Nhớ Bác Tôn
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 và mất ngày 30/3/1980. Cuộc đời 92 mùa xuân, trong đó gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Người là nhà lãnh đạo lỗi lạc mà nhân dân ta vẫn trìu mến kính trọng gọi là Bác Tôn.
“Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người” - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Hồi ức của người thư ký riêng
11 năm đảm nhận công việc thư ký riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Lê Hữu Lập sở hữu vô vàn những hồi ức về nhà cách mạng lỗi lạc này. Với ông, mỗi lát cắt ký ức làm nên một nét họa riêng cho tính cách con người Bác Tôn, một con người cả trong cuộc sống lẫn công việc đều hết sức bình dị, mẫu mực.
Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. |
Theo ông Lập: “Bác Tôn rất giống với Bác Hồ ở chỗ luôn sống giản dị, không xa mức sống của dân thường. Khi làm việc trong phòng, Bác Tôn thường chỉ mặc quần áo lá. Áo lá là loại áo của miền Nam, cổ thìa, cài cúc ở giữa, có 2 túi 2 bên. Mùa Đông, khi tôi sang thì thấy Bác Tôn mặc cái áo len màu nâu đã cũ mèm. Phía dưới gấu áo bị rách, Bác tự vá lấy bằng vải. Những cái áo len dài tay còn lành, Bác cho hết cán bộ tập kết từ miền Nam ra. Khi tôi về làm thư ký, nhận được thư của cán bộ tập kết xin Bác Tôn đồ, là tôi chuyển hết về cho bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố giải quyết. Chứ Bác cứ cho hết đồ của mình thì lấy gì mà dùng. Xuất thân là công nhân nên Bác Tôn coi việc tự làm lấy mọi thứ như là một việc giải trí. Trong ngăn kéo của Bác Tôn bao giờ cũng có đủ các bộ đồ nghề như mộc, nguội... Ngày đó, chiếc xe đạp Tiệp Khắc bán cung cấp là 13 đồng, bán tự do thì 18 đồng. Bác Tôn mua một chiếc và trả 18 đồng, vì Bác bảo mình đã được cung cấp ô tô rồi, còn đi tranh mua ưu tiên một cái xe đạp làm gì. Bác Tôn luôn tự sửa chữa và chăm sóc cho cái xe đạp của mình, bao nhiêu năm vẫn như mới”.
Cả đến khía cạnh “khá nhạy cảm” đối với một người đang giữ trọng trách lớn, đụng đến quyền lợi như phương tiện, nhà cửa… trong ký ức của người thư ký riêng, Bác Tôn vẫn luôn cho thấy sự “cần, kiệm, liêm, chính” của mình.
Ông Lê Hữu Lập kể: “Ngay cả ô tô, lúc trước Bác Tôn chỉ có một chiếc xe con cóc để đi công tác. Khi đã là Chủ tịch nước, Bác cũng chỉ đi những chiếc xe bình thường của Liên Xô tặng, còn xe đẹp, Bác nhường để đón, đưa khách. Sau Bác chỉ đi cái xe com-măng-ca của quân đội. Bác Tôn bảo, đi xe này người dân nhìn vào không nghĩ mình là ông lớn, hơn nữa nó xóc thế này có khác gì giúp cho mình tập thể thao. Khi Bác Tôn 80 tuổi, Bác đã trù định sẵn sẽ trả lại tất cả những tài sản mà Nhà nước cung cấp cho Bác như tivi màu, tủ lạnh, quạt... và cả ngôi nhà Bác đang sống và làm việc. Dù tất cả những tài sản đó vào thời điểm ấy đều rất giá trị và hiếm nhưng Bác Tôn không giữ lại một cái gì cho gia đình mình”.
Cũng xung quanh chuyện nhà ở cho Bác Tôn, ông Lê Hữu Lập nhớ lại: “Sau giải phóng miền Nam, một lần anh Phạm Hùng (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) cho gọi tôi và anh Phúc (con rể Bác Tôn) lên gặp. Anh Phạm Hùng nói thân mật: “Cụ năm nay gần 90 rồi, nếu đưa cụ vào miền Nam sống, thời tiết ấm áp quanh năm sẽ có lợi cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Không vô hẳn thì chí ít cũng vô những ngày mùa Đông lạnh giá. Anh Lập, anh Phúc không ai được bàn lùi; về nhà phải động viên để cụ thuận lòng”. Sau đó, nhân một chuyến công tác chúng tôi được đưa đến thăm một biệt thự rất lớn ven sông Sài Gòn, xung quanh có mấy ngôi nhà cũng khá đẹp. Người tháp tùng bảo, Trung ương dự kiến dành biệt thự này cho Bác Tôn, còn nhà này của anh Lập, nhà kia của anh Phúc... Khi về Hà Nội, chúng tôi báo cáo lại với Bác Tôn. Người suy nghĩ giây lát, rồi bảo: “Kháng chiến gian khổ, mình không có sức vô chiến đấu, giờ hòa bình mới vô, lại ở nhà to, đẹp; thế chẳng bằng vô chiếm nhà sao?”. Biết tính cụ nên chúng tôi từ bỏ ý định thuyết phục”.
Chỉ từng ấy chi tiết trong hồi ức của người thư ký riêng, thấy rõ được “chất người Tôn Đức Thắng” với “nét hào hiệp của người Nam bộ, chất nhân đạo của con người, chất cách mạng của người cộng sản” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định.
Duyên cớ cho tình bạn hiếm có
Bác Tôn hơn Bác Hồ hai tuổi, nhưng vẫn gọi Bác Hồ là Bác. Còn Bác Hồ thì vẫn gọi người chiến hữu gần gũi với mình là Bác Tôn. Họ đã coi nhau như những người bạn khi cả hai còn chưa gặp nhau. Cách mạng Tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn trở về đất liền, tham gia lãnh đạo Cách mạng.
Tháng 3/1946, Bác Tôn được Trung ương Đảng điều động ra Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà Bác Tôn hằng ngưỡng mộ. Còn Bác Hồ, nghe danh người công nhân Tôn Đức Thắng đã tổ chức Công hội bí mật từ năm 1920.
Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn. Ảnh tư liệu |
Năm 1926, tại Trung Quốc, khi cử hai đồng chí Nguyễn Văn Lợi và Trần Trọng Bình về Sài Gòn gây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Lý Thụy (bí danh của Bác Hồ) căn dặn: Đến Sài Gòn, phải tìm cách liên lạc được với anh Tôn Đức Thắng!. Cùng song hành trong sự nghiệp cách mạng, tình bạn giữa hai nhà cách mạng lỗi lạc cứ lớn dần.
Trong phiên họp ngày 8/11/1946, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh nói lời từ chức, trao quyền để Quốc hội lựa chọn người đứng ra thành lập Chính phủ mới, thì đại biểu Nam bộ Tôn Đức Thắng lập tức đứng lên, dõng dạc phát biểu: “Tôi xin giới thiệu Cụ Hồ Chí Minh, tức nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc là người xứng đáng hơn ai hết, đứng ra thành lập Chính phủ mới!”.
Tháng 6/1948, Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Trước đó, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định cử Bác Tôn, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng ban Trung ương vận động Thi đua ái quốc. Tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ thường mời Bác Tôn đến gặp để đàm đạo, trao đổi ý kiến về những công việc cụ thể nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc.
Trong suốt những năm tháng sau đó, Bác Tôn luôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung. Chẳng dễ để lý giải cho duyên cớ nào đã làm nên tình bạn hiếm có ấy: Một sự nghiệp cách mạng cùng chí hướng, những tình cảm đặc biệt tự thân và chắc chắn rằng sự tâm đầu ý hợp ấy đến cả những tương đồng trong quan niệm sống: hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không đòi hỏi, không màng tới danh lợi cho bản thân, bình dị và mẫu mực hết sức.
Đời trong như ngọc, trắng như bông
Năm 1958, nhân dịp Chúc mừng Chủ tịch Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã viết: “Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta”.
Cố Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công thì khẳng định: “Cùng với lòng trung thành, tận tụy, lập trường vững vàng, tinh thần dũng cảm bất khuất, ở Bác Tôn còn nổi lên đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, hòa mình trong quần chúng”.
Tác giả Hồ Thanh Điền, trong bài thơ có tựa đề Nhớ Bác, đã viết “... Lá cờ Hắc Hải bay từ ấy/ Cho đến bây giờ vẫn uy nghi.../...Từ thuở thiếu thời đi lập cứ/ Một thời nghĩa khí ánh hào quang/Mười bảy năm tù lao khổ lắm/ Sử vàng, Người để chữ trung cang!/Cuộc sống đơn sơ, giàu đức hạnh/ Vải bô ấp ủ trái tim hồng/Vinh, nhục, sang, hèn, lòng vẫn vậy/ Đời trong như ngọc, trắng như bông./.