Người Đan Lai ở Thạch Ngàn

Ấy là câu nói mà chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội Trưởng Hội phụ nữ, phó ban công tác mặt trận bản Thạch Sơn (nơi được lựa chọn để xây dựng khu tái định cư số 01 – hợp phần đầu tiên của Đề án “Bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai” sinh sống tại vùng lõi rừng Quốc gia Pù Mát) nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi dẫn chúng tôi lên thăm đồi keo rộng mênh mông của gia đình.

Nhớ lại thời điểm cùng chồng là anh La Đình Thẩm và các con rời Khe Khặng xã Môn Sơn về nơi ở mới tại xã Thạch Ngàn vào năm 2007, chị Hương cho biết: đó là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, sau hơn 13 năm, cuộc sống của người dân Đan Lai đã bước sang một trang mới. Từ 41 hộ ban đầu nay bản Thạch Sơn đã có 54 hộ, 265 khẩu, cuộc sống của người dân đã đi vào ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Sự thay đổi thể hiện không chỉ trong đời sống kinh tế mà trong cả nhận thức tư duy. Từ tộc người chỉ biết vào rừng săn thú, xuống suối bắt cá sống qua ngày, qua 13 năm định cư ở bản Thạch Sơn, người Đan Lai đã thành thạo trồng lúa, trồng ngô, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ còn khá lên nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi xuất khẩu lao động.

Bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông).
Bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông).

Nhiều gia đình còn khoanh nuôi trang trại để chăn nuôi trâu bò tập trung như gia đình anh La Đình Thẩm, chị Nguyễn Thị Hương với 10 con trâu, bò có thời điểm lên tới 15 con, 13 ha keo, 2 ha sắn… Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thẩm, chị Hương còn chăm lo đến sự học với mong muốn “có kiến thức để giúp bà con dân bản”. “Ngoài công việc ở xóm, chị Hương hiện là đại biểu hội đồng nhân dân xã, cô con gái La Thị Sơn ngày mới theo bố mẹ về nơi ở mới chỉ là cô bé đen nhẻm, rụt rè tầm 10-11 tuổi nay là Bí thư Chi đoàn xóm năng động, nhiệt tình và vừa mới được kết nạp Đảng, gia đình kiểu mẫu đấy”, đồng chí Ngân Văn Nhung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho hay.

Nghe lời giới thiệu, cô gái trẻ La Thị Sơn cười ngại ngùng: “Có gì đâu, em chỉ muốn góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào sự thay đổi cuộc sống của bà con, nhất là thế hệ trẻ tộc người Đan Lai thôi, vì em cũng là người Đan Lai mà”.

Hàng xóm nhà chị Hương, gia đình ông La Văn Lợi cũng được xem là điển hình làm kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn và trồng keo. Người đàn ông có nước da ngăm đen, đôi mắt sáng đặc trưng của người Đan Lai cho biết “Dẫu còn khó khăn nhưng so với trước đây cuộc sống của chúng tôi giờ khá hơn rất nhiều, cũng gần giống như người bản địa rồi. Hiện trong bản có 100% nhà kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Mừng nhất là lớp trẻ tộc người Đan Lai giờ tiến bộ rồi, dần phá vỡ hôn nhân cận huyết thống, trai gái không lấy nhau quanh quẩn trong bản như trước đây mà dựng vợ, gả chồng, mở rộng quan hệ giao lưu, hòa nhập với các dân tộc khác trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Hương và con gái - đảng viên trẻ La Thị Sơn trao đổi với cán bộ xã Thạch Ngàn; Cán bộ xã Thạch Ngàn thăm đồi keo ở bản Thạch Sơn.
Chị Nguyễn Thị Hương và con gái - đảng viên trẻ La Thị Sơn trao đổi với cán bộ xã Thạch Ngàn; Cán bộ xã Thạch Ngàn thăm đồi keo ở bản Thạch Sơn.

Chỉ mới về nơi ở mới gần 3 năm (từ tháng 10/2019) nhưng 35 hộ, 117 khẩu Đan Lai ở khu tái định cư Bá Hạ tỏ ra hòa nhập rất nhanh với nơi ở mới. Những ngôi nhà dự án xây dựng đã được bà con sửa sang, khoanh bờ rào trồng rau đủ loại. Nhiều nhà còn có khu vực chăn nuôi gia cầm. Trên những thửa ruộng ngay phía trước khu tái định cư, ngô, lúa đã lên xanh mơn mởn.

Một góc khu tái định cư Đan Lai ở bản Bá Hạ.
Một góc khu tái định cư Đan Lai ở bản Bá Hạ.

Bí thư Chi bộ bản Bá Hạ Vi Văn Kháng dẫn chúng tôi đi một vòng thăm quan cuộc sống của bà con tái định cư, quá trưa ghé vào thăm nhà ông La Văn Thái, 62 tuổi khi ông mới đi rẫy về, những giọt mồ hôi còn vương trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Người đàn ông Đan Lai vẫn nở nụ cười tươi: “may mà gặp, tôi về trước nấu cơm thôi, bà nhà tôi còn chưa về, hăng say lao động lắm”. Gia đình 4 khẩu của ông Thái trước đây ở bản Cò Phạt ở vùng lõi Quốc gia Pù Mát. Cũng như mọi người dân Đan Lai khác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì ruộng ít, bên cạnh đó Nhà nước đã có chủ trương cấm phát rẫy, cấm săn bắn rồi, nên hàng ngày chỉ biết lên rừng kiếm măng, nhặt củi và xuống khe tìm cá thôi.

Từ ngày về khu tái định cư Bá Hạ, đón 2 cái Tết đầm ấm nơi ở mới, với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, gia đình ông Thái đã vượt qua bỡ ngỡ ban đầu để hòa nhập với người dân bản địa. Ngoài làm ruộng nước, chăn nuôi con gà, lứa lợn, hai ông bà còn có 1.500 gốc keo “sướng nhất là giờ đau ốm không còn phải lo nữa, chỉ cần gọi một cú điện thoại có xe đón tận nơi, con cháu đi học cũng thuận lợi hơn”, ông Thái bày tỏ.

Gia đình chị La Thị Mơ cũng là một trong những hộ bắt nhịp nhanh với cuộc sống mới ở khu tái định cư. Hiện gia đình chị có 6 con bò, 6000 gốc keo, ngoài ra còn trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, cuộc sống dần đi vào ổn định. “Hồi còn ở Khe Khặng sản phẩm làm ra chỉ tự cung tự cấp là chính, không bán được, còn ở đây cái gì cũng có thể đem bán lấy tiền, từ mớ rau, con cá, con gà…”, chị La Thị Mơ cho hay.

Nhiều người dân còn biết đưa sản phẩm lên Facebook, Zalo để bán hàng, ví như chuối hột bà con đem về thái mỏng, phơi khô đem bán “chuối hột khô bán khoảng 100 nghìn/ yến, chuối hột tươi khoảng 50 nghìn/ yến, được giá lắm, rao trên Facebook một ngày là bán hết…”, anh Nguyễn Văn Long (chồng chị La Thị Mơ) ngừng tay thái chuối chia sẻ.

Dưới sự “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp và các đoàn thể, “phụ nữ Đan Lai ở khu tái định cư Bá Hạ không chỉ thành thạo trong việc trồng lúa, trồng ngô, trồng keo… làm đất, lên luống trồng rau mà còn mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn KHKT, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nữa đấy, không nấp sau cửa hay trốn trong bếp mỗi khi có người lạ nữa đâu…”, chị La Thị Phúc chia sẻ.

Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thạch Ngàn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa; Ruộng lúa của người dân Đan Lai; Chị La Thị Mơ là một điển hình phát triển kinh tế ở khu tái định cư Bá Hạ với mô hình chăn nuôi bò, trồng keo; Cán bộ xã Thạch Ngàn trao đổi về tình hình sản xuất với anh La Văn Điệp (áo trắng); Lãnh đạo xã Thạch Ngàn thăm gia đình ông La Văn Thái.
Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thạch Ngàn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa; Ruộng lúa của người dân Đan Lai; Chị La Thị Mơ là một điển hình phát triển kinh tế ở khu tái định cư Bá Hạ với mô hình chăn nuôi bò, trồng keo; Cán bộ xã Thạch Ngàn trao đổi về tình hình sản xuất với anh La Văn Điệp (áo trắng); Lãnh đạo xã Thạch Ngàn thăm gia đình ông La Văn Thái.

Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, ngay khi đón các hộ dân Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt nơi thượng nguồn khe khặng về nơi ở mới, Đảng ủy xã Thạch Ngàn đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác, phân công cán bộ đoàn thể, đảng viên bám cơ sở, giúp đỡ các hộ dân Đan Lai ổn định cuộc sống. Ví như đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh, mỗi tổ chức giúp đỡ 5 hộ; Hội Nông dân hỗ trợ 6 hộ và Hội Phụ nữ giúp đỡ 6 hộ… Bên cạnh đó còn có tổ chỉ đạo sản xuất do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng đã trực tiếp hướng dẫn bà con, tập huấn kỹ thuật, phát giống cho bà con trồng ngô, trồng lúa, trồng rau và các loại cây ăn quả tại vườn. Một số hộ năng động còn được hướng dẫn đào ao thả cá, tận dụng triền đồi trồng các loại cây để tăng sinh kế hoặc làm chuồng để chăn nuôi gà, ngan.

Ông Võ Đình Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã xác định việc thay đổi nhận thức, phong tục tập quán, nề nếp sản xuất của bà con Đan Lai mới tái định cư không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi sự kiên trì “mưa dầm thấm lâu”. May mắn là chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm từ việc tiếp nhận người dân Đan Lai về tái định cư ở bản Thạch Sơn từ năm 2007 nên cũng thuận lợi hơn”.

Mặc dù Thạch Ngàn còn là xã nghèo, đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền vẫn ưu tiên quan tâm động viên người dân tái định cư mới. Năm 2020, ngoài các chính sách của Nhà nước, từ nguồn của dự án mỗi hộ dân Đan Lai ở Khu tái định cư Bá Hạ được hỗ trợ 1 con bê giống.

Về mặt quản lý hành chính, các hộ dân ở khu tái định cư Đan Lai mới được sáp nhập vào bản Bá Hạ, chia thành 2 cụm, cụm trong gồm 68 hộ đồng bào dân tộc Thái, cụm ngoài gồm 35 hộ dân Đan Lai mới tái định cư. Theo Bí thư chi bộ Bá Hạ Vi Văn Kháng, tuy có hơi vất vả một chút trong việc điều hành, chỉ đạo như chi bộ, ban quản lý bản luôn cố gắng tạo sự hài hòa, thống nhất. “Tháng này họp ở cụm trong thì tháng sau họp ở cụm ngoài, bà con đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, không có sự phân biệt gì cả. Hiện chi bộ bản Bá Hạ có 10 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên người Đan Lai là anh La Văn Bảy đấy”, ông Vi Văn Kháng hồ hởi.

Lãnh đạo và các ban ngành đoàn thể xã Thạch Ngàn thăm hỏi, hướng dẫn người dân tình hình sản xuất ở khu tái định cư Bá Hạ; Người dân Đan Lai sử dụng máy xay xát phục vụ chăn nuôi.
Lãnh đạo và các ban ngành đoàn thể xã Thạch Ngàn thăm hỏi, hướng dẫn người dân tình hình sản xuất ở khu tái định cư Bá Hạ; Người dân Đan Lai sử dụng máy xay xát phục vụ chăn nuôi.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, cả từ phía cấp ủy chính quyền địa phương lẫn những người dân Đan Lai đến tái định cư để cùng xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở. Theo anh La Văn Điệp – Phó Trưởng bản Bá Hạ, Cụm trưởng ở khu tái định cư mới cho biết: “Khó khăn hiện nay là vẫn là về nguồn nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất. Nhiều giếng khoan không có nước, nếu có thì cũng ít tầm tháng 5-6 là khô hết. Cả cụm chỉ có 2 giếng nhà ông Bảy và ông Tùng là có nước, còn lại bà con phải tự dẫn nước ở khe lên”. Ngay cả ở bản Thạch Sơn cũng phải đối diện với khó khăn về nguồn nước, nhất là mùa khô. “Cả bản chỉ có vài hộ là giếng có nước, còn lại phải dẫn nước từ khe về, nhà thì có bể lắng, máy lọc, nhà thì không…”, chị Nguyễn Thị Hương bản Thạch Sơn cho hay.

Tìm hiểu được biết, không riêng gì hai khu tái định cư của tộc người Đan Lai ở bản Thạch Sơn và Bá Hạ mà hầu như các bản ở Thạch Ngàn đều gặp khó khăn về nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất vào mùa khô. “Năm nào xã cũng phải trích kinh phí hỗ trợ dân cống dẫn nước dọc theo khe để lấy nước sinh hoạt. Riêng hai bản Thạch Sơn và Bá Hạ nguồn nước được dẫn từ đập Bá Hạ nhưng nguồn nước không được sạch và cũng không dồi dào vào mùa khô”, ông Ngân Văn Nhung – Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho biết.

Về đất sản xuất, hiện tại 35 hộ ở Khu tái định cư Bá Hạ đã được cấp giấy chứng nhận cho 3 loại đất gồm (đất ở, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp). Trong đó tổng đất sản xuất nông nghiệp đã được chia theo khẩu (cả đất lúa và đất màu) của khu tái định cư Bá Hạ khoảng 8, 7ha, đất lâm nghiệp mỗi gia đình được chia 2ha giao khoán theo hình thức bảo vệ rừng. Nhiều người dân bày tỏ mong muốn “được tạo điều kiện thêm đất vệ rừng cho dân trồng cây keo, cây mía để đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống”.

Khu tái định cư Bá Hạ còn gặp khó khăn về nguồn nước vào mùa khô; Nước sinh hoạt ở đây còn khó khăn; Người dân nơi đây dẫn nước từ khe phục vụ sinh hoạt.
Khu tái định cư Bá Hạ còn gặp khó khăn về nguồn nước vào mùa khô; Nước sinh hoạt ở đây còn khó khăn; Người dân nơi đây dẫn nước từ khe phục vụ sinh hoạt.

Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng theo phó bản Bá Hạ La Văn Điệp, bà con Đan Lai đều nhận thấy nơi ở mới thuận tiện hơn nhiều so với nơi ở cũ, từ đường giao thông đi lại, khám chữa bệnh, đến chuyện học hành của con cái hay phát triển kinh tế. Do vậy, bà con quyết tâm an cư, lạc nghiệp, đoàn kết, gắn bó với đồng bào các dân tộc xây dựng cuộc sống mới tại khu tái định cư, viết nên lịch sử mới cho tộc người “ngủ ngồi” Đan Lai.

Gia đình hạnh phúc của anh La Văn Điệp ở khu tái định cư Đan Lai.
Gia đình hạnh phúc của anh La Văn Điệp ở khu tái định cư Đan Lai.