Nhớ chốn 'an cư' một thuở

24/12/2016 11:09

(Baonghean) - Chẳng hiểu sao mỗi lần đi qua những dãy nhà tập thể cũ lòng tôi lại nao nao. Những mái ngói lô xô, bức tường loang lổ màu cỏ úa, cả những gương mặt khắc khổ cứ gợn trong tôi về tháng ngày quá vãng. Các dãy nhà tập thể nó như một chứng cứ “vàng son” về một giai đoạn lịch sử, cũng lại như một niềm nhức nhối giữa không gian ồn ào, hào nhoáng đương đại.

Tuyến đường dẫn vào khu tập thể cũ ở khối 12, phường Hồng Sơn (TP. Vinh).
Tuyến đường dẫn vào khu tập thể cũ ở khối 12, phường Hồng Sơn (TP. Vinh).

Không ai biết dãy nhà tập thể đầu tiên ở Vinh có tự bao giờ. Có người nói rằng khoảng độ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, nhưng cũng có người khẳng định nhà tập thể xuất hiện ở Vinh đầu năm 1960 và được xây dựng nhiều sau năm 1963, thời điểm Vinh từ thị xã trở thành thành phố. Nói vậy, các dãy nhà tập thể cũng đã có “tuổi đời” hơn 50 năm, quá nửa một đời người. Nhưng quan trọng hơn, những dãy nhà xập xệ, rách nát còn lại trong ngày hôm nay là nơi dưỡng nuôi lớn lên không biết bao nhiêu thế hệ, mà cuộc đời của họ gắn liền với sự phát triển của đô thị Vinh.

Trong một bài viết gần đây về thành phố Vinh, tôi từng nhắc đến cụm từ “con cơ quan”. Đúng vậy, “con cơ quan” là cách mà nhiều người gọi lũ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Thuở đó, Vinh là một đại công trường, đi đâu người ta cũng bắt gặp những công trường xây dựng. Sự nghiệp kiến thiết thành phố sau chiến tranh đã huy động một lượng rất lớn lực lượng lao động từ các địa phương đổ về Vinh. Bố tôi vẫn thường nói đùa “nhà ta là dân nhập cư”. Những khu nhà tập thể ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của một bộ phận dân cư mới, họ thuộc thành phần của các công ty, xí nghiệp, nhà xưởng có nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố Vinh. Những đứa trẻ được sinh ra trong các căn phòng tập thể như tôi vì thế được gọi là “con cơ quan”.

Những dãy nhà lem luốc, xuống cấp mà người ta vẫn còn nhìn thấy hiện nay, từng là niềm mơ ước của nhiều người ngày trước. Trước đây, để được vào ở trong khu tập thể nhất định phải thuộc thành phần được ưu đãi nào đó. Có thể là gia đình thương binh, liệt sỹ… Chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra sau năm 1975 đã chào đời trong những căn phòng chật chội ấy.

Còn nhớ, căn phòng của gia đình tôi chung vách với gia đình chú Mỹ, dì Nguyệt. Cả 2 vợ chồng đều đến từ huyện Thanh Chương, họ cưới nhau sau khi đến Vinh làm công nhân. Chú Mỹ là người rổn rảng, vui tính, còn dì Nguyệt có phần kín đáo hơn, nhưng khi cần dì ấy dường như có thể… xé toạc cả bầu trời!. Tôi đã có lần nằm bên nhà mình và nghe rõ câu chuyện của vợ chồng dì Nguyệt từ bên kia vách. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc, chú Mỹ đẹp trai lại hát hay nên được mấy cô công nhân trẻ thích. Cũng chỉ là bóng gió thế thôi, ai dè dì Nguyệt điên lên, nồi niêu, phích nước cứ là loảng xoảng, cả dãy nhà được một phen mất ngủ…

Căn nhà của một hộ dân ở khu tập thể cũ khối 12, phường Hồng Sơn.
Căn nhà của một hộ dân ở khu tập thể cũ khối 12, phường Hồng Sơn.

Ấy thế! Chật chội, tù túng và cả mất thoái mái tự nhiên nhưng trong các dãy nhà tập thể chúng tôi sống rất tình cảm. Chuyện vui, chuyện buồn, người đau, kẻ ốm mọi người đều chia sẻ với nhau. Mẹ tôi là cán bộ cũng là y tá của cơ quan, nên tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đi khám, tiêm cho nhiều gia đình. Cũng vì thế tôi biết hầu hết hoàn cảnh của những người công nhân “nhập cư” về thành phố từ nhiều vùng miền trong tỉnh. Và trong cái không gian của những dãy nhà tập thể chúng tôi cũng trải qua những giây phút nỗi lo sợ lên đết tột độ. Đó không chỉ là những câu chuyện ma quái, liêu trai mà người lớn rỉ tai nhau như để trêu chọc lũ trẻ hàng đêm. Nỗi lo lắng còn đến từ các căn phòng lợp giấy dầu hay ngói pờ-rô xi măng tường đã lở toang hoác.

Tôi còn nhớ cơn bão năm 1982, bão đổ về ban ngày, giông gió ào ạt. Đứng trên thềm của căn phòng cũ nhìn ra đường Nguyễn Thị Minh Khai tôi nhìn thấy những gốc cây lớn bị gió quật ngã lôi đi. Đến cả những cột điện cũng bị lốc vặn gãy nằm la liệt trên đường.

Thời điểm ấy, nhiều gia đình trong cơ quan đã gửi trẻ nhỏ đến những ngôi nhà chắc chắn, vững chắc hơn. 4 chị em chúng tôi, lớn 13 tuổi, nhỏ 5 tuổi vì bố mẹ đều phải trực chống bão nên vẫn chưa rời đi giống như những đứa trẻ khác. Lúc mẹ tôi đội gió mưa vừa về đến phòng thì hai chân gần như khuỵu xuống khi thấy 2 chị gái tôi đang níu nhau đi giữa đường. Hai chị em dùng khăn quàng đỏ buộc ngang hông để giữ chặt nhau.

Không biết nghe ai bày mà 2 chị tôi rủ nhau đi tìm một gia đình phía bên kia đường để tránh bão. Một đợt lốc bất ngờ ào đến, từ trong nhìn ra chúng tôi thấy rõ mồn một 2 đứa trẻ bị nhấc lên khỏi mặt đất đến hơn 50cm, sau ngã lăn dưới đường. Mẹ tôi gào lên lao ra giữa bão tố, không màng đến những nhói buốt do mảnh vỡ, cành cây đập vào đầu vào vai. Mẹ cứ như vậy gồng mình chống chọi, có lúc ngã ập xuống, lại bò, lại chạy để kịp giữ 2 đứa con nhỏ đang chới với giữa xoáy lốc. May mà không ai việc gì. Nhưng cái ký ức hãi hùng ấy đeo đuổi chị em tôi suốt tháng năm tuổi thơ trong cái khuôn viên chật hẹp với những cái bể nước mùn rêu của khu tập thể già nua ọp ẹp.

Những phụ nữ từng là công nhân Công ty may mặc Việt Đức gần nửa đời người sống trong các dãy nhà tập thể.
Những phụ nữ từng là công nhân Công ty may mặc Việt Đức gần nửa đời người sống trong các dãy nhà tập thể.

Năm tháng trôi qua, phân nửa công nhân của cơ quan mẹ tôi phải nghỉ “một cục” theo chế độ 176. Rất nhiều người bước ra từ làng quê, đến phố thị ôm mộng đổi đời nay mới thấm thía cuộc sống vất vả, cơ cực của người công nhân. Vậy là vợ chồng, cha con lại lục tục kéo nhau về quê, trở lại với thân phận nông dân chính hiệu. Số còn lại tìm mọi cách bám trụ chốn thị thành và bằng mọi nỗ lực thay đổi cuộc sống.

Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, những khu nhà tập thể giờ đây trở thành nỗi nhói buốt của đô thị Vinh hào nhoáng, náo nhiệt. Bà Nguyễn Thị Lan, ở khu tập thể cũ thuộc Công ty may mặc Việt Đức trước kia (nay là khối 12, phường Hồng Sơn - TP.Vinh) gạt nước mắt nói rằng, gần 45 năm sống trong nhà tập thể, chưa bao giờ những công nhân như bà ngừng ước mơ về một ngôi nhà nhỏ, ấm êm, sạch sẽ. Gần 200 hộ dân ở khối 12 cũng đã có người về “miền cực lạc” mà chưa một lần tìm thấy sự bình yên về chốn an cư.

Thành phố Vinh đã là đô thị loại I từ năm 2008 và cho đến nay vẫn còn 156 khu tập thể cũ. Thành phố đã xây dựng đề án để giải quyết 113 khu tập thể. Chủ trương là vậy, nhưng sẽ còn rất lâu nữa hàng ngàn người dân mới thoát khỏi cảnh sống nhếch nhác, tạm bợ. Tôi nhớ cái thở dài đắng đót của bà cụ Lan nửa đời người sống trong căn phòng tập thể: “Chiều nay trong khối đang có người hấp hối, bà ấy cũng từng là công nhân may mặc như chúng tôi. Cả đời chưa một ngày hết lo lắng về chốn ăn ở. Cũng đành!”…

Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhớ chốn 'an cư' một thuở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO