Mực nước sông Lam xuống thấp, nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ xuân

Văn Trường 18/01/2024 06:27

(Baonghean.vn) - Thời điểm này đang là giai đoạn làm đất gieo cấy lúa vụ xuân, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Thanh Chương hàng loạt trạm bơm trong tình trạng “treo nồi hông” do mực nước sông Lam cạn. Nếu không có các giải pháp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến gieo cấy lúa vụ xuân tại địa phương. 

bna-van-truong-m23-1535.jpeg
Trạm bơm xã Cát Văn (Thanh Chương) hiện đang dừng hoạt động do mực nước cạn. (Ảnh chụp ngày 13/1). Ảnh: Văn Trường

Nhiều trạm bơmdừng hoạt động do mực nước cạn

Những ngày này tại xã Cát Văn (Thanh Chương) bà con nông dân đang tích cực làm đất gieo cấy lúa xuân. Ông Trần Văn Bình đang đắp bờ ruộng chia sẻ: Mực nước sông Lam cạn nên trạm bơm không hoạt động được, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ làm đất gieo cấy lúa xuân.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng trạm bơm xã Cát Văn chia sẻ: Theo kế hoạch, từ ngày 10/1, Thủy điện Bản Vẽ đã tiến hành xả nước, tuy nhiên, mực nước trên sông Lam quá thấp, nên hệ thống bơm gồm 3 máy bơm với công suất 3.300 m3/giờ hiện phải dừng bơm. Trạm đang triển khai kế hoạch thực hiện nạo vét bể hút, nối vòi để bơm.

Khó khăn đặt ra nữa là do máy móc lạc hậu, hư hỏng, có thể khắc phục nối được vòi bơm nhưng sẽ khó bơm, do lực hút của máy yếu. Trạm bơm xã Cát Văn phục vụ nước tưới cho trên 136 ha lúa, nay đang trong giai đoạn làm đất. Chủ yếu bà con đang sử dụng nguồn nước mưa mấy ngày qua để làm đất và dưỡng mạ, nguy cơ thiếu nước vụ xuân là hiện hữu.

bna-van-truong-5-4276.jpeg
Một số trạm bơm phải nối vòi bơm ra sông Lam. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Thanh Chương cho biết: Đơn vị quản lý 9 trạm bơm trên địa bàn huyện Thanh Chương, nhưng hiện có 5 trạm bơm hiện không hoạt động được. Chẳng hạn, trạm bơm Cát Văn phục vụ tưới cho xã Cát Văn với diện tích vụ xuân là 136 ha. Thế nhưng, mực nước trên sông Cả tại Trạm bơm Cát Văn đo được là +5.80m, nên hiện nay các tổ máy vẫn không thể vận hành được.

Cụm trạm bơm Rạng (Bao gồm trạm bơm Rạng, trạm bơm Thanh Hưng 1 và Trạm bơm Thanh Hưng 2), phục vụ tưới cho xã Đại Đồng và xã Thuận Sơn (Đô Lương) với diện tích vụ đông xuân là 575 ha. Mực nước trên sông Cả tại trạm bơm Rạng đo được là +4.30m. Hiện nay, chỉ có 2 tổ máy của trạm Thanh Hưng 1 vẫn còn hoạt động được với lưu lượng khoảng 60%, riêng trạm bơm Rạng và trạm bơm Thanh Hưng 2 vẫn không thể vận hành được.

Hay trạm bơm Đồng Văn tưới cho xã Đồng Văn và thị trấn Thanh Chương với diện tích vụ đông xuân là 290 ha. Mực nước trên sông Cả tại trạm bơm Rú Nguộc đo được là +3.60m, hiện nay, các tổ máy vẫn không thể vận hành được.

. bna-van-truong-mmm33-4575.jpeg
Một số tuyến kênh trên địa bàn huyện Thanh Chương khô cạn. Ảnh: Văn Trường

Sớm có giải pháp điều tiết nước sản xuất

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Vụ xuân năm nay huyện gieo cấy trên 8.500 ha, trong đó có trên 2.000 ha phụ thuộc nguồn nước dọc sông Lam. Trước tình trạng khó khăn nguồn nước, huyện đang chỉ đạo các địa phương và đơn vị thủy lợi túc trực 24/24h khi nguồn nước sông Lam dâng là triển khai bơm hết công suất phục vụ sản xuất lúa xuân.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương tận dụng triệt để nguồn nước mưa những ngày vừa qua để dưỡng mạ, làm đất, tuyên truyền cho người dân thực hiện tiết kiệm nước. Về lâu dài cần tiến hành nâng cấp hệ thống trạm bơm, bởi hầu hết trạm bơm ở Thanh Chương đã xuống cấp.

bna-van-truong-4-5334.jpeg
Công nhân thực hiện nạo vét hố bơm để bơm nước ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Trước thực trạng trên, ngày 5/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp giữa Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Chi Khê, UBND các huyện: Thanh Chương, Đô Lương và các sở, đơn vị có liên quan thống nhất phương án điều tiết nước các hồ chứa thủy điện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có văn bản yêu cầu Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Chi Khê vận hành điều tiết nước hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê vận hành xả nước xuống hạ du trong khoảng thời gian từ ngày 10/1 đến hết ngày 15/2, cụ thể:

Trong thời gian từ ngày 10/1 đến hết ngày 14/1 và từ ngày 26/1 đến hết ngày 30/1: Hàng ngày, hồ Bản Vẽ vận hành bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình không nhỏ hơn 150,0m3/s. Trong thời gian từ ngày 15/1 đến hết ngày 25/1 và từ ngày 31/1 đến hết ngày 15/2: Hàng ngày, hồ Bản Vẽ vận hành bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình không nhỏ hơn 65,0 m3/s.

bna-van-truong-22444-6776.jpeg
Mực nước trên sông Lam quan trắc tại bara Đô Lương khá thấp. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, qua kiểm tra và nắm bắt thông tin thì mực nước trên sông Lam quan trắc tại bara Đô Lương vào thời điểm 10h00, ngày 12/1 đạt cao trình +11,0m so với cao trình ngưỡng tràn của đập dâng bara Đô Lương là +10,5m. Lượng nước trên sông Lam chảy tràn qua bara Đô Lương về phía hạ lưu là không đáng kể.

Để kịp thời đảm bảo nguồn nước tưới vụ xuân, ngày 12/1, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Thanh Chương đã có báo cáo “về việc mực nước sông xuống thấp ảnh hưởng đến bơm tưới vụ xuân năm 2024”.

bna-van-truong-3-9706.jpeg
Các trạm bơm dọc sông Lam trên địa bàn Thanh Chương hầu hết dừng hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Đơn vị có kiến nghị, đề xuất với ngành liên quan nếu xả nước theo phương án hiện tại thì các trạm bơm trên địa bàn huyện Thanh Chương do công ty và địa phương quản lý vẫn sẽ không hoạt động được gây ra tình trạng lãng phí nước, không hiệu quả. Để các trạm bơm hoạt động được thì mực nước sông Lam cần dâng cao lên tối thiểu khoảng 40cm so với mực nước sông hiện tại ở vị trí các trạm bơm.

Để đảm bảo bơm tưới cho các địa phương kịp khung lịch thời vụ theo kế hoạch đã đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn tăng cường lưu lượng xả lớn hơn phương án đã thực hiện tại Văn bản số 191/UBND-NN ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh Nghệ An.

Mới nhất

x
Mực nước sông Lam xuống thấp, nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO