giải pháp quan trọng nhất là các thầy cô tự bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ của mình, ý thức về nghề nghiệp của mình, giữ hình ảnh của mình thật đẹp đẽ trong sáng trong mắt học trò. Ngoài nâng cao kiến thức thì phải tự học tập, rèn luyện phương pháp ứng xử sư phạm, càng nắm tâm lý học trò, càng hiểu học trò thì quyết định của mình càng đúng và phương pháp dạy học của mình cũng linh hoạt đến được với học trò.

Còn thầy cô nào bí về phương pháp là do chẳng hiểu gì về học trò, không biết trò muốn gì? Quan trọng là phải thật sự thương yêu học sinh, tôn trọng và đối xử bình đẳng với học sinh... Ví dụ, ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) có 5 nguyên tắc được coi là chìa khóa để bồi dưỡng giáo viên. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là thầy cô phải tôn trọng học trò cả mặt mạnh và yếu của mỗi em. Học sinh được lựa chọn phương pháp giáo dục nào phù hợp, chứ giáo viên không được áp đặt...

Giải pháp tiếp theo là, bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong các trường sớm phải được học sinh, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cùng xây dựng, cùng thực hiện tốt thì vấn đề ứng xử thiếu chuẩn mực của nhà giáo mới sớm được chấm dứt. Trong những năm qua, Trường Đinh Tiên Hoàng cũng đã triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường và thường xuyên xem xét rút kinh nghiệm. Trường cũng xây dựng văn hóa học đường riêng, trong đó tôn vinh giá trị cốt lõi để thầy trò cùng rèn luyện, cùng thực hiện tốt...

PV:Xin cảm ơn ông!/.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Nhiều thầy cô giáo không ý thức giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO