Nhiều thí sinh Nghệ An có nguyện vọng, trường nghề hết chỉ tiêu

Mỹ Hà 13/09/2023 15:57

(Baonghean.vn) - Khác với nhiều năm trước, đến thời điểm này, nhiều trường nghề ở Nghệ An đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, trong khi vẫn có khá nhiều thí sinh có nguyện vọng được học.

Nhu cầu lớn

Gần 1 tuần sau ngày khai giảng nhưng điện thoại của phòng tuyển sinh - Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam vẫn nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh để xin cho con nhập học. Vừa trả lời điện thoại, vừa tư vấn cho phụ huynh, chị Bùi Thị Thu Hà - cán bộ tuyển sinh Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam cũng phải rất khéo léo để đưa ra lời từ chối không nhận thêm học sinh, bởi danh sách tuyển sinh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chốt vào đầu tháng 9.

Nói thêm về điều này, chị Hà cho biết: Một phụ huynh ở xã Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu) gọi điện muốn tìm hiểu để con trai vào học ở trường chúng tôi vì ở đây vừa học văn hóa, vừa học nghề. Con trai chị học xong lớp 9 rồi đi vào Nam làm thêm, bây giờ muốn đi học nhưng khó tìm được trường phù hợp. Tất cả các trường hợp này chúng tôi đều không thể tiếp nhận vì các lớp đều đã đủ chỉ tiêu theo quy định.

Một buổi học của các tân học sinh trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam.jpg
Một buổi học của các tân học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: Mỹ Hà

Năm học 2023 - 2024, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam tuyển sinh được 495 chỉ tiêu. Đây đều là học sinh phân luồng vừa hoàn thành chương trình THCS và có nguyện vọng tiếp tục vừa học văn hóa, vừa học nghề. Trong số học sinh nhập học năm nay, hơn một nửa là học sinh của thị xã Hoàng Mai và học ngay tại thị xã. Còn lại là học sinh trong toàn tỉnh đến học và chủ yếu ở nội trú ngay tại trường. Nhiều em trong số này có học lực khá tốt với điểm thi vào lớp 10 khá cao.

Học sinh Hoàng Anh Vũ nhà ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh là trường hợp như thế. Ở Kỳ thi vừa qua, Lộc thi vào lớp 10 được 19 điểm và đủ điểm để đậu vào một trường công lập trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, thay vì chọn trường công, Vũ quyết định tham gia học nghề vì theo em chương trình này có nhiều lợi thế: Với chương trình hiện nay, em chỉ phải học văn hóa 7 môn và buổi chiều em có thể học thêm một nghề trình độ trung cấp. Trong đó, học nghề sẽ được miễn học phí. Em nghĩ rằng, với lực học vừa phải của mình, việc lựa chọn này là phù hợp và em có thể dễ dàng có được việc làm sau khi ra trường, rút ngắn thời gian học tập.

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc tuyển sinh của Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam đã không còn khó khăn nhiều như trước đây nữa. Ngoài đăng ký vào học để học nghề, nhận thức của học sinh cũng đã thay đổi.

Gọi là trường nghề nhưng chúng tôi rất chú trọng vào học văn hóa với mục đích để những em có năng lực, có quyết tâm, có nhiều cơ hội vào đại học. Như năm học vừa rồi, trường có 100% học sinh đậu tốt nghiệp, nhiều em có điểm thi 3 môn tổ hợp trên 25 điểm, 100% học sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh được công nhận học sinh giỏi và có 2 giải Nhất. Hơn 50% học sinh sau khi tốt nghiệp đã trúng tuyển vào đại học. Những em có năng lực kém hơn được định hướng học nghề và các em có việc làm sau khi ra trường. Vì vậy, số lượng học sinh đăng ký học nghề ngày một nhiều hơn.

ông Phan Xuân Dũng - Hiệu trưởng nhà trường

Tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, đến thời điểm này nhà trường cũng đã hoàn thành công tác tuyển sinh trong năm học 2023 - 2024 với hơn 550 chỉ tiêu. Trong số này chỉ có khoảng 20% là học sinh là con em trên địa bàn huyện Con Cuông. Còn lại, vùng tuyển sinh trải dài từ huyện Kỳ Sơn xuống huyện Thanh Chương. Đối tượng tuyển sinh là học sinh lớp 9 vừa hoàn thành chương trình THCS.

bna_Giờ học may của học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An.jpg
Giờ học may của học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Nhà trường

Qua trao đổi, ông Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi có 2 chương trình song song để học sinh lựa chọn. Vì vậy, hiện nay có khoảng 80 học sinh lựa chọn chương trình học 3 năm liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên. Với chương trình này, học xong các em có thể tham gia thi tốt nghiệp và có bằng THPT, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Số còn lại, các em sẽ học văn hóa, song song với học nghề với thời gian học 2 năm. Học xong các em vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng.

