Nhiều tình tiết cần làm rõ vụ khởi tố nhà báo
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với nhà báo Lê Duy Phong.
Hình ảnh nhà báo Duy Phong bị bắt khi nhận tiền của doanh nghiệp |
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc, báo điện tử Giáo dục Việt Nam để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị bắt trên bàn nhậu
Chiều 26/6, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, sáng cùng ngày, ông đã đại diện cơ quan lên làm việc với Công an TP Yên Bái về vụ việc nhà báo Lê Duy Phong bị bắt giữ. Theo đó, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái đã thông báo đến lãnh đạo báo điện tử Giáo dục Việt Nam những thủ tục tố tụng đã tiến hành, để cơ quan có nhà báo bị bắt giữ nắm thông tin.
Ông Nguyễn Tiến Bình cho biết, tại buổi làm việc, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa ra một số kiến nghị với cơ quan CSĐT. Trước hết, báo yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái thực hiện đúng quy định của pháp luật để đảm bảo không có việc bức cung, nhục hình, đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho nhà báo Phong.
Thứ hai, yêu cầu cơ quan CSĐT đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư tiếp cận với nhà báo bị bắt giữ. Thứ ba, đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc lên Bộ Công an làm để đảm bảo khách quan. Đề nghị này được đưa ra vì nhà báo Lê Duy Phong là người vừa trực tiếp thực hiện loạt bài điều tra về khu biệt thự của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, nên nếu để Công an Yên Bái điều tra e rằng không bảo đảm tính khách quan.
“Tôi cũng đề nghị bảo lãnh cho ông Phong được tại ngoại, nhưng CQĐT nói, họ sẽ xem xét và trả lời căn cứ trên những quy định của pháp luật”, ông Bình thông tin và cho biết thêm, vào hôm ông Phong bị bắt, báo Giáo dục Việt Nam không cử nhà báo này đi làm nhiệm vụ, khi đó ông Phong chỉ đi chơi, gặp bạn và ngồi nhậu.
Trước đó, ngày 23/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phong về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Các quyết định này được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn vào ngày 25/6.
Nhận tiền để bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp?
Theo thông tin Công an TP Yên Bái thông tin với báo chí, vào 12h45 ngày 22/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái đã bắt quả tang nhà báo Lê Duy Phong nhận tiền của một doanh nghiệp tại nhà hàng ăn uống Oanh Hiện (tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái). Việc nhận tiền này được cho là để bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp đã đưa tiền.
Chiều 26/6, Công an tỉnh Yên Bái đã thông tin chính thức vụ việc. Thượng tá Chu Văn Hải, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Yên Bái cho biết, tại thời điểm bắt quả tang, công an xác định Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp, tuy nhiên, vị này từ chối tiết lộ thông tin về doanh nghiệp này vì cho rằng, cần phải bảo vệ bị hại. Ngoài ra, theo lời khai ban đầu, Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Về một số thông tin cho rằng Công an TP Yên Bái đã “gài bẫy” để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh cho hay, việc bắt quả tang là có cơ sở, CQĐT làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi báo chí đặt hàng loạt câu hỏi khác như mối quan hệ giữa Lê Duy Phong và doanh nghiệp đưa tiền; Lê Duy Phong có dọa dẫm hoặc gợi ý để doanh nghiệp đưa tiền hay không; khi bắt quả tang thì số tiền 50 triệu đồng đang để trên bàn hay đã cất vào túi của Phong; mục đích doanh nghiệp đưa tiền là gì; các dấu hiệu và căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can là gì; có thông tin cho rằng, khi bị bắt, doanh nghiệp cung cấp số sêri tiền cho công an, khi kiểm tra thì đúng hoàn toàn, phải chăng có sự sắp đặt từ trước... Tuy nhiên, Thượng tá Hải cho hay, vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin.
Trong một diễn biến khác, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đã giao cho Trưởng Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam liên hệ với các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc bắt giữ nhà báo Lê Duy Phong để nắm vụ việc một cách kỹ lưỡng hơn. “Phải có thông tin tương đối xác thực thì Hội mới có động thái phù hợp được”, ông Lợi cho biết.
Trong khi đó, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm, có thể tại Hội nghị giao ban của Ban Tuyên giáo vào sáng nay (27/6), lãnh đạo báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ báo cáo cụ thể toàn bộ vụ việc.
"Để kết luận việc nhà báo Duy Phong nhận tiền còn cần rất nhiều yếu tố phải làm sáng tỏ, ví dụ, phía cơ quan công an có cung cấp được các bằng chứng cho thấy nhà báo Duy Phong có sự vòi vĩnh, đòi tiền doanh nghiệp? Phải làm rõ doanh nghiệp đưa tiền cho nhà báo có đang vi phạm pháp luật không? Bên cạnh đó, trong quá trình đưa tiền, nhà báo có đang trong trạng thái tỉnh táo hay không, vì nếu say rượu thì sẽ mất hết hành vi dân sự. Có thông tin doanh nghiệp còn đọc cả số seri tiền vừa đưa. Đây có thể là một “âm mưu” có trước, có dấu hiệu không bình thường vì nếu đưa tiền bình thường thì không ai có thể nhớ số seri được.Vụ việc thẩm quyền công an TP Yên Bái thụ lý là đúng, nhưng trong trường hợp này, để đảm bảo tính khách quan, Bộ Công an hoặc Cục Điều tra của VKSND Tối cao nên rút hồ sơ lên điều tra". Luật sư Nguyễn Danh Huế |
Theo Báo Giao thông
TIN LIÊN QUAN |
---|