Nhiều cơ hội cho sinh viên trường nghề

Chương trình học bổng Kỹ thuật viên là hoạt động thường niên đã được Công ty LG Display tổ chức tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Trong năm nay, chương trình vừa được tổ chức vào đầu tháng 9 với sự tham gia của hàng trăm sinh viên đang học năm thứ 3 của nhà trường.

Chia sẻ về chương trình này, ông Lê Quang Suốt - Phó phòng tuyển dụng công ty cho biết: Chúng tôi chọn thời điểm đầu tháng 9 để triển khai chương trình học bổng vì đây là thời điểm các sinh viên bắt đầu đi thực tập. Trong năm nay, chúng tôi sẽ trao học bổng cho khoảng 20 sinh viên đến thực tập tại công ty và cam kết làm việc 2 năm tại đơn vị sau khi ra trường. Trong thời gian thực tập các em được hướng dẫn, đào tạo về kỹ thuật, được trả lương theo quy định, được tặng quà vào các dịp lễ, tết khi thực tập.

bna_Sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam Hàn quốc tham gia buổi tuyển sinh viên thực tập.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam Hàn Quốc tham gia buổi tuyển sinh viên thực tập. Ảnh: Mỹ Hà

Trước khi triển khai chương trình này, tại Công ty LG Display có hơn 100 cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đang làm việc và được đánh giá khá cao về năng lực, tay nghề. Vì vậy, trong những năm tới, khi công ty đang tiếp tục được mở rộng về quy mô thì nhu cầu việc làm rất lớn, nhất là những lao động được đào tạo bài bản thuộc các ngành nghề Điện, Điện tử, Điện công nghiệp, Chế tạo máy, Tự động hóa…

Dù đến thời điểm này, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chỉ tuyển sinh được khoảng 60% chỉ tiêu nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn lạc quan về kết quả tuyển sinh của nhà trường vì thời điểm này mới bắt đầu vào mùa tuyển sinh. Qua trực tiếp tại một số lớp học, nhiều tân sinh viên của nhà trường cho biết, dù có nhiều cơ hội trúng tuyển vào đại học nhưng các em vẫn quyết định lựa chọn nghề vì nhiều ngành nghề dễ kiếm việc làm sau khi ra trường.

Học sinh Hà Văn An - nguyên là học sinh Trường THPT Anh Sơn 2 và vừa tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm thi khối D là 25 điểm. Tuy nhiên, thay vì đăng ký xét tuyển vào đại học, An đã quyết định đăng ký vào ngành điện công nghiệp và tham gia nhập học trước 1 tháng. Nam sinh này cũng nói rằng, không ân hận khi không học đại học. Thay vào đó, em có cơ hội được trải nghiệm một ngành nghề mới, được các thầy giáo cầm tay chỉ việc khi chỉ có 20% chương trình là lý thuyết, còn lại là thực hành. Học sinh này cũng hy vọng, từ năm thứ 2, em sẽ đi thực tập và có thể tự kiếm được thu nhập để trang trải cho cuộc sống.

Nói về công tác tuyển sinh, ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, dù việc tuyển sinh trường nghề có những khó khăn riêng nhưng với những ưu thế riêng, trường nghề vẫn hút sinh viên nếu các em có nguyện vọng học thực sự. Cụ thể, trong 3 năm học ở trường, các em thực tập tại doanh nghiệp đã có thể được trả lương với mức hỗ trợ gần 40 triệu đồng. Trong khi đó, mức học phí thu cho cả khóa học chỉ gần 30 triệu đồng. Việc các em đích thân kiếm tiền và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp sẽ giúp các em sẽ thấy được giá trị của đồng tiền.

Về phía doanh nghiệp, từ quá trình thực tập sẽ thấy được năng lực của sinh viên và giúp các em có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên ở trường chúng tôi có nhiều con đường để đi làm việc tại nước ngoài, theo con đường chính thống nếu các em có năng lực, có hoài bão.

Qua thực tế tuyển sinh của các trường nghề trong mấy năm trở lại đây, ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm ở Nghệ An đang đi đúng hướng. Hiện nay, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp được quan tâm, chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, trên cơ sở chuẩn đầu ra của người học sau tốt nghiệp. Vì thế, một số ngành nghề bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh, yêu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn trong hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đạt trên 90%, có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng.

bna_Giờ học của các tân sinh viên khoa điện Trường cao đẳng ký thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.jpg
Giờ học của các tân sinh viên khoa Điện - Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Dự kiến, ngay sau khi các trường đại học hoàn thành công tác tuyển sinh thì mùa tuyển sinh trường nghề mới chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nhiều trường nghề đã về đích sớm hơn kế hoạch và đó là tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức về học nghề đã có sự thay đổi theo hướng thực tế hơn, để đảm bảo sớm có việc làm, thu nhập ổn định ngay sau khi ra trường./.

Mới nhất

x
Nhiều thí sinh Nghệ An có nguyện vọng, trường nghề hết chỉ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO